Trả lời báo chí về vụ Vedan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh:

Cơ quan chức năng tỉnh yếu kém về năng lực

Cảnh sát môi trường phát hiện vi phạm của Vedan từ vệ tinh
Cơ quan chức năng tỉnh yếu kém về năng lực

Như vậy, sau 5 ngày kể từ khi Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang Công ty Vedan có hành vi gian dối trong việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức lên tiếng tại cuộc họp báo vào sáng 18-9-2008 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh chủ trì (ảnh). Dưới đây là một số nội dung chính mà lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai trả lời báo chí.

“Chúng tôi đã làm mọi cách!”

* Ông có thể cho biết vì sao Công ty Vedan có hành vi gian dối suốt 14 năm hoạt động nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của tỉnh lại không phát hiện được?

Cơ quan chức năng tỉnh yếu kém về năng lực ảnh 1

* Chuyện này khó lắm. Chúng tôi làm mọi cách rồi. Sở Tài nguyên-Môi trường cũng được giao kiểm tra, khảo sát đánh giá môi trường theo đúng thẩm quyền trước khi hệ thống xử lý nước của công ty này đi vào hoạt động. Sau đó cũng tiến hành kiểm tra theo định kỳ… Cũng làm hết cách rồi, nhưng Vedan gian dối quá “siêu” như thế nên rất khó phát hiện. Nếu biết được hành vi gian dối như thế không ai dại gì cấp phép cho đơn vị này hoạt động, để rồi bây giờ lãnh hậu quả và phải xử lý quá trình tồn tại hoạt động của công ty này.

* Nếu các hành vi của Công ty Vedan đủ yếu tố để xử lý hình sự, lúc ấy trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ra sao, thưa ông?

* Vấn đề này có hai vế. Thứ nhất, hành vi của Công ty Vedan là cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, né tránh việc thực hiện quy trình xử lý môi trường và thải thẳng ra sông qua hệ thống ngầm là hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải vi phạm bình thường trong quá trình vận hành. Còn chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ chịu trách nhiệm trong chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình là kiểm tra, giám sát căn cứ vào những quan trắc, kết quả kiểm tra nằm trong hệ thống vận hành xử lý chính thức của Công ty Vedan.

* Thưa ông, ô nhiễm sông Thị Vải tồn tại đã lâu. Dư luận địa phương cũng rất bức xúc nhiều năm qua nhưng tỉnh đã không xử lý rốt ráo. Cả khi Vedan bị bắt quả tang đã nhiều ngày, vì sao tỉnh vẫn chưa bày tỏ quan điểm của mình?

* Về nguyên tắc Bộ Tài nguyên-Môi trường chưa có báo cáo chính thức thì tỉnh cũng không có ý kiến gì về hành vi của Vedan.

“Tại nghĩ Vedan là đơn vị lớn”

* Trước khi mở cửa thu hút đầu tư, tỉnh có lường trước được sự việc này nghiêm trọng đến mức nào?

* Lúc đó Vedan là một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư vào tỉnh và trên thực tế đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt đã góp phần giúp nông dân trong khu vực tiêu thụ nông sản (khoai mì) tại chỗ. Mặc dù lãnh đạo tỉnh có nghĩ đến những khả năng gây ô nhiễm cho môi trường nhưng nhiều quan điểm cho rằng Vedan là đơn vị lớn nên họ sẽ không vi phạm. Vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của mình.

* Năm 2006 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã lấy mẫu nước kiểm tra và phát hiện một số sai phạm của Công ty Vedan. Tại sao không xử lý rốt ráo?

* Ngay sau khi bị phát hiện vi phạm, Vedan đã khắc phục ngay bằng việc xây dựng bổ sung hồ sinh học. Về bề nổi thì thấy Vedan chấp hành và khắc phục sai phạm. Chuyện không xử lý vi phạm thì tôi chưa nghe báo cáo (?)

* Vedan cũng đã từng bị phạt bốn lần, nhưng sao không xử lý?

* Tại mình khuyến cáo tới đâu thì người ta khắc phục đến đó. Như đi xe máy chẳng hạn, vi phạm thiếu đèn nháy, thì phạt đèn nháy. Lần sau thiếu phanh thì phạt phanh xe. Chứ bốn lần cùng một tội danh là tình tiết tăng nặng, nhưng ở đây không đạt yêu cầu, xử lý là có nhiều nhóm tiêu chí.

* Ông nhìn nhận trách nhiệm của tỉnh và cơ quan chức năng địa phương ra sao?

* Chúng tôi thừa nhận các cơ quan chức năng còn những mặt yếu kém về năng lực. Nhưng phải nói là hành vi của Vedan tinh vi như thế cũng rất khó phát hiện. Ngay bản thân lực lượng Cục Cảnh sát môi trường cũng phải kiên trì cài cắm lâu dài mới bắt được quả tang.

* Có thông tin cho rằng chính vì Vedan thường tạo điều kiện cho lãnh đạo tỉnh xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, đi tham quan nên có việc chùn tay trong xử lý những sai phạm của họ?

* Quan điểm của tỉnh là không chùn tay khi xử lý bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của nhà nước dù đối tượng vi phạm là ai. Còn chuyện tạo điều kiện cho lãnh đạo đi nước ngoài, tôi mạn phép không trả lời (?). Việc Vedan tạo điều kiện cho lãnh đạo đi nước ngoài phải hiểu theo nghĩa tích cực hay tiêu cực?

Ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai đã báo động đỏ từ lâu

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay môi trường lưu vực sông Đồng Nai (bao gồm các sông chính là Đồng Nai, sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải) đang ở mức báo động đỏ. Theo kết quả phân tích gần đây nhất, vùng hạ lưu sông Đồng Nai bị nhiễm mặn nghiêm trọng và không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Sông Sài Gòn bị ô nhiễm còn trầm trọng hơn, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh và một số nơi ô nhiễm kim loại nặng… Đặc biệt đoạn sông Thị Vải từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả – sông Thị Vải đến khu công nghiệp Mỹ Xuân dài hơn 10km đã trở thành “sông chết”, là đoạn sông bị ô nhiễm nặng nhất trong lưu vực, thậm chí có nơi nồng độ oxy hòa tan trong nước gần bằng không, các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống. Cơ quan chuyên môn còn phát hiện hàm lượng thủy ngân (một loại hóa chất rất độc hại) tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân… trên sông Thị Vải có hàm lượng vượt chuẩn từ 1,5-4 lần, hàm lượng kẽm vượt chuẩn 3-4 lần (nước loại B). Riêng ô nhiễm vi sinh (coliform) đã vượt chuẩn từ vài chục đến hàng trăm lần…

Các cơ quan chuyên môn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, nước thải sinh hoạt… với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao. Tính đến nay, trên lưu vực sông Đồng Nai có khoảng trên dưới 60 khu công nghiệp-khu chế xuất đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có khoảng trên 1/3 trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp ra sông. Ngoài ra còn có gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế... xả nước thải vào lưu vực, trong đó hầu hết là nước thải chưa qua xử lý.


***

Cảnh sát môi trường phát hiện vi phạm của Vedan từ vệ tinh

(SGGP).- Chiều 18-9, đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết, Cảnh sát môi trường đã triển khai lực lượng xuống Công ty Vedan để bảo vệ hiện trường, bảo đảm hiện trường không bị thay đổi. Theo ông Thảo, hệ thống ngầm đưa nước thải ra ngoài của Vedan được thiết kế rất tinh vi, chỗ chìm, chỗ nổi lẫn vào hàng trăm đường ống khác. Vận hành hệ thống xả thải bí mật là hai người nước ngoài, người VN không ai biết về hệ thống này. Để bắt quả tang những sai phạm của Công ty Vedan, lực lượng Cảnh sát môi trường phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt phải dùng cả phương pháp chụp ảnh Vedan từ vệ tinh. Cho đến nay, vẫn còn một số đường ống mà đoàn kiểm tra và lực lượng Cảnh sát môi trường đang tiếp tục làm rõ.
 

MAI LAN – CHIẾN DŨNG

Thông tin liên quan

>> Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo: Nhiều vụ vi phạm tương tự Vedan sắp được đưa ra ánh sáng

>> Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư” 

>> Công ty Vedan bị đình chỉ hoạt động

>> 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

>> Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan

>> Bắt quả tang Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải

Tin cùng chuyên mục