Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan

Chiều 15-9, trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh việc Công ty Vedan (Đồng Nai) xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải, ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết:

Hiện đoàn công tác của Bộ TN-MT đang làm việc với chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và đã tiến hành lấy mẫu nước thải ra từ Công ty Vedan để phân tích. Sau đó sẽ có các cuộc họp liên tịch để đưa ra hình thức xử lý đối với doanh nghiệp này.

- Việc phân tích mẫu nước thải có ý nghĩa gì và khung hình phạt cao nhất đối với doanh nghiệp này có thể ở mức nào, thưa ông?

Kết quả phân tích mẫu nước thải là chứng cứ xác thực nhất để kết luận doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường đến mức độ nào. Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đã tương đối đầy đủ, sẽ có đủ cơ sở để xử lý những vi phạm như thế này. Tinh thần là sẽ làm quyết liệt, nhưng hiện giờ tôi chưa thể nói ở mức nào.

- Đây không phải là lần đầu Công ty Vedan có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Đó có phải là một tình tiết tăng nặng?

Đúng là trước đây Công ty Vedan cũng đã từng vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường.

- Tình trạng vi phạm các quy định về môi trường trong thời gian gần đây không giảm, có phải do chế tài xử phạt còn quá nhẹ? Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa có thể tới 500 triệu đồng, song dường như chưa có hành vi vi phạm môi trường nào bị phạt tới mức này?

Cũng có thực tế là trong nhiều trường hợp, mức phạt chưa đủ sức răn đe. Nhưng theo tôi, phạt thôi chưa đủ, để ngăn ngừa vi phạm cần có nhiều biện pháp phối hợp nữa. Trong lĩnh vực môi trường, cần cung cấp thông tin đầy đủ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mới làm thay đổi được quan niệm, hành vi kinh doanh của doanh nghiệp để họ tích cực hơn trong bảo vệ môi trường.

- Tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải đã được cảnh báo từ cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay chưa được cải thiện, mà còn có dấu hiệu tăng nặng, tác động tiêu cực đến cư dân sống trên toàn bộ lưu vực sông Thị Vải, gần đây còn “tấn công” các bãi nghêu huyện Cần Giờ, TPHCM?

Xử lý ô nhiễm ở các lưu vực sông là công việc phức tạp, không thể ngày một ngày hai và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh phí, công nghệ kỹ thuật, sự đồng thuận của các bên liên quan... Cách làm đúng đắn là phải lựa chọn vấn đề theo mức độ quan trọng, cái nào cấp bách cần phải được ưu tiên giải quyết trước. Sắp tới, Tổng cục Môi trường sẽ đóng vai trò như một nhạc trưởng điều phối để làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án bảo vệ môi trường đã được Chính phủ phê duyệt.

Anh Phương thực hiện

Tin cùng chuyên mục