Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan: Hàng loạt đường ống dẫn nước thải được lắp đặt tinh vi

Bình Dương: Phát hiện một công ty vi phạm như Vedan
Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan: Hàng loạt đường ống dẫn nước thải được lắp đặt tinh vi
Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan: Hàng loạt đường ống dẫn nước thải được lắp đặt tinh vi ảnh 1

Sau khi vặn các van, nước thải sẽ chảy trực tiếp ra sông Thị Vải. Ảnh: M.L.

Ngày 24-9, các cơ quan chức năng tiếp tục công việc điều tra về hệ thống xử lý nước thải như “mê hồn trận” của Công ty Vedan. Theo đó, đoàn kiểm tra tiếp tục khảo sát tại một số khu vực có nhiều đường ống khả nghi dẫn nước thải chưa qua xử lý tại các xưởng lên men (sản xuất bột ngọt và lysine) và hệ thống đường ống, máy bơm từ một số bồn chứa dịch thải sau lên men trên đường xuống cầu cảng của Vedan.

Tại những khu vực trên, đoàn kiểm tra phát hiện những mánh khóe hết sức tinh vi trong việc lắp đặt hàng loạt đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý của Vedan xả thẳng ra sông Thị Vải. Cụ thể, tại xưởng lên men 1, có 2 hệ thống thu gom nước thải vào 2 bể chứa. Tại bể chứa thứ nhất giáp với hệ thống đường ống có 1 máy bơm công suất là 1,2m³/phút và bể chứa thứ nhì có 2 máy bơm cùng có công suất 1,2m³/phút, được sử dụng để bơm nước thải từ xưởng lên men 1 về nhà máy xử lý.

Tuy nhiên, trên đường ống dẫn nước thải về hệ thống xử lý lại có 2 họng xả được điều chỉnh bằng hệ thống van khóa gạt để có thể dễ dàng xả nước thải trực tiếp xuống hệ thống mương thoát nước giải nhiệt, rồi xả thẳng chất thải ra sông Thị Vải mà không đưa về hệ thống xử lý nước thải. Tại xưởng lên men 2, hệ thống thu gom cũng được thiết kế thu gom về một bể chứa, trên bể chứa này được lắp đặt 3 máy bơm công suất 0,84m³/phút/máy với nhiều đường ống nối thông xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện tại khu vực bể bán âm chứa nước thải của Vedan có 6 bồn chứa dịch thải sau lên men với dung tích 1.500m³/bồn. Các bồn chứa này được nối thông với nhau bằng các đường ống kỹ thuật phân bố phía dưới mỗi chân bồn. Tại đây được lắp đặt 2 máy bơm áp lực cao, có công suất 8,34m³/phút với các van khóa tự điều khiển nối với đường ống xả dịch thải ra cầu cảng số 2 và tuồn ra sông Thị Vải.

Qua kiểm tra tại khu vực có các bồn chứa dịch thải sau lên men có dung tích 7.000m³ và 12.000m³/bồn, cho thấy hệ thống này cũng được Vedan thiết kế, lắp đặt thông nhau tương tự như khu vực 6 bồn trên. Cũng lắp đặt các máy bơm có áp lực và công suất lớn nối với đường ống xả dịch thải ra cầu cảng số 2 và số 1 rồi đổ ra sông Thị Vải.

Đoàn kiểm tra kết luận: Nước thải phát sinh từ xưởng lên men 1, xưởng lên men 2 (sản xuất bột ngọt và lysine) và các bồn chứa bán âm dịch thải sau lên men của Vedan chỉ được dẫn về hệ thống xử lý nước thải hiếu khí 12 giờ/ngày, còn 12 giờ còn lại vào ban đêm, nước thải được xả trực tiếp vào hệ thống mương thoát nước giải nhiệt rồi xả thẳng ra sông Thị Vải mà không qua xử lý. Đoàn kiểm tra cũng cho biết, hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật trên của Vedan được lắp đặt một cách tinh vi và đưa vào vận hành từ những năm 1994. Điều này cho thấy Vedan đã cố ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường trong một thời gian dài, gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải.

Sau hơn 10 ngày tiến hành điều tra những sai phạm của Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, mặc dù đoàn kiểm tra đã nhiều lần đề nghị Vedan cung cấp toàn bộ hồ sơ, bản vẽ kỹ thuật thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải gốc cho đoàn kiểm tra, nhưng đến nay phía Vedan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Theo nguồn tin của Báo SGGP, việc điều tra vụ Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sẽ kết thúc trong tuần này.

Bình Dương: Phát hiện một công ty vi phạm như Vedan

Sáng 24-9, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH May mặc - Giặt tẩy Bến Nghé (100% vốn đầu tư nước ngoài) tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, phát hiện công ty này xả nước thải nguy hại ra môi trường chưa qua xử lý (giống như vụ Vedan).

Công ty Bến Nghé có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, công suất 200 - 250m³/ngày đêm gồm 3 hồ chứa thu gom, hồ xử lý vi sinh và hồ lắng bùn trước khi thải nước đã xử lý ra môi trường tự nhiên. Quy trình là vậy, nhưng 2 hồ xử lý vi sinh và lắng đọng đã không còn sử dụng và để hồ khô, phơi nắng nhiều tháng qua.

Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 1 đường ống chôn sâu dưới đất, đấu nối vào hồ thu gom chất thải nguy hại được ngụy trang dưới tấm vải che lại. Sau khi bung các nắp hố ga lên, phát hiện đường ống đang dẫn thẳng ra phía ngoài cống thoát nước Khu dân cư Thuận Giao. Sau nhiều giờ kiểm tra, đoàn kết luận: Công ty Bến Nghé đã hư hỏng hệ thống xử lý chất thải, nên đã dùng đường ống ngầm chôn dưới đất đấu nối vào hồ chứa nước thải sản xuất, rồi dùng bơm tống nước thải nguy hại này ra đường cống thoát nước sinh hoạt tại Khu dân cư Thuận Giao. Nguồn nước độc hại này sau đó chảy trực tiếp ra kênh Vĩnh Bình, huyện Thuận An rồi đổ thẳng ra sông Sài Gòn.

Đan Hà

Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan

- Phát hiện thêm một số đường ống xả nước thải chưa qua xử lý?

- Từ vụ sông Thị Vải “đang chết”: Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

- Hệ thống thoát nước ngầm tại Vedan đã từng được biết đến?

- Công bố 10 vi phạm của Công ty Vedan

- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo: Nhiều vụ vi phạm tương tự Vedan sắp được đưa ra ánh sáng

Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư” 

- Công ty Vedan bị đình chỉ hoạt động

23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

- Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan

- Bắt quả tang Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải

Tin cùng chuyên mục