Kênh Ba Bò tiếp tục bị ô nhiễm: Trên xả, dưới gánh!

Hồ sinh học xử lý nước kênh chỉ hiệu quả khi tỉnh Bình Dương vào cuộc

Hồ sinh học xử lý nước kênh chỉ hiệu quả khi tỉnh Bình Dương vào cuộc

Liên quan đến loạt bài đăng trên Báo SGGP phản ánh việc “Xây dựng hồ sinh học liệu có xử lý được nước kênh Ba Bò”, ngày 10-11, Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM đã tổ chức họp. Theo đó, các đại biểu có mặt tại cuộc họp đều thống nhất việc xây hồ sinh học chỉ phát huy hiệu quả nếu như tỉnh Bình Dương kiểm soát chặt chẽ và triệt để chất lượng nước thải công nghiệp xả ra.

Điều đáng nói là so với thực tế ô nhiễm kênh Ba Bò hiện nay thì chuyện đó quá khó thành hiện thực. Vậy việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò liệu có khả thi?

Xây hồ chủ yếu để... xử lý nước thải sinh hoạt!

Tại buổi họp, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập thành phố cho biết, hàm lượng các chất ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép và vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lén lút xả thải chưa qua xử lý ra kênh Ba Bò (chủ yếu vào ban đêm). Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Bình Dương cam kết buộc các doanh nghiệp phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Bản thân khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 phải đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện những cam kết này đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Do vậy, trung tâm đã đề xuất xây dựng hồ sinh học chủ yếu để xử lý nước thải sinh hoạt của người dân, đồng thời chủ động ứng phó với sự cố nước thải công nghiệp không đạt chuẩn của doanh nghiệp, khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đổ về.

Ông Lê Long, Công ty cổ phần Thiết kết và tư vấn xây dựng Hà Nội, đơn vị tư vấn xây dựng hồ sinh học khẳng định với nồng độ ô nhiễm nước kênh Ba Bò ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 4 lần như khảo sát của đơn vị thì hồ sinh học do đơn vị xây dựng hoàn toàn có thể xử lý được nước kênh Ba Bò đạt tiêu chuẩn nước thải loại B. Điều đáng nói là mức độ ô nhiễm ở kênh Ba Bò không dừng lại ở đó. Vậy khi mức ô nhiễm vượt hơn ngưỡng cho phép trên 4 lần thì liệu hồ sinh học có xử lý được?

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, xây dựng hệ thống xử lý sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm kênh Ba Bò từ thượng nguồn là phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả xử lý của hồ sinh học, cần thiết phải có thêm ý kiến phản biện của các chuyên gia môi trường; thiết kế cần tính đến phương án nước thải đầu vào có hàm lượng ô nhiễm cao hơn nhiều so với khảo sát, đánh giá ban đầu…

Ngoài ra, cần lưu ý những trường hợp có sự cố như cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thải lén không qua xử lý, nhà máy xử lý nước thải bị hư hỏng thì lúc đó nước kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng, hoặc nước thải có chứa các hoạt chất hoạt động bề mặt cao, độ màu lớn. Do vậy, phải xây dựng giải pháp kiểm soát thường xuyên và duy trì chất lượng kênh Ba Bò. Đồng thời, nên có thêm công đoạn xử lý hóa lý trước khi qua hồ sinh học và bổ sung hồ lắng (bể lắng) sau hồ sinh học.

Trái ngược với những nhận định trên của đơn vị đầu tư và đơn vị tư vấn, thông số ô nhiễm mà Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm không chỉ ở mức cao mà còn năm sau tăng hơn năm trước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Quản lý Môi trường, Sở TN-MT TPHCM cũng nhấn mạnh, chất lượng nước thải từ tỉnh Bình Dương chảy về liên tục bị phát hiện tồn tại lượng lớn chất thải công nghiệp. Sở TN-MT TPHCM đã tiến hành điều tra và phát hiện hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 là 8.000m3/ngày đêm. Trong khi khối lượng nước thải phát sinh thực tế hơn 10.000m3/ngày đêm.

Đó là chưa kể lượng nước thải công nghiệp của các doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố và tỉnh Bình Dương. Điều này cũng đã được ông Trần Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh tại công văn trình thường trực UBND TPHCM. Trong đó, ông Dũng đã khẳng định không ngoại trừ sẽ có một lượng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn sẽ đổ vào hồ sinh học, phá hỏng công nghệ xử lý hồ sinh học…

Thiếu thực tế, hồ sinh học sẽ thành ao tù ô nhiễm

Ông Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường nhấn mạnh nhiều lần, hồ sinh học chỉ có thể xử lý được nước kênh Ba Bò với điều kiện là cơ quan chức năng phải xác định rõ chủ nguồn thải và phải đảm bảo nước thải công nghiệp phải được xử lý triệt để và đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra kênh Ba Bò.

Riêng với thực tế chất lượng nước kênh hiện nay thì việc xây dựng hồ sinh học không những không xử lý được chất lượng nước kênh mà tương lai sẽ trở thành ao tù và là nơi phát sinh ô nhiễm mới. Hồ sinh học sẽ là trung tâm phát sinh ruồi, muỗi và mùi hôi. Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện Môi trường và Tài nguyên cũng khẳng định, mục tiêu dự án kênh Ba Bò là điều tiết chống ngập kết hợp cải tạo ô nhiễm. Vậy thì khi triển khai thực hiện dự án (ở khía cạnh cải thiện ô nhiễm) cần dựa vào điều kiện thực tế thay vì dựa vào cam kết của tỉnh Bình Dương. Có như vậy hiệu quả triển khai dự án cải thiện nước kênh Ba Bò mới mong đạt được yêu cầu của UBND TP và kỳ vọng của người dân sống khu vực dọc kênh Ba Bò.

Ông Nguyễn Phước Thảo cũng cho biết, TPHCM không thể xử lý chất thải công nghiệp thay cho tỉnh Bình Dương mà nhất thiết phải do Bình Dương chịu trách nhiệm. Còn nếu các doanh nghiệp không chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường thì đã có các cơ quan chức năng và lực lượng cảnh sát môi trường xử lý.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cho đến nay thực tế vẫn chứng minh cam kết xử lý triệt để nước thải công nghiệp của tỉnh Bình Dương vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của thành phố. Còn thực tế thì TPHCM đã và đang chuẩn bị bỏ 100% chi phí đầu tư để xử lý nước kênh Ba Bò nhằm cứu người dân thành phố thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm. Vậy thì việc xây hồ sinh học để cải tạo nước kênh Ba Bò hiện tại, hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân có khả thi?

ÁI VÂN

*Thông tin liên quan:

>> Kênh Ba Bò: TPHCM nỗ lực cải tạo, Bình Dương vô tư xả thải
>> Hơn 700 tỷ đồng xây dựng hồ điều tiết và sinh học-Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?
>> Phản hồi về việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò - Không khả thi
>> Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò: Khó khống chế nước thải công nghiệp từ Bình Dương

Tin cùng chuyên mục