Rừng: Hết phá rồi bán

Đủ kiểu phá rừng
Rừng: Hết phá rồi bán

Báo SGGP đã đăng loạt bài “Tận diệt tài nguyên khoáng sản”, phản ánh cách khai thác theo kiểu tận diệt từ titan, vàng đến cát, đá... ở miền Trung. Kèm theo khoáng sản là tài nguyên rừng đầu nguồn cũng bị khai thác triệt để. Và hậu quả là góp phần tạo nên những trận lũ kinh hoàng vào mùa mưa và hạn hán gay gắt vào mùa nắng.

Trâu thay vì kéo cày thì nay kéo gỗ. Ảnh: M.PHONG

Trâu thay vì kéo cày thì nay kéo gỗ. Ảnh: M.PHONG

Đủ kiểu phá rừng

Rừng Trường Sơn tại tỉnh Quảng Nam bị “cạo trọc” từ hàng chục năm qua gây nên bao tai ương cho người dân. Rừng ở đây không chỉ “được” phá để lấy gỗ mà còn do nạn khai thác vàng, trong đó không ít công ty khai thác vàng được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác, rồi từ đó các công ty này tự ý phá rừng để mở đường, lấy gỗ làm lán trại và đà chống hầm vàng, thậm chí khai thác cả rừng phòng hộ.

* Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định: “Việc tổ chức bán đấu giá rừng trồng của Ban QLRPH An Lão là không sai, thế nhưng trước khi tiến hành đấu giá buộc phải có sự đồng thuận 100% của các chủ rừng về giá bán”.

* Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hoàng Đình Nhất, Phó phòng TN-MT huyện Phước Sơn (Quảng Nam), thừa nhận: “Nhiều năm qua, hàng trăm hécta rừng bị triệt phá vì nạn đào đãi vàng có phép và trái phép. Tuy nhiên, chính quyền rất khó xử lý vì địa bàn quá rộng không thể kiểm soát hết”.

Gần 7 tháng trước, các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn phát hiện Công ty TNHH Phước Minh (đóng tại khối 1, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) tự ý khai thác 4km tiểu khu 720 thuộc rừng phòng hộ để… mở đường đưa hóa chất, vật tư vào khai thác vàng tại bãi vàng Khe Tăng (xã Phước Thành).

Tại đây, nhiều loại cây gỗ quý thuộc nhóm 1, nhóm 2… bị đốn hạ không thương tiếc. Số được xẻ thành những tấm ván lớn hay thanh vuông để dựng lán trại, làm đà chống hầm (với dụng ý sau này tháo dỡ lán trại, gỗ còn đem bán có giá), số vứt lăn lóc chờ đưa về xuôi tiêu thụ…

Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng phát hiện, UBND huyện Phước Sơn đã có văn bản đình chỉ thi công nhưng Công ty Phước Minh vẫn ung dung mở thêm 2km đường nữa với lý do: mỏ vàng được tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác, muốn khai thác đương nhiên phải… phá rừng để mở đường. Đây là một trong hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ phá rừng để phục vụ khai thác vàng có phép lẫn trái phép tại huyện Phước Sơn.

Tính đến nay, toàn huyện Phước Sơn có 14 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại 6 xã: Phước Thành, Phước Lộc, Phước Đức, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Kim… Ngoài ra, trên địa bàn các xã này còn có… hàng trăm hầm khai thác vàng trái phép. Cấp phép khai thác vàng chẳng khác gì “cấp phép”… phá rừng . Mỗi hầm vàng đào sâu vào lòng núi hàng chục mét. Để chống hầm, phải cần đến hàng chục mét khối gỗ để làm đà chống.

Ở tỉnh Quảng Bình, 6/7 huyện vừa bị lũ tàn phá đều do nạn phá rừng. Rừng Quảng Bình được đánh giá có độ che phủ hơn 64%, đứng thứ hai cả nước có độ che phủ rừng. Nhưng diện tích rừng tốt hàng năm cứ thu hẹp dần. Lâm trường của Công ty LCN Long Đại mỗi năm được phép khai thác đến 5.000m³ gỗ, nhiều lâm trường khác ở phía Bắc Quảng Bình cũng xin được giấy phép tương tự. Đặc biệt là “sáng kiến” phá rừng để trồng cây cao su, khiến hàng chục ngàn hécta rừng ở Lệ Thủy bị đốn hạ và hậu quả mưa lũ đang hoành hành ngày càng dữ dội ở tỉnh này.

Tại huyện Tuyên Hóa, một quan chức kiểm lâm cho biết, ở huyện này, xã nào cũng có gỗ lậu. Lượng gỗ lậu nằm trong dân có đến 3.000m³. Tương tự, tại huyện Minh Hóa, gỗ lậu hiện diện ở 16 xã thị trấn. Tại xã Trung Hóa, trung tâm gỗ lậu của huyện, chúng tôi vào nhà chủ tịch xã này và chứng kiến nhà trên, nhà dưới của vị này chất đầy… gỗ lậu. Sau đợt lũ vừa qua, tại 6/7 huyện, gỗ lậu lộ ra ở nhiều nơi với hàng ngàn khối gỗ không rõ nguồn gốc.

Nắng thiếu nước, mưa lũ tràn

Mặc dù miền Trung đã vào mùa mưa nhưng các hồ thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung vẫn thiếu nước. Tại Quảng Nam, Bình Định… các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng do nước về hồ quá thấp. Thậm chí, một số ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2010, Nhà máy thủy điện A Vương (Đông Giang, Quảng Nam) có công suất 210MW, lớn nhất miền Trung tính đến thời điểm hiện nay, đã phải hoạt động cầm chừng do nước trong hồ không đủ áp lực phát điện. Trong khi đó, cùng thời điểm này vào năm 2009, hồ thủy điện A Vương phải hứng một lượng nước khổng lồ đổ về chưa từng có, buộc nhà máy phải xả tràn và gây nên cơn lũ lịch sử nhấn chìm nhiều nhà cửa vùng hạ lưu sông Vu Gia như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An…

Theo nhiều chuyên gia lâm nghiệp, hiện nay rừng Trường Sơn không còn khả năng giữ nước nên cứ sau một trận mưa, nước ồ ạt đổ về xuôi, vào hồ thủy điện, hết mưa nước chỉ về nhỏ giọt. Chính vì thế, chỉ mới đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng Nhà máy thủy điện A Vương phải hứng chịu nhiều trận lũ và hạn hán một cách bất thường, không thể dự báo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “mùa khô thiếu nước, mùa mưa lũ tràn” trên dải Trường Sơn - nơi có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên - chính là do nạn phá rừng và khai thác khoáng sản diễn ra một cách mất kiểm soát.

Bán rừng giá bèo

Thời gian vừa qua, nhiều người dân huyện An Lão (Bình Định) gửi đơn đến một số cơ quan báo chí bày tỏ bất bình về việc UBND huyện tổ chức bán rừng trồng đã giao khoán với giá bèo.

Năm 1997, ông Nguyễn Mạnh Hà (SN 1954 ở thôn Tân An, xã An Tân) cùng một số hộ dân đứng ra nhận đất và trồng 1,07 ha rừng của Lâm trường An Sơn (nay là Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn). Đến năm 2010, khi UBND huyện An Lão tổ chức bán rừng trồng, khu rừng của nhóm ông Hà có khối lượng thiết kế khai thác 92,5m³ nhưng các ông chỉ được nhận số tiền 35 triệu đồng. Ông Hà than thở: “Số tiền 35 triệu đồng không đủ đầu tư trồng rừng trở lại chứ đừng nói chuyện lời lỗ trong suốt 12 năm trồng và chăm sóc rừng. Nếu Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) An Lão để chúng tôi tự khai thác, bán gỗ cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu rồi đóng mọi khoản nghĩa vụ cho Nhà nước, chắc chắn số tiền Nhà nước thu được còn cao hơn gấp mấy lần”.

Khu rừng rộng 1,07ha được ông Nguyễn Mạnh Hà (An Lão, Bình Định) và một số hộ dân khác trồng, chăm sóc trong 12 năm, nay chỉ được trả với giá 35 triệu đồng. Ảnh: H.TRỌNG

Khu rừng rộng 1,07ha được ông Nguyễn Mạnh Hà (An Lão, Bình Định) và một số hộ dân khác trồng, chăm sóc trong 12 năm, nay chỉ được trả với giá 35 triệu đồng. Ảnh: H.TRỌNG

Tương tự nhóm của ông Tô Văn Bảy (gồm 5 người) ở thôn Vạn Xuân, xã An Hòa nhận trồng và chăm sóc 7 ha rừng nhưng 12 năm sau cũng chỉ được BQLRPH An Lão trả tổng cộng 89,5 triệu đồng. Ông Bảy bức xúc: “Việc tổ chức đấu thầu khai thác rừng do BQLRPH An Lão tổ chức có nhiều điểm đáng ngờ. Có hơn 10 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu thầu 22 lô rừng ở 2 tiểu khu 48 và 34 thuộc xã An Hòa  nhưng khi tổ chức đấu giá chỉ còn 2 doanh nghiệp tham gia nên giá trúng thầu so với giá sàn chẳng nhỉnh hơn bao nhiêu”.

Theo BQLRPH An Lão, 2 tiểu khu 48 và 34 có diện tích 51,41 ha rừng, tổng khối lượng gỗ thiết kế khai thác 4.252,3m³, giá sàn đưa ra 1,044 tỷ đồng. Doanh nghiệp Long Quân trúng thầu giá 1,108 tỷ đồng, chênh lệch với giá sàn khoảng 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tụ, Giám đốc BQLRPH An Lão, cho biết mỗi khối gỗ được doanh nghiệp Long Quân mua ở 2 tiểu khu nói trên với giá hơn 300.000 đồng. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định - đơn vị chuyên trồng rừng, giá gỗ rừng nguyên liệu trồng 7 năm tuổi hiện đang có giá thị trường 600.000 – 700.000 đồng/m³!

Qua tìm hiểu tại BQLRPH An Lão, chúng tôi được biết, năm 1997, Lâm trường An Sơn tổ chức trồng 149,6 ha rừng hỗn giao gồm 2 loại cây keo và cây điều theo Chương trình  327 tại tiểu khu 21 thuộc xã An Tân và 2 tiểu khu 48, 34 thuộc xã An Hòa.

Năm 1998, khi số rừng nói trên được chuyển sang Chương trình  661, Lâm trường  An Sơn tiến hành ký hợp đồng “Giao khoán đất có rừng trồng cho hộ gia đình sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp” cho hàng trăm hộ dân địa phương quản lý, chăm sóc và bảo vệ trong thời gian 50 năm. Mỗi chu kỳ, rừng được khai thác theo phương thức tỉa thưa và người nhận khoán rừng được hưởng 2/3 tổng sản phẩm sau khi trừ chi phí thiết kế, khai thác, vận chuyển... của cây keo và 100% sản phẩm cây điều.

Năm 2008, khi UBND tỉnh Bình Định thực hiện phân cấp 3 loại rừng, toàn bộ diện tích ở tiểu khu 21, tiểu khu 48 và một phần của tiểu khu 34 nằm ngoài lưu vực hồ chứa nước Hưng Long, được chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Như vậy, theo Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người nhận khoán đất có rừng trồng được hưởng 100% sản phẩm rừng trồng. Khi khai thác, sản phẩm được tự do lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất và chỉ phải nộp cho ngân sách xã số tiền tương đương 80kg thóc/ha/chu kỳ khai thác để xây dựng quỹ phát triển rừng của xã và thôn, bản.

Sau 12 năm, năm 2009, diện tích rừng trên được thẩm định đủ tiêu chí khai thác và UBND tỉnh ký quyết định cho phép khai thác, UBND huyện An Lão thành lập hội đồng đấu giá do Giám đốc BQLRPH An Lão Nguyễn Văn Tụ làm chủ tịch hội đồng.

Tuy nhiên, tại biên bản 2 cuộc họp được tổ chức tại xã An Tân vào cuối năm ngoái, các hộ nhận khoán rừng không tán thành phương án khai thác với hình thức đấu giá do BQLRPH An Lão đưa ra và đề nghị tính toán cụ thể các khoản chí phí của từng lô rừng để họ tự khai thác, tiêu thụ và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Đến nay, đề nghị trên của các hộ nhận khoán trồng rừng vẫn không được xem xét và mới đây BQLRPH An Lão đã tổ chức bán đấu giá rừng trồng với giá rẻ, gây bất bình trong dư luận.

Nguyên Khôi - Minh Phong - Hoàng Trọng

Tận diệt tài nguyên khoáng sản

- Bài 3: Đất ven sông - mồi hà bá

- Bài 2: “Móc ruột” sông, núi tìm vàng

- Bài 1: Hiểm họa khai thác

Tin cùng chuyên mục