Mưa lũ đầu mùa bất ngờ đổ về, 11 người chết, mất tích và bị thương

Chiều nay 24-6, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, theo báo cáo cập nhật từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đã có ít nhất 3 người dân bị thiệt mạng, 3 người mất tích và 5 người bị thương.

Mưa lũ không chỉ hoành hành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ngày 24-6, mưa lũ lớn đầu mùa còn xảy ra tại các tỉnh ở Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên… gây thiệt hại nặng.

Cả tảng đá lớn đổ xuống Quốc lộ 4C từ TP Hà Giang đi 4 huyện vùng cao nguyên đá
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu báo cáo: 3 nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ ngày 23 và 24-6 là ông Hà Văn Chương (48 tuổi), ở bản Noong Thăng, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên; ông Phùng Ná Nhì (80 tuổi), ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và Lầu Chờ Sát, (SN 1955), ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ.
Nhiều tuyến đường bị mưa lũ cày nát trong ngày 24-6

Nguyên nhân dẫn đến thiệt mạng là do sạt lở núi, đá đè hoặc do bất cẩn bị ngã khi đi qua suối làm nương.

3 nạn nhân hiện còn mất tích là bà Lò Thị Òng (60 tuổi), ở bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi), tạm trú ở TP Lai Châu là chủ trại cá nước lạnh tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và ông Ly Pờ Ti, bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum huyện Nậm Nhùn.

Nước sông Lô ở TP Hà Giang dâng cao chiều 24-6 do các thủy điện thượng nguồn xả lũ

5 người dân bị thương ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên do đất đá sạt lở tràn vào nhà. Tuy nhiên ngay sau tai nạn, các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế huyện, hiện sức khỏe đang bình phục.

Theo ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, Than Uyên và Mường Tè là 2 huyện bị thiệt hại nặng nề nhất với tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Tại huyện Than Uyên, lũ về đã cuốn trôi một cây cầu treo dân sinh ở bản Sang Ngà, xã Phúc Than và thổi bay, làm ngập hơn 40ha lúa, hoa màu tại huyện Mường Tè.

Các huyết mạch giao thông ở tỉnh Hà Giang bị cô lập vì sạt lở do mưa lũ ngày 24-6

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mưa lũ cũng diễn biến nặng nề. Mưa lũ đã làm 19 nhà dân ở huyện Văn Bàn bị ảnh hưởng, khoảng 70ha lúa, hoa màu bị ngập úng.

Quốc lộ 279 từ huyện Văn Bàn (Lào Cai) sang huyện Than Uyên (Lai Châu) bị tê liệt do sạt lở.

Tuyến Quốc lộ 4D từ Lai Châu đi Sa Pa (Lào Cai) bị sạt lở nhiều điểm, dự kiến ngày 25-6 mới thông xe được.

Hiện 2 huyện Mường Tè, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu vẫn bị cô lập. Tuyến đường sang Điện Biên cũng trong tình trạng tương tự.

Do tình hình mưa lũ đầu mùa ở miền Bắc diễn ra phức tạp, hồi 15 giờ chiều 24-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện số 6 gửi các tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và các bộ có liên quan yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đang có lũ lớn, diễn biến sạt lở.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo, đây là đợt mưa lũ lớn đầu mùa, đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản tại Lai Châu, Hà Giang. Vì vậy yêu cầu triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định của các phương tiện khi hoạt động. Nghiêm cấm vớt củi, các vật trôi trên sông khi đang có lũ.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình. Rà soát việc chuẩn bị theo “phương châm 4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục