Mường Lống bình yên dưới cổng trời

Mường Lống theo tiếng Thái có nghĩa là vùng đất quên. Từ thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn - Nghệ An), bỏ ra 2 ngày đường cuốc bộ, vượt qua dốc Cổng Trời, ngang tầm mây, để lạc vào thung lũng mênh mông, dễ làm cho người ta quên mất lối về... Giờ đây, thung lũng Mường Lống đã xanh tràn cây mận tam hoa, cây đào Úc, lê, táo
Mường Lống bình yên dưới cổng trời

Mường Lống theo tiếng Thái có nghĩa là vùng đất quên. Từ thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn - Nghệ An), bỏ ra 2 ngày đường cuốc bộ, vượt qua dốc Cổng Trời, ngang tầm mây, để lạc vào thung lũng mênh mông, dễ làm cho người ta quên mất lối về... Giờ đây, thung lũng Mường Lống đã xanh tràn cây mận tam hoa, cây đào Úc, lê, táo...

Mường Lống bình yên dưới cổng trời ảnh 1

Người dân Mường Lống đã nuôi được 2.250 trâu bò để cải thiện đời sống.

Năm 1992 trở về trước, 100% hộ dân nơi đây đều trồng cây thuốc phiện. Mỗi khi đến vụ, thứ cây vốn ưa với vùng đất ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển này nở hoa tràn đầy thung lũng Mường Lống.

Năm 1992, toàn xã có 700 ha thuốc phiện, cho sản lượng 3 kg/ha - tương đương 2,1 tấn. Toàn bộ kinh tế của 14 bản và hàng ngàn người dân nơi đây chỉ dựa vào cây thuốc phiện. Năm đó, con đường Mường Xén - Mường Lống được thông tuyến nhưng cũng không làm kinh tế vùng này chuyển biến được. Bởi đi hết chặng đường xấp xỉ 40 km, thường mất... 2 ngày cuốc bộ. Trâu, bò, ngựa là phương tiện dùng để thồ duy nhất.

Nhưng rồi bắt đầu từ năm 1993, nhà nước có chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện. Phá bỏ một tập quán không dễ, lại càng khó hơn khi tập quán đó liên quan đến bát cơm, manh áo từ bao đời nay. Rất nhiều cuộc vận động, thuyết phục, tuyên truyền của các cấp, ngành, đoàn thể và có cả gay gắt, xô xát đã xảy ra.

Ông Và Phái Tểnh, Bí thư Đảng ủy xã từ những năm 1989 cho đến nay, đã cùng các cán bộ xã, huyện về tận các bản nhiều ngày liền để nói về cái hại của cây anh túc; về điều hay, điều mới khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến năm 1996, Mường Lống đã chính thức bỏ trồng cây thuốc phiện, bắt đầu ổn định kinh tế bằng những cây trồng mới. Đi cùng với bà con, nhà nước có nhiều cơ chế chính sách giúp đỡ. Chi cục Định canh, định cư và ngành nông nghiệp hỗ trợ dê, heo giống cùng các đồ dùng thiết yếu khác.

Không chỉ vậy, trong khuôn khổ chương trình Dự án VIE/95/P12: Phòng chống ma túy của Liên hợp quốc về việc góp phần thay thế cây thuốc phiện thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Kỳ Sơn nói chung và Mường Lống nói riêng, bằng việc đưa lên đây một loạt giống cây ăn quả và bò giống.

Trở lại Mường Lống một ngày đầu tháng 11, vượt qua Cổng Trời cao vời vợi, đã thấy hiện ra một thung lũng bình yên với những nếp nhà gỗ ngập trong sắc xanh của rất nhiều loại cây ăn quả và những công trình dân sinh mới xây dựng. Bí thư Đảng ủy Và Phái Tểnh khoe: “Năm nay, xã được mùa mận, mặc dù bị hạn nặng, suốt 4 tháng trời không có một giọt nước đổ xuống. Hơn 26.000 cây mận tam hoa đã cho hơn 600 tấn quả. Ngoài số tiền 300 đồng được nhà nước trợ giá, bà con bán thẳng cho các công ty thu mua về đặt điểm giao dịch tại xã và cho các nhà buôn với giá từ 750 - 1.000 đồng/kg”. Những chuyến xe tải chở đầy mận tam hoa từ trung tâm Mường Lống về xuôi là hình ảnh đã trở nên quen thuộc với người Mông sau Cổng Trời từ năm 2002, khi tuyến đường này được nâng cấp.

Mường Lống có 658/658 hộ là người Mông với 3.870 nhân khẩu, cư trú rải rác khắp 14 bản trong thung lũng. Không có hộ đói là kết quả nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã. Cũng từ ngày nhà nước có Chương trình 135 về đây, người dân Mường Lống đã bắt đầu chuyển sang ruộng bậc thang nhờ đầu tư xây dựng đập Thà Là, đủ tưới cho 25 ha. Trong tổng số 622 ha trồng lúa, đã có 62 ha ruộng bậc thang, luân canh. Mặc dù tỷ lệ này chưa nhiều nhưng cũng là con số rất đáng biểu dương khi người Mông bỏ dần tập quán phá rừng, làm rẫy để chuyển sang hình thức canh tác mới.

Ngoài ra, Mường Lống cũng đã phủ lên những vùng đất trồng thuốc phiện xưa kia bằng 350 ha ngô, 259 ha sắn...Cùng với 2.250 con trâu bò, hơn 1.000 con dê, ngựa, 1.400 con lợn và hàng vạn con gà ác. Toàn bộ các thung lũng bằng phẳng ở trung tâm xã đã phủ kín 26.000 cây mận tam hoa, hàng ngàn cây đào Úc, lê, táo, hồng Hàn Quốc cùng các vườn dược liệu, đủ loại cây thuốc có giá trị...

Đình chợ Mường Lống được hoàn thành năm 2003, trị giá 780 triệu đồng của Chương trình 135 đã làm hoạt động giao thương tăng lên nhiều. Nông sản, hoa quả, cây dược liệu có đường thông thương đồng nghĩa với đủ loại hàng hóa khác cũng theo đó mà vào với cuộc sống bà con. Phụ nữ Mông nay đã đua nhau làm thổ cẩm, pản tấu (dải trang trí dọc ve áo), bán ra thị trường với mức thu nhập 600 - 700 ngàn đồng/tháng. Những đồ dùng thiết yếu hàng ngày nay đã bày đầy trên các sạp hàng được chở vào trên xe tải, commăngca, xe máy.

Ngoài cây ăn quả, xã đang tập trung phát triển đàn trâu bò. Trâu bò ở đây được thả vùng Gà Mái, rộng cả trăm ha. Khi trâu bò lớn, bà con đưa về nhà nuôi nhốt, vỗ béo cho kịp các phiên chợ vùng cao. Vùng đất mờ sương bảng lảng như Đà Lạt này sẽ thành khu kinh tế - du lịch phát triển trong tương lai không xa khi tuyến đường vành đai biên giới từ phía Bắc kéo xuống, tuyến Mường Xén - Mường Lống được rải nhựa... Mường Lống đã và đang trở thành một thung lũng bình yên dưới dốc Cổng Trời.

TRƯỜNG THANH

 

Tin cùng chuyên mục