Mưu sinh ở Yên Tử

Non thiêng Yên Tử với ngôi chùa Đồng được dựng trên đỉnh núi cao 1.068m do với mặt nước biển vẫn ngày ngày đón chào du khách thập phương. Mọi người đều muốn hòa mình vào thiên nhiên, không gian thanh tịnh ở nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm. 
Ngoài số ít khách hành hương chọn cáp treo, phần lớn vẫn chọn cách leo bộ hơn 6.000 bậc đá. Nhờ đó, người dân xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh, có nghề mưu sinh phục vụ những thượng đế leo núi này.
Già, trẻ… bán gậy trúc Hơn 700 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tên gọi đó phần nào xuất phát từ đặc điểm của vùng núi Yên Tử, nơi có trúc mọc rải rác trên diện tích 2.600ha thuộc khu rừng đặc dụng Yên Tử, Quảng Ninh. Rừng trúc từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp rất riêng của Yên Tử. Không chỉ có vậy, mấy năm trở lại đây, trúc còn giúp người dân xã Thượng Yên Công “hái” ra tiền. Du khách vừa bước vào nhà xe khu di tích Yên Tử sẽ bắt gặp ngay cảnh nhiều người ôm bó gậy trúc tiến tới mời chào. “Đội quân” bán gậy này đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ. Một cụ ông khoảng chừng 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, ôm bó gậy trúc rất to, chạy đến trước mặt nhóm chúng tôi mời: “Mua gậy leo núi, các cháu ơi. Đoạn từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng dốc lắm. Các cháu mua một cái chống cho đỡ mệt. Mua nhiều ông lấy 8.000 đồng/chiếc, nếu mua một cái thì cho ông xin 10.000 đồng”.
Mưu sinh ở Yên Tử ảnh 1 Khách hành hương dùng gậy trúc leo núi
Mấy thanh niên sức khỏe dồi dào từ chối khéo cụ, nhưng vài cô gái thấy cụ mô tả quãng đường vậy thì mua ngay. Vừa leo được một quãng ngắn, thấy trong nhóm có người chưa cầm gậy, 2 bé gái ôm bó gậy trúc chạy tới chào mời. Sau khi bán được một chiếc gậy với giá 10.000 đồng, cô bé lớn hơn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Bé tên Hương, học lớp 8, ở xã Thượng Yên Công. Buổi sáng được nghỉ học, Hương cùng em họ ra cổng khu di tích bán gậy trúc thay bố mẹ. Hương cho biết làng mình hàng ngày có một số người vào rừng chặt trúc về phân phối cho mọi người đi bán lẻ. 
Gia đình nhà Hương có 5 người, ngoài anh trai đi làm công nhân ở mỏ than Mạo Khê, cả 4 thành viên còn lại đều làm những công việc mùa vụ ăn theo khu di tích thắng cảnh Yên Tử, như bán gậy trúc, bán trứng nướng, nước giải khát... Do nhiều người làm, cạnh tranh cao, nên bình quân Hương chỉ bán được 10-15 gậy/ngày với giá 8.000-10.000 đồng/chiếc. Với người già và các em nhỏ đi lễ, những người bán gậy trúc như Hương sẽ lấy giá ưu đãi hơn 5.000-7.000 đồng/gậy.  Bán gậy trúc là một nghề rất đặc trưng ở Yên Tử và đặc biệt ở chỗ người theo nghề không mất đồng vốn nào, gậy còn được quay vòng cho nhiều người dùng, nên đã làm là chỉ có lãi. Tuy nhiên, công việc mưu sinh này cũng đặt ra mối lo cho những cánh rừng trúc khi người dân đốn hạ hàng chục cây trúc mỗi ngày vô tội vạ.Cửu vạn đặc biệt Cùng bán gậy trúc, lực lượng tham gia gánh đồ thuê cho du khách cũng rất đông đảo. Những người có thâm niên trong nghề gánh đồ ở đây chủ yếu trong độ tuổi trung niên. Đường từ chân núi lên đỉnh chùa Đồng dài 6km, với một người khỏe mạnh, leo lên đỉnh núi mất 3 giờ và xuống là hơn 2 giờ. Nhưng, ông Nguyễn Đức Lượng, 48 tuổi, làm nghề gánh hàng, cho biết: “Một ngày lao động cật lực từ 5 giờ đến 18 giờ, tôi có thể gánh hàng 3 lượt. Mỗi chuyến gánh hàng bình quân của tôi nặng 30-40kg”.  Nghe kể chuyện, tôi cũng như nhiều bạn trẻ trong đoàn cảm thấy “choáng” cũng như quá đỗi khâm phục ông. Nhìn những bậc đá dựng đứng, vách cheo leo, uốn lượn trên hành trình lên chùa Đồng, có rất nhiều người đã nản chí ngao ngán rồi chọn cách đi cáp treo. Nhiều nam thanh, nữ tú trẻ trung leo được nửa đoạn đường đã thở hổn hển, nhức gối…Vậy mà “đội quân” gánh hàng ở đây,  dù là đàn ông hay đàn bà vẫn cứ đều đặn gánh 2-3 chuyến/ngày. 
Mưu sinh ở Yên Tử ảnh 2 Một người gánh hàng thuê

 Ông Lượng cho biết một chuyến gánh thuê được trả khoảng 250.000-350.000 đồng. Trong mùa lễ hội hay dịp đông du khách, người làm nghề gánh hàng có thể bỏ túi được 12-18 triệu đồng/tháng. Nghe có vẻ cao, nhưng xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Thật ra, người làm nghề gánh thuê cũng đối mặt với nguy hiểm bởi chỉ cần hoa mắt, trượt chân một cái có thể bị tai nạn dẫn đến tàn phế, thậm chí mất mạng.
Chụp ảnh dạo hốt bạc Khách hành hương về đây đều có chung tâm nguyện: chưa lên chùa Đồng chưa về Yên Tử. Bên cạnh đó, chùa Đồng cùng với những cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ nên hấp dẫn những người thích du ngoạn, thưởng thức cái đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và thiền tịnh. Ai lên chùa Đồng cũng đều cố gắng lưu giữ cho riêng mình khoảnh khắc, hình ảnh đẹp. Vì thế, nghề chụp ảnh dạo trên đỉnh thiêng Yên Tử vẫn nở rộ. Dù đang sống trong thời đại công nghệ số với những chiếc điện thoại thông minh, máy ảnh du lịch chụp ảnh sắc nét nhưng chụp ảnh in lấy ngay vẫn làm nhiều người thích thú. Từ bãi đá An Kỳ Sinh đến chùa Đồng, chúng tôi đếm được khoảng 15 thợ chụp ảnh.  Từ các em nhỏ đến nam thanh, nữ tú, những cụ ông, cụ bà sẵn sàng bỏ ra 25.000 đồng để thợ ảnh giúp ghi lại phong cảnh hùng vĩ, linh thiêng. Chị Thanh Vân ở Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Giá 25.000đồng/tấm ảnh mùa này chấp nhận được, chứ dịp lễ hội đầu năm, nhóm bạn mình chụp ảnh dịch vụ bị hét 40.000 đồng/tấm ảnh. Có du khách ở TPHCM ra bị “chém” đến 50.000 đồng/tấm ảnh (khổ 15cm x 20cm). Do thích cái nóng hổi là chụp in lấy ngay để làm kỷ niệm nên nhiều người vẫn chi tiền”. Giá chụp và in ảnh của các thợ ảnh khu vực chùa Đồng thường cao hơn gấp 2-3 lần so với chụp ảnh dịch vụ dưới núi.  Họ thường mời chào, quảng cáo sẽ được lấy ảnh ngay trong vòng 2 phút, nhưng theo quan sát, du khách phải chờ khoảng 30-40 phút để nhận “tác phẩm”.  Vào các ngày lễ, tết, hội hè, cạnh tranh giữa các thợ ảnh dạo ở đây rất gay gắt. Chúng tôi chứng kiến cảnh anh Minh, một thợ ảnh dạo, mặc cả với đoàn khách đến từ Nam Định. Sau một hồi “cò kè” và nhận được đơn hàng số lượng lớn, anh Minh quyết định giảm giá dịch vụ xuống còn 20.000 đồng/tấm ảnh. Ngay sau khi nhận được đơn hàng chụp 30 tấm ảnh, anh Minh bị các đồng nghiệp đứng gần khu vực chùa Đồng phản đối.
Ông Bàn Xuân Viên, Ban Lao động Thương binh-Xã hội, xã Thượng Yên Công, cho biết hàng ngày có hàng trăm người ở xã và vùng lân cận vào đất Phật Yên Tử mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Trong 3 tháng lễ hội đầu năm, con số này còn tăng lên đến 1.500-2.000 người. Chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích thắng cảnh Yên Tử đã có nhiều biện pháp để xử lý các dịch vụ “chặt chém” du khách, bán hàng kém chất lượng, bán thuốc nam giả, bán thịt thú rừng... Về việc một số người dân đi chặt trúc làm gậy đi bán, cơ quan chức năng đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm rừng để xử lý nhưng rất khó khăn do người dân sống ý thức kém, cố tình lén lút vào rừng chặt phá. 

Tin cùng chuyên mục