Mỹ lo ngại ảnh hưởng hậu Brexit

Theo AP, hôm nay (27-6), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ở Brussels (Bỉ) và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ở London. Các cuộc gặp diễn ra lúc châu Âu rơi vào khủng hoảng sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, cho thấy Mỹ đã vào cuộc vì lo ngại những ảnh hưởng hậu Brexit tác động lên nền kinh tế số 1 thế giới.
Mỹ lo ngại ảnh hưởng hậu Brexit

Theo AP, hôm nay (27-6), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ở Brussels (Bỉ) và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ở London. Các cuộc gặp diễn ra lúc châu Âu rơi vào khủng hoảng sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, cho thấy Mỹ đã vào cuộc vì lo ngại những ảnh hưởng hậu Brexit tác động lên nền kinh tế số 1 thế giới.

Ngăn phản ứng dây chuyền

Trong lịch trình chuyến đi, tại cuộc gặp ở Brussels, ông Kerry sẽ thảo luận với giới lãnh đạo EU về kế hoạch ngăn chặn các nước trong khối liên minh đi theo vết xe đổ như Anh. Theo giới phân tích, nếu không có những biện pháp tức thời thì cảnh báo về sự tan rã của EU sau Brexit là điều rất có khả năng xảy ra, đe dọa mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa EU và Mỹ, gây tác động không chỉ về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến việc giải quyết những điểm nóng an ninh trên toàn cầu hiện nay như Trung Đông và Bắc Phi. Tại London, ông Kerry sẽ cam kết Washington ủng hộ London và tái khẳng định cam kết về mối quan hệ đặc biệt gắn bó giữa Mỹ và Anh.

Người dân Scotland thất vọng sau kết quả Brexit

Liên quan đến vấn đề kinh tế, việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã đẩy đồng USD lên giá, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hoãn quyết định tăng lãi suất lâu hơn. FED lo lắng Brexit gây ra những tác động kinh tế lớn vì giới đầu tư tìm đến các tài sản định giá bằng đồng USD như là nơi trú ẩn an toàn, khiến đồng USD tăng giá, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, với lượng hàng hóa Mỹ xuất sang Anh đạt 56 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh là 58 tỷ USD trong năm 2015. Theo sau Brexit, ở bang Texas đã nổi lên phong trào mang tên Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Texas (TNM), đòi ly khai Texas. TNM kêu gọi Thống đốc bang Texas tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh. TNM từng thất bại trong việc kêu gọi tiến hành bỏ phiếu vào tháng 11 tới nhưng phong trào này dự định sẽ khởi động lại chiến dịch của mình vào năm 2018. Theo Hiến pháp Mỹ, một bang của nước này không thể tách rời khỏi liên bang, tuy nhiên, điều này không ngăn được những người muốn ly khai tiến hành hàng loạt chiến dịch của mình ở Mỹ.

Nhiệm vụ khó khăn

Ngày 28-6 tới, Thủ tướng Anh Cameron sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn khi đối mặt với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Lãnh đạo của 27 quốc gia sẽ thảo luận về quan điểm chung đối với sự ra đi của Anh trong EU. Dù tuyên bố từ chức, nhưng ông Cameron vẫn sẽ phải nhận trách nhiệm xử lý những hậu quả mà Brexit gây ra trong khoảng 3 tháng nữa. EU đã bổ nhiệm ông Didier Seeuws, người Bỉ và là cố vấn lâu năm của cựu Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, đứng đầu nhóm phụ trách đặc biệt của khối này để đàm phán về Brexit. Ủy ban châu Âu đã thành lập Nhóm phụ trách Điều 50 để chuẩn bị các đề xuất pháp lý cho việc Anh rời EU. Bộ Tài chính Đức cho biết, Anh sẽ được đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với EU, song nhận định đây sẽ là các cuộc đàm phán khó khăn. Anh và EU có thể đàm phán về một thỏa thuận liên kết, trong đó nêu rõ những quy định về thương mại cũng như các quy chế khác giữa EU và một nước ngoài EU. Ngoài ra, Berlin sẽ không dành cho London quá nhiều nhượng bộ và Anh sẽ không được tự động tiếp cận thị trường nội khối của EU, bởi điều đó có thể tạo ra tín hiệu sai lầm cho các nước EU khác đi theo vết chân của Anh.

Cũng trong ngày 28-6, dự kiến có khoảng hơn 35.000 người tham gia cuộc biểu tình mang tên London Stays ở quảng trường Trafalgar tại London (Anh) bày tỏ sự ủng hộ Anh tiếp tục sát cánh với EU. Sự hối tiếc của nhiều bộ phận người dân Anh đã xảy ra sau “cú sốc” mang tên Brexit. Tính đến ngày 26-6, có hơn 3 triệu người ký vào bản kiến nghị trên trang đăng ký thỉnh nguyện thư của Quốc hội Anh, kêu gọi mở cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2. Hậu Brexi đang gây chia rẽ trong chính trường Anh. Sau khi ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, sa thải ông Hilary Benn, Ngoại trưởng của đảng này, một số bộ trưởng của Công đảng tuyên bố từ chức và kêu gọi mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Corbyn vì sự yếu kém của công đảng trong chiến dịch vận động cử tri ở lại EU.
 

Kết quả khảo sát công bố ngày 26-6 cho thấy, hơn một nửa người dân Scotland ủng hộ tách vùng lãnh thổ này ra khỏi Vương quốc Anh với mong muốn đảm bảo tư cách thành viên của Edinburgh tại EU. 52% số người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh và trở thành quốc gia độc lập, trong khi 48% phản đối. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 về vấn đề này khi có tới 55% số người phản đối độc lập. (Sunday Times)  

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục