Ngán ngẩm diễn kịch trên phim

Khi khán giả ngày càng khó tính thì việc phim Việt ra rạp phải hội tụ nhiều yếu tố, từ: tính nghệ thuật và giải trí phải dung hòa, diễn xuất tốt, kịch bản chắc tay, cảnh quay đẹp và thủ pháp của đạo diễn phải ở mức tương đối là đòi hỏi hợp lý. 

Dạo gần đây, phim Việt ra rạp nhiều nhưng phim hay thì hiếm. Ngôi nhà bươm bướm, ngoài vướng lùm xùm về bản quyền phần âm nhạc, còn khiến cho một số khán giả, trong đó có tôi, thất vọng sau khi xem phim. 

Bộ phim xoay quanh câu chuyện đôi bạn trẻ ở 2 miền Nam - Bắc du học, gặp, quen và yêu nhau. Cả hai muốn được ở bên nhau nên đánh tiếng với ba mẹ. Nhà gái là gia đình nhà giáo người Hà Nội, lễ nghĩa, phép tắc. Nhà trai sống tại TPHCM có vấn đề về hôn nhân: ông Cường (Quang Minh) sau lần lầm lỡ cùng một người con gái (Vân Trang) đã có một đứa con. Sau đó, ông nhận ra mình chỉ yêu người cùng giới tính. Đứa con ra đời, ông Cường nhận trách nhiệm nuôi con và kết nghĩa sống chung với ông Hân (Thành Lộc). 

Bên nhau hơn 20 năm, cặp đôi đồng tính này luôn yêu thương và cùng nhau nuôi dạy con trai - Hoàng (Liên Bỉnh Phát), như một gia đình. Hoàng từ nhỏ đến lớn rất thương “dì” Hân, xem như mẹ ruột. Với gia cảnh này, Hoàng thật khó tỏ bày với gia đình người yêu Ngọc Mai (Hoàng Yến Chibi). Vậy là đôi trẻ đã lén lút giấu gia đình nhà gái...

Từ đây, nhiều tình huống ngang trái, hài hước liên tục xảy ra, tạo tiếng cười cho người xem. Tuy nhiên, những tình tiết của câu chuyện khi bày biện trên màn ảnh lại quá đậm tính kịch; nghệ sĩ, diễn viên cũng thoại như trên sân khấu kịch và diễn xuất đúng chất kịch… khiến người xem không cảm được chất phim ảnh. 

Chưa kể, trong phim còn để nhiều tình tiết phi lý dẫn dắt câu chuyện như: Ba của Mai, một thầy giáo lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm đời sống và mẹ của Mai, một tiểu thương buôn bán túi xách, khi gặp và ngồi tiếp chuyện “bà” Hân lại không thể nhận ra đây là một người đàn ông giả gái; việc “bà” Hân uống vài ly rượu đã say đến gục mặt xuống bàn và được cha con ông Cường lôi vào phòng riêng để tránh bị lộ tẩy, vậy mà chỉ trong ít giây phút lại có thể tỉnh rượu quá nhanh; cách hóa trang vai mẹ của Hoàng còn trẻ hơn cả con trai; trong phim còn có cảnh làm quá của một nhóm phóng viên được “mật báo” để theo dõi viết bài về gia đình ông giáo đang trong diện “quy hoạch” lên chức phó hiệu trưởng lại chuẩn bị làm sui với một gia đình không được bình thường… 

Cái kết của phim mang đậm tính nhân sinh, nhân văn, với đám cưới tưng bừng của đôi trẻ và sự công khai của ông Cường với tất cả quan khách có mặt tại tiệc cưới về giới tính, cũng như giới thiệu về người “vợ” đã chung sống với ông, giúp ông nuôi dưỡng, chăm sóc con trai suốt hai mươi mấy năm qua mà không có danh phận. Nhưng, việc xây dựng một câu chuyện với nhiều tình tiết không logic, hợp lý; cách xử lý tình huống khiên cưỡng khiến bộ phim khó thuyết phục khán giả. 

Những hạt sạn trong phim khiến người xem có cảm giác như bộ phim được làm cho vui, theo ý đồ người chi tiền là chính, chứ không phải làm phim vì chất lượng, ý nghĩa nội dung câu chuyện muốn giới thiệu đến người xem.

Tin cùng chuyên mục