Ngộp với quy chế quy hoạch, kiến trúc

Năm 2014, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 29 về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP. Đây là cơ sở để quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc... theo đồ án quy hoạch đô thị được duyệt. 
Mái nhà khác nhau tại một khu nhà biệt thự xây dựng theo cùng kiến trúc tại quận 8 . Ảnh: THÀNH TRÍ
Mái nhà khác nhau tại một khu nhà biệt thự xây dựng theo cùng kiến trúc tại quận 8 . Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy có nhiều quy định về xây dựng công trình quá chi tiết, tỉ mỉ, khiến người dân khó thực hiện và chính quyền quản lý không xuể. Vì vậy, các quy định bất cập cần được sửa đổi để tăng thêm tính khả thi của quy chế, cũng như tăng hiệu quả trong công tác quản lý đô thị phát triển theo đúng định hướng.
Khổ vì… mái nhà
Ông Lê Tuấn Kiệt có 1.000m² đất tại ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, trong đó 300m2 là đất thổ cư đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Khu vực này thông thoáng, nhiều nắng, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của TP về việc sử dụng năng lượng tái tạo, ông Kiệt đã thiết kế nhà mái bằng để lắp tấm pin mặt trời. Thế nhưng khi nộp hồ sơ, huyện Nhà Bè cho biết ông Kiệt phải làm nhà 2 mái chứ không được làm mái bằng, đồng thời chỉ được xây dựng 180m² trong diện tích 300m² đất thổ cư. “Tôi không hiểu vì sao đất của tôi rộng mênh mông mà chỉ được xây căn nhà nhỏ xíu, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình? Vô lý hơn là mái nhà của tôi nhưng tôi không được làm theo ý mình, bên huyện bảo rằng cần xây 2 mái để nhìn vào thì biết đây là khu nông thôn mới. Nhưng vùng nào là nông thôn mới thì đều đã được quy hoạch và cán bộ quản lý đều biết, sao phải thêm dấu hiệu lên nhà dân làm gì?”, ông Kiệt bức xúc. Mang thắc mắc trên đến hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ông Kiệt được biết rằng mái nhà ở xây dựng mới trong khu vực nông thôn phải sử dụng hình thức mái dốc, với độ dốc 300 - 450 và mật độ xây dựng chỉ được 60% diện tích.
TS-KTS Võ Kim Cương cho biết, khu nội thành cũng gặp khó vì… cái mái nhà. Đơn cử, một hộ dân sống trong hẻm nhỏ tại quận 3 xây ngôi nhà 1 trệt 2 lầu với sân thượng và đã làm thủ tục hoàn công. Sau đó, do nhà bị dột, gia đình này tự làm thêm mái tôn trên sân thượng. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chủ quyền, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu phải đến cơ quan cấp phép xây dựng làm thủ tục xử phạt vi phạm xây dựng (?!). “Tôi biết khá nhiều trường hợp người dân làm một phòng nhỏ trên tầng thượng để thờ cúng, làm nhà kho, tiếp bà con đến thăm, hoặc chỉ là che tôn để chống dột. Một số cán bộ quản lý lý giải với tôi rằng điều đó có thể tăng diện tích sàn, làm tăng dân số. Tuy nhiên, tôi tự hỏi sân thượng đã xây như thế thì mái tôn, thậm chí là mái ngói, cũng đâu có làm thay đổi diện tích sàn hợp lý mà chính quyền phải quản đến mái tôn chống dột của căn nhà trong hẻm? Trong khi họ còn phải làm rất nhiều việc, chẳng hạn phát hiện sớm và xử lý công trình xây dựng trái phép, không đảm bảo an toàn”, TS-KTS Võ Kim Cương nói.
Nên chia thành nhiều cấp quản lý
Ông Vũ Chí Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, đề xuất Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị nên có 2 cấp: TP quản lý quy chế cấp 1 và các quận - huyện quản lý quy chế cấp 2. Cũng có ý kiến nên chia quy chế quản lý theo tính chất, mức độ phát triển thay vì theo phạm vi hành chính.
TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng, người dân cần có không gian riêng và sự thoải mái trong đời sống, trong khi Nhà nước cần đô thị phát triển trật tự. Để đảm bảo hài hòa 2 yêu cầu này thì Nhà nước chỉ cần quản lý về tổng thể, không cần quá khắt khe về kiến trúc với các công trình riêng lẻ. “Có những khu vực mang tính chất bộ mặt đô thị, những khu vực cần bảo tồn cảnh quan kiến trúc thì nên quản lý chặt chẽ về hình khối, màu sắc công trình; còn trong các khu dân cư, tôi nghĩ mái tôn chống dột chẳng ảnh hưởng gì đến kiến trúc cả khu, nên để cho người dân thoải mái thiết kế kiến trúc theo nhu cầu cuộc sống của họ”, ông Cương phân tích. Theo thực tế tình hình phát triển của TP hiện nay, TS-KTS Võ Kim Cương đề xuất nên chia quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc thành 5 cấp. Cấp 1 cần bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, quản lý chặt chẽ không gian kiến trúc (như là trục đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Công xã Paris, Hội trường Thống Nhất…), vì đây là các trung tâm cảnh quan kiến trúc, đối ngoại. Cấp 2 là các đường phố chính, khu thương mại cửa ngõ TP, các quảng trường. Cấp 3 là các trục đường khu vực, công viên nhỏ. Cấp 4 là các đường phố trong khu dân cư (lộ giới 12m trở lên), khu thương mại cấp khu vực. Cấp 5 là các hẻm phố và các khu vực còn lại.
Không chỉ mái nhà, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung của TP hiện còn khống chế về màu sắc, chất liệu, chi tiết bên ngoài công trình kiến trúc…, mà ngay chính các chuyên gia cũng đánh giá là rất khó áp dụng cho các công trình xây dựng cả nhà ở riêng lẻ lẫn công trình công cộng. Chẳng hạn, quy định không sử dụng màu phản quang, màu đậm, sặc sỡ; công trình nhà ở riêng lẻ khuyến khích 1 công trình chỉ sử dụng tối đa 3 màu cho tường bên ngoài; khối đế các công trình bố trí khu thương mại dịch vụ có thể sử dụng màu sắc sinh động, tươi sáng… 
Theo các chuyên gia, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị nếu không phù hợp thực tế cũng sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư, phát triển. Mỗi nhà đầu tư có mục tiêu phát triển và hướng đầu tư riêng, nên không thể áp quá nhiều “mẫu số” chung cho tất cả các nhà đầu tư. Những khu vực quá khắt khe, thiếu linh hoạt về quy định, chắc chắn không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục