Người giữ nghề cho tranh Hàng Trống

Người giữ nghề cho tranh Hàng Trống

Từng là món ăn tinh thần của hầu hết người dân Hà Nội cũng như của khu vực đồng bằng Bắc bộ, ấy vậy mà trong những năm gần đây, tìm được một bức tranh Hàng Trống đích thực không phải là dễ. Nhiều người lo ngại về sự biến mất của dòng tranh này khi “truyền nhân” của tranh Hàng Trống chỉ còn... duy nhất 1 người.

Là thế hệ thứ ba trong một gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Tây), ông Lê Đình Nghiên kể rằng, cụ và ông nội của ông đãõ ra lập nghiệp ở Hà Nội, tại phố Hàng Trống này đến ngót trăm năm. Lê Đình Nghiên sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em và đã vào nghề tranh rất sớm.

Người giữ nghề cho tranh Hàng Trống ảnh 1

Ông Lê Đình Nghiên

Cũng như tranh Đông Hồ, Kim Hoàng..., tranh Hàng Trống là kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống, cha truyền con nối. Mỗi sản phẩm là kết tinh của cả một quy trình công nghệ cổ truyền, qua nhiều công đoạn khó khăn, tỉ mỉ. Nếu như các công đoạn của tranh Đông Hồ hầu hết phải qua 3 khâu: vẽ mẫu, khắc ván và in thì tranh Hàng Trống- ngoài các bước nêu trên - còn có thêm công đoạn tô màu (“vờn” màu bằng tay). Đây là bước quan trọng để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh và mang đến đặc trưng riêng cho dòng tranh này.

Ở tranh Hàng Trống, chỉ có khâu in nét là được làm hàng loạt, còn khâu tô vẽ màu thì làm từng bức, đôi khi sáng tạo thêm so với tranh mẫu, tùy theo khả năng của người “vờn” tranh. Do cách tô màu bằng tay nên mỗi bức tranh đều có nét sáng tạo riêng. Trên mỗi bức tranh thờ, tứ quý, tứ bình, nghệ nhân làm tranh Hàng Trống đều “vờn” màu rất công phu, khéo léo. Người ta có thể bắt gặp sự uyển chuyển này ở các kiệt tác của tranh Hàng Trống như bức: “Lý Ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng), bộ tứ bình “Tố nữ”, “Bịt mắt bắt dê”, “Bà chúa Mẫu”, “Đức thánh Trần”...

Dù dòng tranh này đã gắn bó hàng trăm năm với người dân kẻ chợ nhưng đến nay, tranh Hàng Trống đã không còn bán trên phố Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Nón... Ngay nhà ông Nghiên sau thời gian gắn bó ở phố Hàng Trống nay cũng đã chuyển lên phố Cửa Đông. Tuy vậy, những gì gọi là truyền thống gia đình của tranh Hàng Trống vẫn được gia đình ông lưu giữ và bảo tồn.

Ông Lê Đình Nghiên kể: “Người chơi tranh Hàng Trống ngày nay không chơi theo mùa như trước kia (chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán) mà thích thì mua bất cứ lúc nào”. Tuy nhiên do nhiều người đặt mua mà lại chỉ có một mình ông vẽ nên nhiều khi ông phải từ chối khéo, bởi mỗi bức tranh được vẽ ra phải được làm thật công phu, cẩn thận chứ không thể chấp nhận kiểu cứ nhận nhiều rồi làm ẩu được! Có một điều thật lạ là trong số những khách hàng quen thuộc của ông, du khách nước ngoài chiếm một phần khá lớn.

Điều ông Nghiên trăn trở nhất hiện nay là nguy cơ thất truyền của dòng tranh Hàng Trống. Bởi vậy, mỗi khi Tết đến, ông thường tổ chức các buổi giới thiệu tranh, tham gia hội thảo để “ít ra thì người ta vẫn còn nhớ có một dòng tranh dân gian đang tồn tại”, như cách nói của ông. Tâm tư thì nhiều nhưng ông bảo: “Vẫn phải tự thân mình là chính”. Chả thế mà ông đã buộc một người con trai của ông năm nay 18 tuổi phải học nghề tranh dù “không thích thú lắm”, bởi anh có những hoài bão đi vào công nghệ hiện đại .

Ông tâm niệm: “Dù sau này không theo nghiệp tranh gia đình thì mỗi khi rảnh rỗi, nó sẽ vẫn dành chút ít thời gian để vẽ tranh, để giữ gìn nghề truyền thống gia đình”. Và ngày ngày, ông Nghiên cứ “lầm lũi” tự làm lại những bản khắc tranh mới mà hiện chỉ còn mẫu tranh, với ước vọng phục vụ cho việc lưu giữ lâu dài một giá trị văn hóa độc đáo đã góp phần làm nên phần hồn của Hà Nội xưa. 

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục