Dấu ấn thời gian dấu ấn văn học

Dấu ấn thời gian dấu ấn văn học

Cả 14 tác phẩm là cái nhìn lại toàn cục gương mặt của đất nước ở thế kỷ XX. Trong suốt trăm năm, trải qua bao biến động lịch sử, suốt cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc và những thay đổi sâu xa từ trong nguồn mạch của xã hội, với những ước vọng, lo toan, những đớn đau, chiêm nghiệm trong cái ngoảnh lại của suốt một đời người…Tất cả gần như được chuyển tải trong sự nghiền ngẫm, trăn trở cho một bối cảnh chung là dân tộc.

Dấu ấn thời gian dấu ấn văn học ảnh 1

Đề tài chiến tranh vẫn mãi mãi là một vấn đề nhức nhối trong mỗi người cầm bút. Bởi sau những trang viết hào hùng đầy chất sử thi của những “Hòn đất”, “Mùa gió chướng”, “Gia đình Má Bảy”, vẫn còn đó biết bao số phận, cuộc đời còn chưa được soi rọi trong từng góc tối với những mất mát, khổ đau mà nhân dân Việt Nam đã phải trả giá cho độc lập dân tộc. “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức đã đi đến tận cùng của số phận con người ở vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị với những xung đột của những người cùng chung một chiến hào.

Đó là vết thương lớn mà trong chiến tranh, nhà văn đã đành gác lại, đặt nó vào một góc lặng của trái tim và bây giờ mới tuôn trào. “Dòng sông mía” của Đào Thắng tiếp tục đi vào mạch sâu của cuộc sống nông thôn Việt Nam, dữ dội, cuồn cuộn cả hai phần đục và trong với biết bao thân phận con người nổi chìm trong những xung đột quanh vấn đề gia đình và dòng họ. Đặc biệt với “Rừng thiêng nước trong” của Trần Văn Tuấn và “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can, hai tác phẩm được đánh giá cao nhất trong Giải A lần này bởi âm hưởng đặc biệt của nó.

“Rừng thiêng nước trong” đã từng là đề tài của cuộc hội thảo do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức, hầu hết các nhà văn và các nhà nghiên cứu đều đánh giá rất cao tác phẩm bởi sự hòa quyện giữa chất liệu thiên nhiên và con người, bởi chất khái quát cuộc chiến với con người hết sức sinh động và chân thực. Mỗi con người trong đó đều để lại ấn tượng với dáng vẻ riêng như được tác giả khắc những nét chạm mạnh mẽ trên từng thớ gỗ tươi nguyên.

Đó là cuộc chiến đấu của một đơn vị hậu cần ở vùng tam giác sắt sau Mậu Thân, và những mảnh đời đã khái quát được vấn đề lớn: là sức mạnh, ý chí, tình yêu của con người trong cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc… Đúng như nhà văn Vũ Tú Nam, một trong ba vị trong Ban chung khảo nhận định: “Không hẹn mà nên, “Rừng thiêng nước trong” đã tác động đến chúng ta giống như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” từng làm nao lòng người đọc.

Trần Văn Tuấn đã đi được vào chiều sâu của cuộc chiến tranh chống Mỹ nhạy cảm và chân thực”. “Tấm ván phóng dao” dù còn đọng chất nguyên sơ của một cây bút mới bước vào làng văn, nhưng có sức hút dữ dội đối với người đọc, bởi vì trong đó là sự trải nghiệm của máu và nước mắt, là cuộc đời của chính tác giả. Một kiếp người phải cột chặt với cuộc mưu sinh khủng khiếp, và những trang viết cứ luôn đau đáu vào nỗi đau quanh tấm ván với những nhát dao ám ảnh số phận con người đến rợn người…

Mạc Can đã bước vào vị thế hàng đầu của cuộc thi với nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Cái khác lạ cũng là cái độc đáo của cuốn tiểu thuyết này là dòng chảy nội tâm của tác giả được đẩy lên thành bình diện thứ nhất mang âm hưởng độc thoại sâu lắng…”

Từ thập niên đầu của thế kỷ XXI, người đọc đang hướng về một mùa bội thu của cuộc thi tiểu thuyết lần III. Và tất nhiên, dù dấu ấn của thế kỷ XX sẽ vẫn còn đọng lại trong từng trang viết, nhưng những chất liệu mới mẻ của một cuộc sống mới chắc chắn sẽ bước vào văn học Việt Nam nhiều hơn, trăn trở hơn, gay gắt hơn và dữ dội hơn trong chiều sâu của một đất nước đang chuyển mình bước vào cuộc đọ sức cùng cánh cửa thị trường thế giới…  

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục