Trước cửa WTO

Đối diện và tỉnh táo giải quyết khó khăn

Đối diện và tỉnh táo giải quyết khó khăn

LTS: Sau việc gia nhập ASEAN và các tổ chức thuộc ASEAN như AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN), AIA (khu vực đầu tư ASEAN)… rồi đến ASEM (Diễn đàn hợp tác Á – Aâu), APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương)..., Việt Nam đã tiến một bước dài trong công cuộc hội nhập kinh tế thế giới.

Hiện tại, chúng ta đang hướng đến việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, một tổ chức kinh tế lớn có ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu. Mong muốn trở thành thành viên WTO, Việt Nam muốn khẳng định mạnh mẽ hơn nữa tính nhất quán của chính sách hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt ra, mặt khác, cũng mong muốn có thêm điều kiện để phát triển kinh tế đất nước. Một vài ghi nhận từ lãnh đạo các bộ ngành hữu quan trong nước về các vấn đề này…

  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao NGUYỄN DY NIÊN
    Điều kiện để hội nhập kinh tế sâu rộng hơn

Đối diện và tỉnh táo giải quyết khó khăn ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Chính sách của Việt Nam là mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, tự chủ và cùng phát triển.

Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với trên 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta mới ký hiệp định thương mại với trên 80 nước và vùng lãnh thổ. Do đó, việc gia nhập WTO là bước đi tất yếu hội nhập vào nền kinh tế thế giới cho tương xứng với quan hệ chính trị. Tham gia vào WTO, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng cường vị thế trên trường quốc tế.

Thông qua các định chế của WTO, Việt Nam sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong hoạt động thương mại quốc tế mà không bị “xử ép” như một số trường hợp đã xảy ra. Không chỉ vậy, khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói chính thức vào việc xây dựng những quy định thông lệ của WTO một cách công bằng. Có như vậy, các quy định của WTO mới bảo đảm tính phù hợp với các nước đang phát triển, hạn chế sự áp đặt để hình thành những định chế bất bình đẳng có lợi cho một số nước, nhóm nước.

Để hoàn thành mục tiêu gia nhập WTO, ngành ngoại giao đã không ngừng thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập WTO, tìm ra các tiêu chuẩn chung của từng đối tác phù hợp với tiêu chí của WTO và tìm cách thương lượng để thu hẹp khoảng cách tiến tới kết thúc đàm phán. Về phần mình, ngành ngoại giao đã thúc đẩy các quan hệ chính trị, để từ đó các đối tác đàm phán ra tuyên bố ủng hộ về mặt chủ trương sẽ tạo cơ sở thuận lợi trong quá trình đàm phán của Việt Nam. Tôi hy vọng, khi đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm 2006, Việt Nam là nước chủ nhà cùng với tư cách là thành viên chính thức của WTO.

  • Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải
    Chấp nhận cuộc chơi không cân sức

Đối diện và tỉnh táo giải quyết khó khăn ảnh 2

Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Thạch Vân.

Thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp VN là khả năng cạnh tranh chưa cao trong khi mức bảo hộ sẽ giảm khi chúng ta gia nhập WTO. Ngành công nghiệp sẽ buộc phải chấp nhận cuộc chơi không cân sức và phải nỗ lực tối đa để Việt Nam không bị biến thành thị trường tiêu thụ của các quốc gia khác, mà ngược lại, sẽ cung cấp ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ của mình ra thị trường thế giới.

Về năng lực cạnh tranh, từ kết quả tham gia CEPT/AFTA trong thời gian qua, có thể chia các sản phẩm công nghiệp Việt Nam thành 3 nhóm chính: nhóm các sản phẩm có khả năng cạnh tranh tương đối tốt, nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh yếu, nhóm các sản phẩm có sức cạnh tranh kém. Trước mắt, những sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm là thế mạnh của ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian dài thì lợi thế sẽ giảm dần nếu không phát triển, nâng cao được năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sử dụng nhiều hàm lượng tri thức. Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng tổ chức thị trường yếu, nếu không tổ chức và sắp xếp lại, tăng cường tích tụ và tập trung vốn, hoàn thiện cơ chế quản lý và định chế tài chính của doanh nghiệp thì sẽ gặp khó khăn lớn khi gia nhập WTO.

Tóm lại, bước đầu khi gia nhập WTO, sẽ có một số doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu bị loại khỏi cuộc chơi, có thể dẫn đến tình trạng tạm thời dư thừa lao động, vốn và các yếu tố tố đầu vào khác. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm quản lý, tăng cường khuếch trương, tiếp thị, chú trọng thương hiệu sản phẩm và hợp tác đầu tư... nên trên bình diện chung, ta sẽ có lợi.

Để có thể tận dụng mọi cơ hội WTO mang lại, ngành công nghiệp đang và sẽ phát triển theo hướng lựa chọn, tập trung phát triển những ngành hàng, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh, huy động mạnh mẽ những nguồn lực tiềm ẩn, đẩy mạnh đầu tư có trọng điểm, tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư... Tất cả đều nhắm đến mục đích cuối cùng là thỏa mãn mức cao nhất những nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và đưa ngành công nghiệp thành ngành có sức cạnh tranh.

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng
    4 cơ hội và 3 thách thức

Việc gia nhập WTO sẽ mang lại 4 cơ hội lớn cho chúng ta.

Đối diện và tỉnh táo giải quyết khó khăn ảnh 3

Một góc Hà Nội. Ảnh: Đ.V.D.

Thứ nhất, việc gia nhập WTO sẽ giúp chúng ta tiếp cận với thị trường lớn, có nhu cầu đa dạng và được hưởng quy chế tối huệ quốc của các nước thành viên WTO. Chúng ta sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng, dịch vụ có tiềm năng.

Thứ hai, gia nhập WTO sẽ giúp chúng ta tiếp nhận công nghệ cao của các nước phát triển trong WTO để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ, tiếp cận phương pháp quản lý công nghiệp hiện đại và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân, công nghiệp lành nghề. Những thuận lợi này đã được kiểm chứng trong lĩnh vực bảo hiểm, kế toán và kiểm toán.

Việc mở cửa cho phép sự tham gia của các bên nước ngoài đã khiến cho những thị trường này trở nên sôi động, số sản phẩm bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán ngày càng đa dạng và phong phú, quy trình và thủ tục phù hợp với thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp này ngày càng có sức cạnh tranh khá hơn trước.

Thứ ba, trở thành thành viên WTO sẽ giúp chúng ta thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ. WTO có quy định từng bước loại bỏ những hạn chế không hợp lý trong lĩnh vực đầu tư làm cho môi trường đầu tư sẽ trở nên hấp dẫn hơn và sẽ thu hút được nhiều hơn. Một yếu tố tích cực nữa trong thu hút đầu tư nước ngoài là nguyên tắc minh bạch hóa và tính dự báo các quy định, chính sách thể chế thương mại. Nhờ hai nguyên tắc này mà các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi tiến hành đầu tư.

Thứ tư, khi tham gia vào WTO, chúng ta sẽ có cơ hội bảo vệ quyền lợi của chính mình tránh sự áp đặt đơn phương những quy định bất bình đẳng.

Tuy nhiên, với việc gia nhập WTO, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức như: sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thấp; ngành tài chính, ngân hàng với những hạn chế nhất định về chất lượng quản lý tài sản, tính đa dạng của dịch vụ tài chính, tính dễ tổn thương của một nền kinh tế chuyển đổi và tỷ lệ tiết kiệm nội địa còn thấp. Nếu hội nhập sâu, rộng thì hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng sẽ phải chịu sức cạnh tranh gay gắt, thậm chí thua thiệt.

Điểm cuối cùng là thách thức về nguồn nhân lực. Cụ thể như lĩnh vực kiểm toán, số lượng kiểm toán viên được Bộ Tài chính công nhận hiện vẫn thiếu để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế; số lượng kiểm toán viên theo tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế...

Ông KLAUS ROHLAND - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
“Tôi thấy sự thay đổi diễn ra hàng ngày ở Việt Nam...”

Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam được biết đến với những đóng góp lớn vào mối quan hệ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vào tháng 12-2005, cùng với đại diện Chính phủ Việt Nam, ông đã tham gia đồng chủ trì hội nghị. Tại đó, các nhà tài trợ quốc tế đã đưa ra mức cam kết dành nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) kỷ lục cho Việt Nam: trên 3,7 tỷ USD trong năm 2006.

- Phóng viên: Thưa ông, sau 3 năm đến Việt Nam, ấn tượng sâu sắc nhất của ông về đất nước chúng tôi là gì?

- Ông KLAUS ROHLAND: Tôi đến Việt Nam vào tháng 12-2002, khi Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực. Kể từ đó đến giờ, tôi đã chứng kiến và bị thuyết phục bởi quyết tâm mạnh mẽ của nhân dân và Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo và nỗ lực đạt được những thành tựu to lớn trong tăng trưởng kinh tế. Tôi thấy sự thay đổi diễn ra hàng ngày ở Việt Nam. Tuy vậy, tôi cũng thấy sự cách biệt ngày càng lớn giữa cuộc sống ở nông thôn và thành thị.

- Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm gần đây đạt những con số khá ấn tượng. Theo ông, điều này có đủ để Việt Nam tự tin bước trên con đường hội nhập?

- Nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất không những ở Đông Á mà còn trên thế giới. Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ rộng khắp, bởi vì đi kèm theo nó là thành công to lớn trong xóa đói giảm nghèo: từ tỷ lệ nghèo 60% năm 1993, xuống dưới 20% hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhưng điều quan trọng là không nên chỉ tập trung vào con số tăng trưởng mà phải quan tâm đến chất lượng của tăng trưởng. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện hiệu quả của những khoản đầu tư đóng vai trò chính trong tăng trưởng kinh tế. Cũng cần cố gắng đánh giá hết những ảnh hưởng về môi trường của các dự án đầu tư. Và cuối cùng, đối với một số nhóm dân cư như người dân tộc thiểu số, chỉ tăng trưởng kinh tế thôi không đủ mà cần phải có những nỗ lực đặc biệt về xã hội để đến được với họ.

- Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tạo bước đột phá vững chắc về kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006 - 2010, đưa đất nước ra khỏi tình trạng một nước có thu nhập thấp. WB và bản thân ông dự định sẽ làm gì để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này?

- Điều tôi thấy khích lệ lớn nhất là cách Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Quá trình chuẩn bị này đã có sự tham gia rộng rãi và cởi mở của mọi thành phần, có sự tập trung vào giải quyết nghèo đói và các mục tiêu phát triển Việt Nam. Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới dự định sẽ xây dựng Chiến lược hỗ trợ quốc gia của WB cho Việt Nam dựa trên các mục tiêu của kế hoạch 5 năm sắp tới của Việt Nam.

- Theo ông, có thể hình dung thế nào về bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam 5 năm tới?

- Nếu thực hiện thành công chương trình cải cách đề ra trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, thì trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam sẽ hoàn tất việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sẽ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn kinh tế quốc tế, trở thành hoặc tiến rất gần đến tiêu chuẩn nước có thu nhập trung bình.

- Xin chúc ông cùng gia đình một năm mới may mắn và tràn đầy hạnh phúc!

Thành Nam - N.Quang - Q.Hợp - M.Giang ghi

Tin cùng chuyên mục