Trên công trường đường cao tốc TPHCM-Trung Lương

Trên công trường đường cao tốc TPHCM-Trung Lương

Công trình đường cao tốc TPHCM-Trung Lương là một trong những công trình giao thông lớn nhất Việt Nam. Đường bắt đầu từ nút giao Chợ Đệm (Bình Chánh, TPHCM) và kết thúc tại điểm nút giao Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) với chiều dài khoảng 39,8km, chạy song song với quốc lộ 1A. Đặc điểm nổi bật của công trình là hạn chế đến mức tối đa việc đi qua các khu dân cư nên ảnh hưởng rất ít đến đời sống của người dân. Tổng vốn đầu tư cho công trình lên đến hơn 6.555 tỷ đồng nhưng chi phí cho đền bù giải tỏa chỉ khoảng 800 tỷ đồng.

Trên công trường đường cao tốc TPHCM-Trung Lương ảnh 1

Tổng Công ty xây dựng giao thông 1 xây dựng cầu Tân An trên đường cao tốc TPHCM- Trung Lương. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Có mặt trên công trường những ngày giáp Tết, chúng tôi ghi nhận được nhiều chuyện vui, nhất là về những tư vấn giám sát người Cu Ba. Họ gồm 21 người do Ricardo C. Alleguez Suarez đứng đầu nhưng tạo ấn tượng mạnh nhất lại là Alfredo Moreno, kỹ sư giám sát chính hạng mục cầu cạn-một trong những hạng mục quan trọng của công trình.

Alfredo Moreno dáng tầm thước, không có nét gì đặc biệt nhưng anh làm cho người ta nhớ bởi sự nghiêm khắc của mình. Đầu tháng 12-2005, Alfredo Moreno đã buộc nhà thầu cung cấp sắt thép phải đem về cả 3 xe thép chỉ vì kiểm tra trên mẫu thấy có những vết rạn nhỏ.

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư công trình, tỏ ra rất an tâm về các chuyên gia tư vấn giám sát này. Trong ngày lao chiếc dầm đầu tiên của cây cầu cạn, chúng tôi đã nghe ông Ricardo C. Alleguez Suarez gọi các đồng nghiệp Việt Nam bằng 2 tiếng đồng chí thân thương nhưng kèm theo đó là những lời nhắc nhở: “Là đồng chí nhưng mọi sai phạm ở đây đều phải xử lý nghiêm túc nhé!”.

Công trình đường cao tốc TPHCM-Trung Lương còn ghi một dấu ấn khác, đó là tập hợp được đến 15 tổng công ty và công ty của 3 bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng và Quốc phòng tham gia xây dựng với khoảng 1.200 công nhân đến từ nhiều miền đất nước.

Anh Đinh Cao Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long - một trong những đơn vị chủ lực tham gia công trình - tiết lộ: Tết Bính Tuất này, khoảng 2/3 công nhân sẽ được về quê ăn Tết, số còn lại phải ở lại trực. Các công nhân sẽ phải ăn thêm 2 cái Tết trên công trường nữa vì theo dự kiến, đến cuối 2007, dự án mới hoàn tất. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục