Kinh tế Việt Nam

Dấu ấn 2005

Dấu ấn 2005

8,4% à con số tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong năm 2005. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua của nước ta, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chánh khu vực và là mức tăng trưởng hàng đầu của châu Á và thế giới, nâng bình quân thu nhập đầu người lên 640 USD. Và đây cũng là con số mà không một nhà phân tích kinh tế nào, dù lạc quan nhất, dám nghĩ đến. Bởi, ngay từ đầu năm 2005, kinh tế Việt Nam phải đối phó với nhiều khó khăn chồng chất, tốc độ phát triển bị giảm sút.

Dấu ấn 2005 ảnh 1

Ảnh:Thái Bằng

Trong nước, dịch cúm gia cầm lan rộng, hạn hán, bão lụt liên tiếp xảy ra, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng, điện bị thiếu vào mùa khô… Ngoài nước, những vụ kiện chống bán phá giá, sự sút giảm, kém sức cạnh tranh của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… luôn là nỗi lo âu của những người có trách nhiệm, của doanh nghiệp.

Thế nhưng, đến cuối năm, kinh tế Việt Nam đã có trong tay những con số đầy ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 32,2 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm trước, chiếm khoảng 60% GDP, một tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay và thuộc hạng khá cao trong những nước hướng về xuất khẩu trên thế giới.

Ngoài dầu thô, chúng ta còn nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kỷ lục về số lượng lẫn giá cao như gạo, than đá, đồ gỗ, hàng điện tử, vi tính, rau quả… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng được huy động đến mức kỷ lục, chiếm 38,2% GDP. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài, sau thời gian dài bị suy giảm, đã bắt đầu hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, với 5,8 tỷ USD, vượt xa kế hoạch 4,5 tỷ USD đã đề ra, và là mức cao nhất từ năm 1998 đến nay.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã yên tâm về môi trường làm ăn ở Việt Nam, một điểm đến an toàn, ổn định về chính trị, xã hội, với hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện, với thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng nhờ thu nhập và mức sống ngày càng được nâng cao, với nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ… Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm cũng đạt trên 3,4 triệu lượt người, trong đó có hơn nửa triệu lượt khách Việt kiều. Và dấu ấn của phát triển kinh tế Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tại kỳ họp thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9-2005, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước điển hình thực hiện tốt các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ. Tuần báo Economist mới đây đã có bài phân tích về những bước chuyển đổi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam, với ghi nhận về hình ảnh những chiếc xe con đã trở nên quen thuộc trên đường phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chương trình phát triển Liên hợp quốc cũng nhận định năm 2005 là năm thành công của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ đói nghèo tiếp tục giảm.

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, có thể nói, đây là kết quả của quá trình điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền và các ban ngành chức năng trong ứng phó với những điểm nóng kinh tế, trong kiên quyết phòng chống bão lụt, dịch cúm gia cầm…

Tuy nhiên, năm 2005 cũng để lại nhiều bài học đáng suy gẫm: Chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt dự báo (8,4% so với 8%); chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp, giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng xuất khẩu như dệt, may, da giày, đồ gỗ… vẫn còn rất thấp; nạn tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả… chậm được khắc phục; dự báo thị trường còn yếu kém, dẫn đến những thiệt hại trong xuất khẩu cà phê, nhập khẩu clinker cho ngành xi măng; thị trường nhà đất chưa được cải thiện…

Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong năm 2006. Nhưng bằng những thành tựu, những kinh nghiệm đạt được trong năm 2005, bằng cách nhìn thẳng vào những khó khăn để tìm biện pháp hóa giải, kinh tế Việt Nam trong năm 2006, năm mở đầu kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng vững chắc hơn. 

Võ Hàn Lam

Tin cùng chuyên mục