Người hòa giải “mát tay”

Lấy nhau từ lúc còn cơ cực, cùng nhau vượt qua khó khăn, nhưng đến lúc kinh tế ổn định thì vợ chồng chị D. lại thường xuyên cự cãi nhau. Mâu thuẫn gia đình càng trầm trọng khi mẹ chồng chị D. đứng về phía con trai, đuổi con dâu ra khỏi nhà. Cho rằng mình cũng có góp phần để gia đình được như hôm nay mà bị đuổi đi, chị D. bực tức, nói những lời khó nghe với mẹ chồng. 

Hiểu rõ sự tình, mà nút thắt quan trọng là người mẹ chồng, cô Dương Thị Nguyệt (Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố 1, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 14 quận 11) tìm bà rủ rỉ tâm sự: “Người khác về nhà mình sống, làm dâu con trong nhà thì mọi người nên cố gắng sống hòa thuận cùng nhau. Khi nghèo khó còn đùm bọc nhau được, giờ khá hơn lại lục đục thì ai cũng không vui. Cô là người lớn nhất trong nhà, cô rộng lòng với con cháu thì gia đình sẽ êm ấm”.

Mưa dầm thấm lâu, người mẹ chồng bớt dần thái độ khó chịu với con dâu. Lúc này, cô Nguyệt quay sang khuyên chị D. nhường nhịn hơn với mẹ chồng. Chia sẻ nỗi niềm ấm ức của chị D., nhưng cô cũng khuyên rằng nếu buông lời hỗn hào với mẹ chồng trong lúc nóng giận thì sẽ không lấy lại được.

Nhờ cô Nguyệt đứng giữa hòa giải, quan hệ căng thẳng giữa chị D. và mẹ chồng dịu lại, từ đó mâu thuẫn vợ chồng chị D. dễ giải quyết hơn. Đến giờ, tình cảm các thành viên trong gia đình chị D. gần như đã được hàn gắn.

Người hòa giải “mát tay” ảnh 1 Cô Dương Thị Nguyệt (bìa phải) tham gia chuẩn bị bữa ăn cho người nghèo tại địa phương - chương trình có sự đóng góp, vận động của Hội Người cao tuổi phường 14 quận 11

Cô Dương Thị Nguyệt vừa được tuyên dương tại chương trình giao lưu “Gương sáng phố phường” năm 2018 do Báo Công an TPHCM phối hợp Cung văn hóa Lao Động, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức; bởi hiệu quả từ những lần cô Nguyệt hòa giải thành công không chỉ đem lại sự đoàn kết ở cộng đồng dân cư mà còn góp phần giảm bớt tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn gia đình, góp phần mang lại thành công cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tố quốc”.

Chỉ vì cuộc sống khó khăn, thu nhập bấp bênh nên vợ chồng anh L. phát sinh mâu thuẫn, đỉnh điểm là lần nọ anh L. ra tay đánh vợ. Hay tin, cô Nguyệt cùng cảnh sát khu vực đến nhà, nói rằng hai vợ chồng sẽ bị xử phạt hành chính mỗi người 600.000 đồng.

Anh L. và vợ ngẩn ra, không ẩu đả nữa mà hỏi cô Nguyệt: “Chị ơi, cơm còn không đủ ăn, lấy tiền đâu nộp phạt”.

Khi đó, cô Nguyệt mới phân tích: “Cơm không đủ ăn sao còn không lo làm ăn mà cãi vả, đánh nhau?. Rồi cô Nguyệt phân tích cái đúng, cái sai của từng người, khuyên anh L. bớt nhậu, cùng vợ chăm lo gia đình.

Chị C. (vợ anh L.) kể: “Nhờ có cô Nguyệt mà mâu thuẫn gia đình tôi được giải quyết. Lối xóm này ai cũng vậy, cứ có chuyện là đều nhờ cô Nguyệt hòa giải vì cô rất có uy tín, luôn tận tâm với mọi người”.

Nhiều năm làm công tác hòa giải, cô Nguyệt đúc kết rằng công việc này được ví như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, làm mà không có thời gian nhất định vì bất cứ khi nào có mâu thuẫn xảy ra thì đều phải đến. Nếu chỉ nói đến trách nhiệm mà không yêu thích, không tâm huyết với công tác xã hội, không suy nghĩ vì an ninh của địa phương thì sẽ khó gắn bó với công việc này. Muốn hòa giải thành công phải kiên nhẫn trò chuyện, tâm sự với các bên, dùng nhiều biện pháp vừa hợp tình, khéo léo. Nhiều năm làm công tác hòa giải, bằng sự uy tín, cuộc sống mẫu mực, am hiểu pháp luật, cô Nguyệt đã hàn gắn thành công nhiều gia đình tưởng như bên bờ vực tan vỡ, đem lại niềm vui và sự tin yêu cho người dân trong khu phố. 

Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, cô Nguyệt còn là một phó bí thư chi bộ, trưởng khu phố năng động trong vận động, tuyên truyền người dân tham gia các phong trào do phường, quận phát động. Hơn 10 năm qua, cô vận động các nhà hảo tâm xây gần 10 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo, sửa chữa những căn nhà lụp xụp, dột nát, giúp những gia đình hoàn cảnh khó khăn có được nơi ở khang trang hơn. Phong trào khuyến học của địa phương được cô tham gia đẩy mạnh, mỗi năm duy trì trao học bổng cho các em gia đình nghèo từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/em khi chuẩn bị vào năm học, giúp các em tiếp tục đến trường.

Đặc biệt, trong khu phố có bạn trẻ từng lầm lỡ vướng vào ma túy, sau khi cai nghiện về lại địa phương được cô Nguyệt tạo điều kiện giúp đưa vào làm việc ở một môi trường tốt, cách xa bạn bè cũ để không bị rủ rê quay lại con đường nghiện ngập. Đến nay bạn trẻ đó đã tiến bộ, không còn mang mặc cảm mà từng bước hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. 

Cô Dương Thị Nguyệt luôn khiêm tốn cho rằng những việc mình làm chỉ là làm theo cái tâm. Đó là cách quan tâm, giúp đỡ người xung quanh một cách thiết thực, hiệu quả như lời Bác Hồ dạy.

Tin cùng chuyên mục