Nhiều sai phạm trong xử lý chất thải rắn ở Đồng Nai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh vừa ký ban hành Kết luận thanh tra toàn diện đối với việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2011-2016. 
Bãi chôn lấp rác ở Khu xử lý chất thải (tại xã Quang Trung) của Công ty Sonadezi
Bãi chôn lấp rác ở Khu xử lý chất thải (tại xã Quang Trung) của Công ty Sonadezi
Theo đó, “phát hiện nhiều vấn đề sai phạm cần phải xử lý” từ lãng phí trong sử dụng đất đến quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và chất thải rắn.  
Lãng phí trong việc giao đất
Theo kết luận thanh tra, tỉnh Đồng Nai đã giao đất cho 13 dự án xử lý chất thải rắn với tổng diện tích gần 336ha, nhưng có tới 189,59ha chưa đưa vào sử dụng, chiếm tỷ lệ 56,4%. Cụ thể, có 8 dự án chưa đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ; trong đó có 2 dự án được giao đất với diện tích lớn, vượt nhu cầu sử dụng thực tế (theo tiến độ các giai đoạn thực hiện): Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), do Công ty cổ phần Môi trường Sonadezi làm chủ đầu tư; Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phúc Thiên Long làm chủ đầu tư.
Dự án của Công ty Sonadezi có tổng diện tích đất được giao là 129,4ha, đã sử dụng 59,7ha. Dự án của Công ty Phúc Thiên Long có tổng diện tích đã giao thực tế là 84,46ha (đất được giao có nguồn gốc là đất rừng), đã sử dụng 10,48ha. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, diện tích đất được giao cho 2 dự án trên lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, gây lãng phí, cần phải được kiểm tra, xử lý theo quy định. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT và các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định lại nhu cầu sử dụng đất đối với 2 dự án trên để điều chỉnh quyết định giao đất cho sát với nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, “Việc các dự án chậm tiến độ thực hiện xây dựng nhà máy xử lý chất thải là vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất, cần phải được kiểm tra xử lý theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Từ năm 2011-2016, Sở TN-MT chỉ tiến hành thanh tra việc sử dụng đất của dự án do Công ty cổ phần MT Tân Thiên Nhiên làm chủ đầu tư và đã kiến nghị xử lý theo quy định. Còn 4 dự án có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng nhưng sở này không thẩm tra về nhu cầu sử dụng đất là chưa thực hiện đúng quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 45 Nghị định 108/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và Giám đốc Sở TN-MT”, kết luận thanh tra nêu.
Tỷ lệ chôn lấp rác và lò đốt chưa đạt yêu cầu
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cùng với với sự gia tăng dân số mạnh mẽ ở các khu đô thị, sự hình thành phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm gia tăng nhanh chóng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn về cả số lượng và thành phần phức tạp, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 2862 ngày 3-11-2011 về công tác quản lý quy hoạch chất thải rắn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết 185 ngày 11-12-2015 đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại. Trong đó, tỷ lệ chôn lấp không quá 15%. Đặc biệt Nghị quyết 06 ngày 11-1-2017 của Tỉnh ủy tỉnh Đồng nai đã đề ra mục tiêu: Trong năm 2017, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt (rác trơ) dưới 15%.
 Thế nhưng, tại thời điểm thanh tra chỉ có 5 dự án có tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Còn lại có 7 dự án có tỷ lệ chôn lấp trên 15%, trong đó 5 dự án thực hiện chôn lấp 100%, 1 dự án thực hiện chốn lấp 37%, 1 dự án thực hiện chôn lấp 80%. Các dự án chôn lấp 100% là của Công ty Phúc Thiên Long, Công ty Sonadezi, Công ty TNHH Thương mại Thiên Phước và Công ty TNHH Tài Tiến. Tỷ lệ này chưa đúng với báo cáo tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt; trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư và giám đốc các Sở KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng (giai đoạn 2011-2016).
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải phát sinh tại các cơ sở y tế công lập đạt 100% cả ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, 100% các cơ sở y tế tư nhân có cam kết thực hiện xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong đó, đã đầu tư 7 lò đốt công nghệ Nhật Bản đặt tại các bệnh viện huyện, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng và tổng cổng suất 1.900kg/ngày. Tuy nhiên, lò đốt rác y tế còn nhiều bất cập: Kết quả kiểm tra của Sở TN-MT vào tháng 10-2016 cho thấy có hàm lượng CO trong không khí vượt từ 1,3 tới 5,72 lần so với tiêu chuẩn cho phép; chiều cao ống khói của các lò còn thấp nên khi đốt rác y tế phát sinh mùi khó chịu, dẫn đến các hộ dân và các đơn vị xung quanh phản ánh; tro xỉ, bụi từ lò đốt (chất thải nguy hại) thu gom lại nhiều năm chưa xử lý. Các lò đốt đang trong thời gian sử dụng và chưa sử dụng hết công suất nhưng đã hư hỏng xuống cấp. Trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Y tế.
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Bộ TN-MT thực hiện xử lý chất thải của chủ dự án đảm bảo tỷ lệ chôn lấp theo nghị quyết của tỉnh; thống nhất trong việc điều chỉnh các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đã được phê duyệt; đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý dưới 15% theo nghị quyết của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục