Những chuyện cảm động trong hai lần Bác về thăm quê

Những ngày Chủ nhật của Bác với người thân và quê hương
Những chuyện cảm động trong hai lần Bác về thăm quê

Bài 1: Quê hương nghĩa trọng tình cao

(SGGP-12G).- Khi về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ta lại được nghe những câu chuyện cảm động về Bác. Đặc biệt là câu chuyện Người về thăm lại quê hương sau 50 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là ngày 16-6-1957.

Đi theo ký ức tuổi thơ

Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961

Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961

Hôm ấy, trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su Bác trở về quê sau 50 năm xa cách. Khi lãnh đạo tỉnh và xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: - Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà.

Nói rồi Bác bước nhanh về nhà mình. Bác đi như đi theo ký ức tuổi thơ qua những lối nhỏ trong làng. Mọi người đưa Bác đến cổng vào nhà. Bác ngừng lại thoáng chốc và bảo: - Cổng ngày xưa ở chỗ kia.

Ngay cạnh cổng tre khi ấy có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”. Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: - Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu.

Mọi người đáp: “Dạ, thưa Bác, đúng ạ”. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó bảng năm 1901. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Bác bước đến gian thờ cúng gia tiên. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: - Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc.

Bước vào gian nhà trong, thấy tấm phản ngày xưa Bác và anh mình là cụ Cả Khiêm thường nằm, Bác thốt lên: - Ồ, bộ phản này vẫn còn, bà con giữ tài thật, nhưng hình như nó ngắn hơn thì phải?

Bà con thưa với Bác, rằng trước khi cô Thanh (chị của Bác - PV) bị thực dân Pháp bắt có cho một người bà con trong họ hàng sử dụng. Mùa đông, khi nhà người bà con này đốt lửa sưởi đã làm cháy một đầu phản nên phải cắt ngắn đi. Bên cạnh tấm phản là những vật dụng quen thuộc của gia đình Bác: Chiếc võng bằng sợi đay, án thư dùng để đọc sách và uống trà, chiếc rương gỗ đựng lương thực, tủ 2 ngăn đựng chén đũa, mâm gỗ sơn son dùng khi tiếp khách quý, đèn đĩa dùng để thắp dầu thực vật…

“Hoa khoai vẫn đẹp”...

Khi trở ra, nhìn quanh sân và vườn một hồi rồi Người nói với mọi người mà như nói với chính mình: - Ngày trước, ở ngay cổng ra vào có cây ổi đào nhiều quả và rất ngọt. Trước sân đây là cây bưởi, bên đầu hồi nhà có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp.

Thấy Bác nhìn vườn khoai trước nhà, một đồng chí cán bộ tỉnh xin Bác cho trồng thay khoai bằng hoa cho đẹp. Bác chỉ mấy bông hoa khoai nở giữa vườn, cười bảo:- Hoa khoai vẫn đẹp đấy chứ.

Ra đến ngoài cổng, Bác nhìn sang bên phải, là hướng đường ra giếng Cốc. Đây là một di tích gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Tú tài Vương Thúc Mậu. Giếng Cốc cũng là nơi Bác thường ra gánh nước về cho gia đình dùng khi Người còn ở Kim Liên. Bác đi ra theo hướng trái cổng, đến một khóm chuối, Bác dừng lại chỉ vào một lối nhỏ và hỏi: - Trong này có lò rèn của cố Điền, nay còn không?

Cố Điền vốn là người hiền lành, thật thà và vui tính. Những lúc rảnh rỗi, Bác thường ra lò rèn chơi và thỉnh thoảng còn giúp cố Điền một số việc. Tiếp đó Bác đến nhà thờ họ Nguyễn Sinh thắp nhang viếng tổ tiên. Khi đến gần nhà thờ, chợt Bác dừng lại và chỉ tay về bên trái rồi hỏi: - Trong này có nhà cố Phương. Nay nhà cố có đủ ăn không?

Nghe vậy mọi người đều nghẹn ngào, có người bật khóc. Nhà cố Phương là nhà nghèo nhất ở Kim Liên. Một người bận trăm công ngàn việc như Bác, xa quê đã 50 năm, vậy mà vẫn nhớ... Và ai cũng hiểu vì sao Bác nhớ đến từng người, từng việc tưởng như nhỏ nhặt như vậy, vì như lời tâm tình của Bác: “Quê hương nghĩa trọng tình cao; Năm mươi năm ấy biết bao là tình!”.

Tối 13-6-1957, Phó Chủ tịch Liên khu IV Hoàng Văn Diệm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Trường Khoát, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sỹ Quế ra tận khe Nước Lạnh (thuộc huyện Quỳnh Lưu, tiếp giáp với Thanh Hóa) đón Bác. Vì Bác phải đi một chặng đường dài trên 300km nên đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo lễ đón chỉ diễn ra ngắn gọn, để Bác được nghỉ ngơi sau chuyến đi dài. Ngày 14-6, Bác Hồ đã có cuộc nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An. Trong cuộc nói chuyện này, Bác nói: “Đã lâu về quê hương, thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi, mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc chúng ta nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất”. Tối 14-6, Bác gặp gỡ thân mật với đoàn chuyên gia Liên Xô đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh. Ngày 15-6, Bác có cuộc nói chuyện tại Quân khu bộ Quân khu IV. Ngày 16-6, sau hơn 50 năm xa cách, lần đầu tiên Bác về thăm quê hương Kim Liên - Nam Đàn.

Bài 2: Nặng tình với cả những món ăn quê

4 năm sau lần đầu về thăm quê, ngày 8-12-1961 Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đúng 12g30 máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Ra đón Bác có Chính ủy Quân khu IV Chu Huy Mân, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Ân.

Bữa cơm với tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc

Sau khi Bác xuống máy bay, các đồng chí lãnh đạo địa phương mời Bác lên một chiếc xe ô tô kết hoa rực rỡ đợi sẵn ngoài cổng. Bác nhìn quanh một lượt và bất ngờ tiến đến chiếc xe Uoat của bộ phận bảo vệ.

Người nhanh chóng ngồi lên phía trước xe và bảo cảnh vệ tháo tấm bạt che bên trên để Bác có thể vẫy chào đồng bào đang đón ở hai bên đường.

Tình huống diễn ra quá bất ngờ khiến các đồng chí lãnh đạo địa phương không kịp ứng phó. Chiếc xe kết hoa lúc này bị lui lại phía sau. Lúc này cụ Lê Nhu - nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Nghệ An cùng một số người phải ngồi lên chiếc xe hoa chạy theo sau.

Bà con làng Sen, xã Kim Liên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê nhà

Bà con làng Sen, xã Kim Liên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê nhà

Xuống xe, Bác không vào nhà khách được trang hoàng lộng lẫy mà bảo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đưa đến nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác tự tay nâng mấy chiếc lồng bàn lên xem. Nhìn thấy trong mâm có cơm trắng và các món ăn thịnh soạn, Bác quay sang hỏi đồng chí Võ Thúc Đồng:

-Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ?

Bí thư Tỉnh ủy thưa:

-Thưa Bác, hôm nay Bác về thăm quê nên cơ quan quyết định cho anh em được cải thiện, ngày thường không có đâu ạ.

Đến giờ ăn cơm, Bác bảo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sỹ Quế ngồi cùng mình. Trên mâm cơm lúc này đã dọn ra nhiều thứ thịnh soạn với cơm trắng, các thức ăn ngon. Chén đũa có hình rồng bay phượng múa rất đẹp. Bác lấy chai rượu đem theo rót ra chén và bảo:

-Trước khi dùng cơm, Bác mời các chú một chén rượu khai vị của Bác.

Uống xong chén rượu, các đồng chí lãnh đạo địa phương lấy chén do Văn phòng Tỉnh ủy sắp sẵn để xới cơm mời Bác. Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn bắp cắt sẵn 4 miếng, rồi Người bảo:

-Trước khi ăn cơm chung, Bác mời các chú ăn một lát cơm với cá rô kho Bác mang từ Hà Nội vào. Bác chỉ có chừng này thôi, những thứ trên bàn là của chú Đồng, chú Quế.

Bác cùng mọi người ăn hết gói cơm độn bắp xong mới dùng cơm do tỉnh chuẩn bị. Bác khen tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc ngon và ăn rất ngon miệng với hai món đặc sản quê hương này.

Bài ca “Kết đoàn” dưới bóng đa quê hương

Trong lần về thăm quê thứ hai này, Bác Hồ còn có cuộc nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An ngày 8-12.

Ngày 9-12 Bác nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An, về thăm và nói chuyện với cán bộ và đồng bào xã Nam Liên (huyện Nam Đàn), nói chuyện với cán bộ và đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ Tĩnh, thăm và nói chuyện với cán bộ và công nhân Nhà máy cơ khí Vinh, thăm và nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An.

Ngày 10-12 Bác đi thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành), Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn).

Như lời hẹn với quê hương, lần về thăm quê thứ hai, cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và một số xã lân cận. Mở đầu, Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”.

Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.

Cũng như lần đầu về thăm, lần này Người không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, Bác không bao giờ quên dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi. Bác nói: “Các đồng chí nước ngoài đến thăm, thấy cha mẹ để cho con mình mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc, như thế cha mẹ có xấu hổ không? Phải chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu…”.

Cuối buổi nói chuyện Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Cả ngàn người hòa nhịp kết đoàn cùng Bác dưới bóng đa quê hương.

Những ngày Chủ nhật của Bác với người thân và quê hương

Ông Trần Minh Siêu là người phụ trách công tác nghiên cứu khoa học tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) từ năm 1969 đến 1990. Cả cuộc đời ông chủ yếu chuyên tâm nghiên cứu về Bác Hồ và quê hương Người.

Cho đến nay, ngoài các bài viết trên các báo và tạp chí, ông đã và đang xuất bản 7 đầu sách về Bác Hồ và quê hương Bác Hồ. Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu về Bác, ông phát hiện nhiều điều sâu sắc, ý nghĩa và thú vị về Bác, trong đó có câu chuyện “Những ngày Chủ nhật của Bác Hồ với người thân và quê hương”. Chuyện như sau:

Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về thủ đô của một nước độc lập, Bác Hồ chưa lần nào gặp lại người thân. Lần đầu tiên Bác gặp lại người thân là cô Thanh, vào đúng Chủ nhật ngày 27-10-1946 khi cô Thanh ra thăm Bác ở Hà Nội. Một tuần lễ sau, đúng vào Chủ nhật, ngày 3-11-1946, Bác đón anh mình ra Hà Nội thăm. Sau những chuyện thân tình anh em, cụ Cả Khiêm hỏi:

-Chú định đến khi nào về thăm quê nhà?

Bác thong thả trả lời:

-Về đến đây cũng là về đến nhà rồi. Tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu…

Và đây cũng là lần cuối cùng hai anh em Bác gặp nhau. Khi nghe tin cụ Cả Khiêm mất, ngày 9-11-1950, Bác gửi một bức điện về cho dòng họ Nguyễn Sinh: “Nghe tin Anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc Anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc Anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ (không trọn tình anh em) trước linh hồn Anh và xin bà con nguyên lượng (tha thứ) cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Duy Cường
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục