Pháp chuyển hướng chú ý tới biển Đông

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei trước khi lên đường sang Tokyo hôm 26-1, bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lên án hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại biển Đông và cho biết Pháp và Nhật Bản sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (bìa trái) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (bìa phải)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (bìa trái) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (bìa phải)
Tích cực hoạt động

Bộ trưởng Quân lực Pháp cho biết Chính phủ Pháp đã sẵn sàng phát triển các cuộc tập trận chung Pháp - Nhật Bản trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, để chứng tỏ sự hiện diện của quân đội hai nước, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể trong năm nay là “hải quân hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung, song phương cũng như đa phương, kể cả tập đổ bộ tại nhiều nơi trong khu vực”. 

Theo Nikkei, Pháp - Nhật Bản nhiều lần tập trận chung, nhưng cuộc tập trận đa phương đầu tiên với quy mô lớn chỉ mới được tiến hành năm 2017 với hải quân Mỹ và Anh. Từ nay, hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn. Bộ trưởng Florence Parly cho rằng Pháp - Nhật Bản cần biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. Lên án chiến lược của Trung Quốc đặt quốc tế trước “chuyện đã rồi”, nữ bộ trưởng Pháp cảnh cáo: “Không phải cứ cắm cờ ở nơi nào đó, thì nơi đó đổi chủ”.

Cũng theo đối sách của Mỹ, Bộ trưởng Quân lực Pháp cho biết thêm là trong năm nay, Hải quân Pháp sẽ đi xuyên qua biển Đông nhiều lần để thực thi quyền tự do lưu thông. Trung bình mỗi năm, tàu chiến Pháp qua lại khu vực Trung Quốc tranh chấp với Đông Nam Á từ ba đến bốn lần, nhất là gần quần đảo Trường Sa.

Ba nước hợp tác chặt chẽ 

Trước đó, tại diễn đàn Raisina tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ, khi nói về mối đe dọa đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) đã phê phán hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, phê phán Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải. 

Ấn Độ đã bắt đầu tổ chức tập trận chung trên biển ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Chuyên gia quân sự dự đoán, Australia cuối cùng có thể sẽ tham gia cuộc tập trận này. Theo tờ Mainichi Shimbun, ngày 18-1, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ký kết thỏa thuận hợp tác “Cảng đậu chiến lược”. Thỏa thuận này nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa những quốc gia có pháp chế tự do, tăng cường “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”. Thỏa thuận quốc phòng này được dư luận cho rằng là hiệp định an ninh chưa từng có đối với Nhật Bản và có thể khiến Australia trở thành đối tác quân sự thân thiết nhất của Tokyo sau Mỹ. 

Nhật Bản ký thêm thỏa thuận hợp tác thăm viếng cảng biển với Australia, tương tự như với Ấn Độ. Thỏa thuận quân sự này, khi hoàn thành, sẽ trở thành một trụ cột trong hợp tác an ninh Nhật Bản - Australia. Năm 2018, Nhật Bản sẽ tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng Izumo thăm các nước duyên hải biển Đông và Ấn Độ Dương, đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Australia đều cho rằng thúc đẩy hợp tác quốc phòng là hết sức quan trọng trong bối cảnh căng thẳng dâng cao tại khu vực, khi Trung Quốc mở rộng sự ảnh hưởng về quân sự và kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.
 Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam 
Trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis thông báo hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ sẽ đến Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Đây sẽ là chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay, chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Mỹ cập cảng Việt Nam. Theo nhận định của hãng tin Reuters, chuyến viếng thăm của một hàng không mẫu hạm Mỹ chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước đang lo ngại trước đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là tại biển Đông.

Tin cùng chuyên mục