
Chia sẻ với tờ Nikkei Asia, Ruchi Prasad cho biết: “Chúng tôi đã lo lắng nhưng quyết định thử và đó là một quyết định tuyệt vời, chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Hòn đảo này có giá cả phải chăng và không đông đúc, nhưng có rất nhiều cảnh quan nhiệt đới giống như Maldives. Chúng tôi cũng được khám phá ẩm thực mới lạ”.
“Dupe” - cách gọi thân mật của “duplicate”, vốn là một khái niệm quen thuộc trong thế giới làm đẹp hay thời trang, nơi những sản phẩm “bản sao” giá rẻ nhưng chất lượng tương đương được săn lùng. Giờ đây, khái niệm ấy lan sang bản đồ du lịch toàn cầu, khi người trẻ bắt đầu tìm kiếm những điểm đến mang hơi thở tương tự những thành phố biểu tượng, nhưng nhẹ nhàng hơn cả về chi phí lẫn dòng người.
Một đoạn video dài 30 giây trên TikTok quay lại khung cảnh sông nước thơ mộng ở Ljubljana (Slovenia) với chú thích: “Venice vibes mà không có biển người”. Chỉ sau vài ngày, video ấy đã đạt hơn 2 triệu lượt xem, và từ khóa #dupedestination nhanh chóng xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Không cần phải đặt vé đến tận Paris hay Maldives, giới trẻ giờ đây đang tìm thấy “phiên bản thay thế” thú vị hơn rất nhiều - từ mức giá đến sự riêng tư. Một Montreal của Canada có thể thay thế một Paris. Ljubljana - thủ đô nhỏ xinh của Slovenia yên ả như Venice thuở ban đầu. Palawan ở Philippines có thể thay thế Bali hay Maldives…
“Điểm đến dupe” trở thành một trào lưu vừa tiết kiệm, vừa thông minh, nhưng vẫn có nhiều bản sắc. Người trẻ chọn một ngôi làng nhỏ ở Bồ Đào Nha thay vì Florence, không phải vì nơi kia “ít tên tuổi hơn”, mà vì nó mang đến một trải nghiệm mộc mạc, thật hơn, riêng hơn. Xét ở khía cạnh thực tế, những “điểm đến dupe” thường có chi phí dễ chịu hơn từ vé máy bay, khách sạn, đến giá một bữa ăn. Nhưng sâu xa hơn, lý do khiến chúng được yêu thích còn là cảm giác khám phá một “bí mật nhỏ” chưa nhiều người biết tới, không cần phải giành chỗ đẹp để check-in với ai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trào lưu này cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với du lịch bền vững. Khi những Paris, Bali, hay Kyoto đang chịu áp lực quá tải, thì việc tìm đến những điểm dupe chính là một cách san sẻ nhẹ nhàng và có trách nhiệm với thế giới mà ta đang muốn khám phá. Với Gen Z - thế hệ lớn lên cùng mạng xã hội, du lịch không chỉ là đi, mà là kể lại một cách sáng tạo. Họ không nhất thiết phải check-in ở nơi quá nổi tiếng, không cần chạm tay vào những biểu tượng, mà muốn tìm ra những góc nhìn mới, những trải nghiệm mới, và chia sẻ lại cho cộng đồng với niềm vui của người đi trước.
Tuy nhiên, đi kèm với sự lan truyền nhanh chóng ấy, cũng có những câu hỏi cần được đặt ra: Liệu một "điểm đến dupe" có thể giữ được vẻ đẹp nguyên bản khi bỗng dưng trở nên nổi tiếng? Liệu những cộng đồng nhỏ bé có đủ khả năng đón nhận dòng khách đổ về sau hiệu ứng từ các video hàng triệu view? Câu trả lời không đơn giản. Mạng xã hội có thể thắp sáng một vùng đất, nhưng cũng có thể làm nó bị hủy hoại nếu thiếu sự chuẩn bị, cân bằng và quan tâm đến yếu tố bền vững.