3 bị cáo bị xét xử về tội chống phá nhà nước khai nhận phạm tội vì đã nhận thức sai lầm

3 bị cáo bị xét xử về tội chống phá nhà nước khai nhận phạm tội vì đã nhận thức sai lầm

* Lê Nguyên Sang bị tuyên phạt 5 năm tù, Nguyễn Bắc Truyển 4 năm tù, Huỳnh Nguyên Đạo 3 năm tù

Sáng 10-5, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử 3 bị cáo trong vụ án Đỗ Công Thành về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Kết thúc phiên tòa, các bị cáo Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển và Huỳnh Nguyên Đạo lần lượt bị tòa tuyên phạt các mức án 5, 4 và 3 năm tù giam, đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong 2 năm sau khi thụ án.

Áp giải Lê Nguyên Sang về trại giam.

Áp giải Lê Nguyên Sang về trại giam.

"Lời khai của các bị cáo tại tòa cũng như các chứng cứ thu thập được cho thấy có đủ bằng chứng khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo phù hợp với kết luận điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát… Hành vi đó cần phải nghiêm trị.

Tuy nhiên, sau khi xem xét hoàn cảnh bản thân, các tình tiết giảm nhẹ, sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và thừa nhận mọi hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo…, nên tòa quyết định áp dụng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”, thẩm phán Trần Xuân Minh, chủ tọa phiên tòa, nêu rõ trong phần tuyên án.

Trước đó, trong quá trình trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, cả ba bị cáo Sang, Truyển, Đạo khai nhận, động cơ phạm tội của các bị cáo đều xuất phát từ những bức xúc cá nhân trong quá trình làm giấy tờ nhà đất, hộ khẩu… Từ đó, các bị cáo dần đi vào con đường sai lầm là tham gia “câu lạc bộ dân chủ” trên mạng Internet, nghe theo lời rủ rê, và chỉ đạo của Đỗ Công Thành (Việt kiều Mỹ, kẻ đã bị trục xuất khỏi Việt Nam hồi tháng 9-2006 về tội chống phá Nhà nước Việt Nam) tham gia thành lập “Đảng Dân chủ nhân dân” nhằm tuyên truyền chống phá Nhà nước, tổ chức viết bài đả phá chế độ, in và rải (1.600) truyền đơn kêu gọi nhân dân biểu tình đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, thực hiện đa nguyên đa đảng.

Trong phần nói lời sau cùng, các bị cáo đều nghẹn ngào gửi lời xin lỗi đến gia đình. “Tôi xin hứa là sau khi thụ án, sẽ liên lạc với Đỗ Công Thành và nói thẳng rằng tôi đã sai lầm trong nhận thức. Trong quá trình làm việc với các cán bộ điều tra, tôi nhận ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng đất nước và mở rộng dân chủ cho nhân dân. Và vì thế, tôi cần thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những đóng góp chân thành trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, bị cáo Truyển khẳng định.

Lê Nguyên Sang (còn gọi là Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1959 tại Đà Nẵng), là bác sĩ, trước khi bị bắt ngụ tại P15, Tân Bình, TPHCM. Nguyễn Bắc Truyển (tức Minh Chính, sinh năm 1968 tại Bến Tre), ngụ tại P. Nguyễn Cư Trinh, Q1, trước khi bị bắt là giám đốc Công ty TNHH Việt Thịnh Phú. Huỳnh Nguyên Đạo (tức Huỳnh Tự Dân, sinh năm 1968 tại Quảng Nam), ngụ P3, Tân Bình, trước khi bị bắt là giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Huỳnh.

Các đối tượng này tham gia vào “câu lạc bộ dân chủ” và “Đảng Dân chủ nhân dân” từ năm 2004 đến 2006. Sang được Đỗ Công Thành phân công làm Ủy viên Thường vụ, phụ trách đối ngoại; Truyển được giao giữ chức Bí thư Thành bộ Sài Gòn, có nhiệm vụ xây dựng “mỗi quận huyện một đảng viên nòng cốt”. Riêng Huỳnh Nguyên Đạo được giao giữ vai trò Thành ủy viên, phụ trách tuyên vận…

P.Tr.

Thông tin liên quan

* Ngày 10 và 15-5
Xét xử công khai hai vụ án chống phá Nhà nước Việt Nam
  

Tin cùng chuyên mục