Vụ việc tại số 42 Nhà Chung (Hà Nội): Không thể chấp nhận hành động gây rối, mất trật tự xã hội, vi phạm pháp luật

Trong những ngày qua, kể từ ngày 19-9-2008, khi UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khởi công xây dựng dự án công viên cây xanh - thư viện tại khu đất 42 Nhà Chung, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này trở nên phức tạp. Do có sự kích động của một số linh mục, giáo sĩ, nhiều giáo dân đã tụ tập, ngăn cản việc thi công công trình.

Xây dựng công viên cây xanh - thư viện tại 42 Nhà Chung phục vụ nhân dân là cần thiết

Chiều 18-9-2008, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội tổ chức công bố quy hoạch kiến trúc của Dự án xây dựng công viên cây xanh - thư viện phòng đọc phục vụ nhân dân tại khu đất 42 Nhà Chung (Hà Nội) tới đông đảo cộng đồng dân cư, các cơ quan đơn vị, tổ chức trong khu vực, đại diện cơ sở tôn giáo và nhiều giáo dân trên địa bàn (trong đó có mời đại diện Tòa tổng giám mục).

Tất cả các ý kiến tại cuộc họp đã bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh chủ trương của thành phố, cho rằng việc xây dựng công viên cây xanh - thư viện tại đây là rất cần thiết để phục vụ lợi ích cho cộng đồng dân cư trong khu vực. Đồng thời, các báo, đài Hà Nội cũng đã đưa tin về việc công bố quy hoạch và tiến hành xây dựng dự án tại 42 Nhà Chung.

Ngày 19-9-2008, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã tiến hành tháo dỡ hàng rào ngăn giữa khu đất tại 42 Nhà Chung và phố Nhà Chung để đưa phương tiện máy móc kỹ thuật, vật tư phục vụ tổ chức thi công công trình liên tục trong ngày, phấn đấu hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để sớm đưa vào khai thác, sử dụng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cũng cần nhắc lại, trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 22-7-2008, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản 567/TNMT-KHTH gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam để hướng dẫn chi tiết về việc lập hồ sơ xin sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó đã tiến hành giới thiệu 3 địa điểm trên địa bàn TP (1ha tại thôn Cổ Nhuế, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm; 2ha tại làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm; gần 7.500m2 tại 67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội) để Tòa tổng giám mục lựa chọn, thực hiện các quy trình đầu tư xây dựng công trình phục vụ mục đích tôn giáo. Tuy nhiên, Tòa tổng giám mục Hà Nội không quan tâm và họ nói rõ quan điểm là đòi đất chứ không xin đất của Nhà nước nên không thực hiện việc này.

Sáng ngày 17-9-2008, khi làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên - Môi trường (theo lời mời của Sở đến làm việc để tiếp tục giới thiệu thông tin về 3 địa điểm và hướng dẫn các thủ tục lập hồ sơ xin cấp đất), các chức sắc của Hội đồng Giám mục VN đã khẳng định rõ quan điểm tiếp tục đòi đất tại 42 Nhà Chung, không có ý định xem xét các địa điểm đất mới được cơ quan chức năng TP Hà Nội giới thiệu.

Ngày 19-9-2008, UBND TP có giấy mời ông Ngô Quang Kiệt đến làm việc về vấn đề khiếu nại nhà, đất, an ninh trật tự tại 42 Nhà Chung. Sáng 20-9-2008, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã làm việc với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ. Tại đây, ông Ngô Quang Kiệt một lần nữa bày tỏ quan điểm kiên quyết đòi đất tại 42 Nhà Chung bằng mọi giá.

Việc Hà Nội tiến hành xây dựng công trình công viên cây xanh - thư viện tại khu đất 42 Nhà Chung là hoàn toàn hợp pháp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, Tòa tổng giám mục Hà Nội đã kiên quyết phản đối, tạo ra sự mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Những hoạt động vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân tại khu đất 42 Nhà Chung

Khu nhà đất số 40a (nay là số 42) phố Nhà Chung, trước đây có nguồn gốc do Hội truyền giáo ngoại quốc (Hội thừa sai Paris) quản lý và sử dụng. Trong thời kỳ thực hiện chính sách của Nhà nước về nhà đất, ngày 24-11-1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương (lúc đó là quản lý Tòa tổng giám mục Hà Nội) đã bàn giao qua Nhà nước thống nhất quản lý. Khu đất này có diện tích 6.940m2. Liên tục từ đó đến nay, khu nhà đất 42 Nhà Chung do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng làm trụ sở cơ quan phòng văn hóa - thể thao quận, Trung tâm thể dục - thể thao, Nhà văn hóa quận.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2001 đến nay, Tòa tổng giám mục Hà Nội đã nhiều lần gửi đơn đòi lại khu đất này; các cơ quan chức năng của TP, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, UBTV Quốc hội cũng đã nhiều lần xem xét, trả lời đơn kiến nghị của Tòa tổng giám mục Hà Nội, khẳng định không có cơ sở để trả lại đất cho Tòa tổng giám mục. Xét báo cáo, đề xuất số 02/BXD-QLN, ngày 21-9-2007 của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP Hà Nội tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh- thư viện, phòng đọc tại khu nhà đất 42 Nhà Chung.

Nhưng, bất chấp những cơ sở pháp lý rõ ràng, kể từ năm 2001 đến nay Tòa tổng giám mục Hà Nội không từ bỏ ý đồ đòi đất.

Ngày 15-12-2007, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt phát tán lên một số trang thông tin điện tử nước ngoài bức thư có nội dung kêu gọi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội cầu nguyện và kích động việc đòi đất tại 42 Nhà Chung (tại khu đất này có trụ sở của 3 cơ quan của UBND quận Hoàn Kiếm: Phòng văn hóa thông tin và thể dục - thể thao; Trung tâm thể dục thể thao; Nhà văn hóa).

Từ ngày 18-12-2007 đến 8-1-2008, Tòa tổng giám mục Hà Nội liên tục huy động, phân công các giáo xứ trên địa bàn TP tổ chức cho linh mục, giáo dân tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp tại khu đất 42 Nhà Chung.

Ngày 9-1-2008, lãnh đạo UBND TP HN đã làm việc với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt để yêu cầu chấm dứt ngay những hành vi vi phạm pháp luật, đề nghị hợp tác với chính quyền trên tinh thần làm việc trao đổi cởi mở để cùng tháo gỡ những vấn đề liên quan đến khu đất 42 Nhà Chung.

Tuy nhiên, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 25-1-2008, lợi dụng lễ Quan Thầy, mừng thọ 90 tuổi, 60 năm thụ phong linh mục, 45 năm thụ phong giám mục, 15 năm Hồng y của Hồng y Phạm Đình Tụng, Tòa tổng giám mục Hà Nội đã kích động lôi kéo khoảng 100 linh mục và hơn 1.000 giáo dân tại Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh từ Tòa tổng giám mục Hà Nội sang khu vực 42 Nhà Chung, đẩy đổ cổng sắt, tràn vào sân, xô xát đánh bị thương bảo vệ cơ quan phòng Văn hóa thông tin - thể dục thể thao và Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm (1 người bị thương phải đi cấp cứu)...

Với ý đồ quyết tâm đòi lại đất bằng mọi giá, từ ngày 14-8-2008 đến nay, lợi dụng việc một số giáo sĩ, giáo dân tại Giáo xứ Thái Hà có những hành vi vi phạm pháp luật, phá tường rào, chiếm đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng tại 178 Nguyễn Lương Bằng (Q.Đống Đa, HN); Tòa Tổng giám mục Hà Nội và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã liên tục công khai phát tán bài phát biểu, thư hiệp thông, trực tiếp đến khu đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng để cùng một số giáo sĩ, giáo dân cầu nguyện trái phép.

Đặc biệt, ông Ngô Quang Kiệt đã đi thăm một số gia đình giáo dân có người bị bắt vì đã tham gia hủy hoại tài sản vào chiếm đất của Công ty cổ phần May Chiến Thắng và gây rối an ninh trật tự tại đây; kích động, ủng hộ, kêu gọi giáo sĩ, giáo dân ở các địa phương khác trong cả nước tập trung đông người tại Giáo xứ Thái Hà nhằm gây áp lực với chính quyền, đòi lại đất. Qua đó, tạo dư luận tác động quay trở lại việc đòi đất tại 42 Nhà Chung.

Ngay sau khi UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức công bố quy hoạch kiến trúc dự án chiều 18-9-2008, sáng 19-9-2008, Tòa tổng giám mục giáo phận Hà Nội đã có đơn khiếu nại phản đối việc xây dựng công viên cây xanh tại khu đất.

Đồng thời, Tòa tổng giám mục Hà Nội có văn bản gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ do Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt trực tiếp ký. Tuy tiêu đề văn bản là “Đơn khiếu nại khẩn cấp” nhưng nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo chính quyền “phong tỏa Tòa tổng giám mục Hà Nội”, “sử dụng các lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho việc phá hoại tài sản của chúng tôi”, tỏ thái độ coi thường pháp luật và chính quyền nhà nước: “Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi”, “yêu cầu sự can thiệp khẩn cấp của ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội và các cơ quan liên quan dừng ngay những hành động này”.

Ngay sau khi gửi các đơn thư, Tòa tổng giám mục Hà Nội đã chỉ đạo bố trí loa với công suất cực lớn chĩa từ Nhà thờ lớn sang khu đất và địa bàn dân cư khu vực để phát thanh nội dung đơn khiếu nại và những nội dung khác thể hiện sự coi thường pháp luật, yêu cầu ngừng thi công dự án công viên cây xanh - thư viện, nếu không sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản.

Từ những diễn biến cụ thể tại khu vực 42 Nhà Chung, cũng như tình hình tại Giáo xứ Thái Hà trong hơn 1 tháng qua và ở một số điểm khác, có thể khẳng định Tòa tổng giám mục Hà Nội, mà trong đó thể hiện rất rõ vai trò cá nhân của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm đòi lại đất. Tòa tổng giám mục Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ, giáo phận ở nhiều địa phương khác. Họ kêu gọi giáo dân ra cầu nguyện trái phép, lấy việc đòi đất tại 42 Nhà Chung, Giáo xứ Thái Hà để tạo hiệu ứng đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở các nơi khác trong cả nước, gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội. 

*** 

Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta là rõ ràng. Tuy nhiên, việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, đơn phương đưa ra yêu sách với chính quyền, kích động, gây rối, làm mất an ninh trật tự xã hội là điều không thể chấp nhận. Đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. UBND TP Hà Nội đã đưa ra 3 khu đất để Tòa tổng giám mục lựa chọn.

Tuy nhiên, thiện chí của chính quyền đã bị Tòa tổng giám mục Hà Nội khước từ. Mặt khác, trước khi tiến hành xây dựng dự án công viên cây xanh - thư viện phục vụ nhân dân tại 42 Nhà Chung, chính quyền cũng đã họp rộng rãi (có mời đại diện Tòa tổng giám mục), thông báo chi tiết.

Việc xây dựng công viên cây xanh - thư viện trong khu vực này đáp ứng nhu cầu của dân cư, được nhân dân hưởng ứng. Vì thế, mọi hành động lợi dụng “đòi đất”, tụ tập đông người, gây rối, làm mất trật tự an ninh xã hội của Tòa tổng giám mục Hà Nội, đặc biệt là của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là không thể chấp nhận. Việc xây dựng một công trình công cộng tại khu vực này là để phục vụ toàn dân. Không một cá nhân nào được phép vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. 

NAM VIỆT
 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:
Dự án công viên ở 42 Nhà Chung được triển khai đúng trình tự pháp luật

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, công dân có tín ngưỡng tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và mọi tôn giáo phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Trong những năm qua, chính quyền TP Hà Nội luôn tạo điều kiện cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Tòa tổng giám mục Hà Nội, các giáo phận, giáo xứ. Những nguyện vọng chính đáng của các cơ sở tôn giáo đã được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy và tạo ra sức mạnh để phát triển thủ đô và đất nước. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp của đồng bào theo Thiên chúa giáo.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Việc tranh chấp về đất đai chỉ xảy ra giữa tổ chức với tổ chức, cá nhân với tổ chức, cá nhân với cá nhân và Nhà nước có trách nhiệm giải quyết những tranh chấp đó chứ Nhà nước không bao giờ tranh chấp đất đai với bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Việc Tòa Tổng giám mục đòi đất tại số 42 phố Nhà Chung đã được các cơ quan chức năng trả lời nhiều lần, rằng không có cơ sở giải quyết. Tòa Tổng giám mục Hà Nội cần phải tôn trọng sự thật này.

Về dự án công viên cây xanh tại số 42 phố Nhà Chung, dự án này đã được triển khai theo đúng trình tự pháp luật, với mục đích tạo thêm điểm sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư, cả lương và giáo.

BẢO VÂN ghi

Tin cùng chuyên mục