Hàng chục hộ dân KP2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức TPHCM: Nguy cơ ra đường ở

Dân tạo lập nhà ở lâu năm
Hàng chục hộ dân KP2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức TPHCM: Nguy cơ ra đường ở

Những ngày qua, 42 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc tổ 9, 10 khu phố 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM tiếp tục có đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng vì chính quyền địa phương sắp giải tỏa trắng chỗ ở của họ nhưng việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng. Những hộ dân nơi đây đang có nguy cơ không nơi trú ngụ…

Sinh sống hơn 30 năm trong những ngôi nhà lụp xụp, người dân tổ 9, 10, khu phố 2 phường Trường Thọ vẫn không được cấp giấy chủ quyền nhà đất.

Sinh sống hơn 30 năm trong những ngôi nhà lụp xụp, người dân tổ 9, 10, khu phố 2 phường Trường Thọ vẫn không được cấp giấy chủ quyền nhà đất.

Dân tạo lập nhà ở lâu năm

Tiếp xúc với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được tạo lập từ sau năm 1975 của hộ ông Nguyễn Thái Sơn, hàng chục hộ dân không khỏi bức xúc vì gia đình họ đã cư ngụ từ 3 đời nay nhưng chính quyền phường Trường Thọ không cho làm giấy chứng nhận chủ quyền nhà. Điều này dẫn đến tình trạng nhà cửa dột nát, ngập úng mà không được sửa chữa.

Mới đây phường yêu cầu bà con nhanh chóng chấp hành giải tỏa trắng để giao mặt bằng xây dựng Trường THCS Trường Thọ. Ông Lý Minh Hải, một cựu chiến binh, đã cư ngụ lâu năm, bức xúc: “Sau năm 1975, tôi tự khai phá để trồng trọt trên mảnh đất hoang. Đến năm 1986, tôi xin phép xây một căn nhà trên phần đất này để ổn định cuộc sống và được UBND huyện Thủ Đức cấp phép xây dựng đàng hoàng, cho làm hộ khẩu, số nhà. Vậy mà bây giờ chính quyền giải tỏa, nói chỉ hỗ trợ chứ không đền bù gì cả”.

Với nghĩa vụ công dân, nhiều năm qua hộ ông Hải đều đóng thuế nhà, đất đầy đủ cho nhà nước, nhưng nhiều lần xin hợp thức hóa nhà thì chính quyền phường… không giải quyết.

Hộ ông Lưu Bá Sơn ở tổ 9 cho biết gia đình ông đã xác lập nhà ở ổn định từ những năm 1980, và năm 1999 đã tiến hành kê khai nhà đất, không hề có tranh chấp. “Không biết chính quyền phường lấy lý do gì mà không cho chúng tôi xác lập sở hữu nhà ở, đất ở để yên bề cuộc sống. Đã mấy đời nay chúng tôi sinh sống ở đây nhưng bây giờ chính quyền yêu cầu giải tỏa trắng, đuổi chúng tôi ra đường là sao?”, ông Sơn lo lắng.

Cũng hoàn cảnh tương tự là hàng loạt hộ dân khác như hộ bà Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Cúc, Bùi Đoan Trinh, Phạm Văn Hoàng… Tất cả 42 hộ dân ở tổ 9, 10, KP 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đều đã tạo lập nhà ở, đất ở từ trước 15-10-1993 (trước khi có Luật Đất đai) và từ những năm 1975-1980.

Lấn chiếm đất công?

Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Trường Thọ cho rằng 42 hộ dân nói trên đã lấn chiếm đất công nên chính quyền không thể chứng nhận chủ quyền và khi giải tỏa thì chỉ được hỗ trợ một khoản tiền.

Theo ông, do mới lên làm chủ tịch nên không nắm rõ vấn đề và những gì liên quan thuộc về các đời chủ tịch trước. Chủ tịch phường Trường Thọ trước đây là ông Nguyễn Thanh Hải (nay là Bí thư phường) đã xác nhận nguồn gốc nhà đất cho người dân. Hầu hết nhà đất của các hộ dân tổ 9, 10 đều được ông Hải xác nhận là trước năm 1975, được chính quyền chế độ cũ làm trại lính; sau năm 1975 UBND xã Linh Đông, huyện Thủ Đức quản lý và người dân đã lấn chiếm đất công. Tuy nhiên, trong giấy xác nhận nguồn gốc đất, chính quyền phường không hề căn cứ vào sổ sách, giấy tờ nào.

Trong khi theo bà con thì từ khi họ đến cư ngụ thì mới tạo lập đất ở nhà ở. Vì khu đất thuộc tổ 9, 10 chỉ là một bãi đất hoang cỏ mọc, không hề có dấu tích gì của trại lính. Đồng thời, qua bao năm sinh sống, người dân cũng không hề nhận được bất kỳ thông báo nhắc nhở nào của chính quyền. “Không hiểu chính quyền phường dựa vào cơ sở nào mà xác nhận chúng tôi lấn chiếm đất công hay là xác nhận… bừa?”, ông Lưu Bá Sơn thắc mắc. Mặt khác, bà con cũng đã đóng tiền thuế sử dụng đất, nhà đều đặn nhiều năm qua với số tiền không phải ít, vậy chính quyền khẳng định bà con lấn chiếm đất công dựa trên cơ sở nào?

Ông Trương Nguyễn Thuận Bình, Phó ban đền bù-giải tỏa UBND quận Thủ Đức cho biết việc đền bù, hỗ trợ hay không và bao nhiêu là tùy thuộc vào việc xác định nguồn gốc đất, nhà của UBND phường Trường Thọ. Nếu chính quyền phường xác nhận đất lấn chiếm thì chỉ được hỗ trợ rất ít, và không có chuyện tái định cư. Như vậy, khúc mắc ở chỗ chính quyền phường Trường Thọ đã xác nhận nguồn gốc đất, nhà của 42 hộ dân nói trên khách quan hay chưa? Vấn đề này chính quyền quận Thủ Đức và Thanh tra UBND TPHCM cần vào cuộc, xem xét thấu đáo để đảm bảo quyền lợi người dân.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục