Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng - Công tố viên khẳng định quan điểm luận tội

Ngày 20-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt Vietinbank, chi nhánh TPHCM) bước sang ngày làm việc thứ 11 với phần tranh luận của đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đối với các luận điểm do các luật sư của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự nêu ra. Theo công tố viên, phần truy tố, luận tội là đúng người, đúng tội, phù hợp lý luận và thực tiễn.

(SGGP).– Ngày 20-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt Vietinbank, chi nhánh TPHCM) bước sang ngày làm việc thứ 11 với phần tranh luận của đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đối với các luận điểm do các luật sư của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự nêu ra. Theo công tố viên, phần truy tố, luận tội là đúng người, đúng tội, phù hợp lý luận và thực tiễn.

Cụ thể, công tố viên khẳng định hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tham ô tài sản như một số luật sư đặt vấn đề. Công tố viên cũng xác định không rút truy tố đối với Huyền Như về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vì hành vi này đã cấu thành tội danh độc lập, không phải là một trong các khâu để Huyền Như chiếm đoạt tiền. Về đề nghị ghi nhận việc bị cáo Huyền Như đã tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả làm tình tiết giảm nhẹ, công tố viên không đồng ý vì cho rằng bị cáo chỉ nộp lại 8 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng là tài sản bị kê biên - con số quá ít so với số tiền 3.900 tỷ đồng bị cáo chiếm đoạt.

Đối với quan điểm của các luật sư rằng việc Vietinbank lỏng lẻo trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của 15 doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân, công tố viên phản bác bằng lập luận: Những đơn vị, cá nhân bị thiệt hại trong vụ án là do hành vi trái pháp luật của Huyền Như gây ra; sự thiếu kiểm tra, kiểm soát của Vietinbank chỉ là điều kiện để Huyền Như thực hiện trót lọt việc chiếm đoạt tiền. Trên cơ sở này, công tố viên khẳng định Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho Huyền Như.

Nội dung bào chữa cho các bị cáo khác và bảo vệ quyền lợi cho những đơn vị, cá nhân bị hại trong vụ án cũng bị công tố viên bác bỏ vì cho rằng không có cơ sở. Theo đó, việc Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) ký 10 giấy xác nhận tiền của Công ty cổ phần Dầu khí vận tải Thái Bình Dương đã chuyển vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã khiến công ty này tin tưởng, chuyển tiền tiếp, từ đó bị chiếm đoạt; đồng thời dù biết rõ nhưng vẫn để mặc cho Huyền Như thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Phát, Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Hưng Yên. Nếu Phạm Anh Tuấn không phải là người đứng đầu Công ty cổ phần Dầu khí vận tải Thái Bình Dương thì không thể dùng vốn của Nhà nước cho vay, khiến công ty bị chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM, Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM, Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TPHCM chỉ đạo cho vay, đề xuất cho vay nhưng không có mặt khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; ký phê duyệt, xác nhận, làm thủ tục giải ngân đối với những hồ sơ tín dụng để cho vay khi hồ sơ chưa có chữ ký của khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh; thực hiện lệnh chi không có mặt, không có chữ ký của chủ tài khoản; chỉ đạo, đề xuất phê duyệt và lập hồ sơ mở tài khoản mà không có mặt người mở tài khoản để ký chữ ký mẫu theo đúng quy định... là trái pháp luật. Việc truy tố đối với các bị cáo này là không sai.

ÁI CHÂN

- Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng: Các luật sư không đồng ý tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án

Tin cùng chuyên mục