Phát triển thị trường chứng khoán 2018 bền vững, an toàn và hiệu quả

Ngày 23-2 tại TPHCM, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE)  tổ chức Lễ đánh cồng đầu xuân Mậu Tuất 2018. Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng truyền thống đầu xuân tại HoSE
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng truyền thống đầu xuân tại HoSE

Ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách Hội đồng Quản trị HoSE, cho biết, tiếp tục sự tăng trưởng tích cực của năm 2017, những ngày đầu tiên của năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục có những tín hiệu khả quan và nhiều kỳ vọng. Thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng mạnh với giá trị bình quân đạt trên 8.000 tỷ đồng/phiên; trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 12.600 tỷ đồng, gần bằng 48% của cả năm 2017. Bên cạnh đó, các chuyên gia, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh. 

Phát biểu tại lễ đánh cồng truyền thống đầu xuân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, trong quá trình Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, TTCK đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho sự phát triển kinh tế đất nước. TTCK Việt Nam được xem là bệ phóng quan trọng cho nhiều DN phát triển, đặc biệt là DN tư nhân và thực hiện tốt vai trò kiến tạo phù hợp với chủ trương chính sách của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2018 - 2020 rất quan trọng bởi hàng loạt chủ trương, cơ chế chính sách lớn của Đảng và Nhà nước sẽ đi vào thực tiễn. Cụ thể, trong năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải pháp phát triển nền kinh tế bền vững, phát triển kinh tế tư nhân, quyết liệt thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước... Riêng đối với TTCK sẽ đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư chiến lược để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững; từ đó, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam; đổi mới mô hình tăng trưởng và huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả. Cụ thể, bộ sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTCK và Luật Chứng khoán sửa đổi đồng bộ với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để tạo môi trường minh bạch cho DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng của thị trường thông qua áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, tăng cường quản trị rủi ro; triển khai sản phẩm mới, thị trường mới, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Đẩy mạnh cải thiện năng lực điều hành, quản lý thị trường, thanh tra, giám sát… để tạo niềm tin cho nhà đầu tư; hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra và giữ vững vai trò là kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế. 

Sau phiên chốt lời hôm trước, TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày cuối tuần 23-2 đã tăng vọt trở lại ngay từ khi mở cửa với sự trở lại của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng. Đến phiên chiều, với dòng tiền chảy mạnh vào thị trường khiến hàng loạt mã CP blue-chips và vốn hoá lớn trên thị trường như VIC, VNM, PLX, VCB, CTG, GAS, FPT… bật tăng mạnh. Trong đó, PLX, VCB đã tăng kịch trần khiến thị trường bùng nổ. VN-Index bật tăng gần 28 điểm khi chốt phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 26,82 điểm (2,49%) lên 1.102,85 điểm với 197 mã CP tăng giá, 96 mã CP giảm giá và 61 mã CP đứng giá. VN30-Index cũng tăng mạnh 25,68 điểm lên 1.089,96 điểm với đến 29 mã CP tăng giá và 1 mã CP đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,55 điểm  (1,24%) với 106 mã CP tăng giá, 71 mã CP giảm giá và 209 mã CP đứng giá. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường hơn 6.800 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục