Phiên tòa “AFFAIRE TRAN TO NGA / MOSANTO & AUTRES”

Ngày 16-4, Tòa án thành phố Evry thuộc vùng Paris (Pháp) mở phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga - nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã tham gia sản xuất, cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 16-4, Tòa án thành phố Evry thuộc vùng Paris (Pháp) mở phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga - nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã tham gia sản xuất, cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam.

Phiên xử đầu tiên này mang tên AFFAIRE TRAN TO NGA / MOSANTO & AUTRES và tại phiên tòa này sẽ có sự tham dự của 12 công ty hóa  chất, mỗi công ty đều được đại diện bởi hai văn phòng luật sư.

Hành trình đi tìm công lý của người phụ nữ này đã trở thành câu chuyện làm rung động dư luận Việt Nam và Pháp. Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942, nay là công dân Pháp gốc Việt. Năm 1965 sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà xung phong vào miền Nam làm phóng viên chiến trường cho Thông tấn xã Giải Phóng (nay là TTXVN) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Từ năm 1966, bà làm việc trong những vùng bị rải chất độc nặng nhất ở miền Nam như: Củ Chi, Bình Long, dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Bà Nga sinh được 3 con, trong đó người con cả bị chết vì dị tật tim, con thứ hai bị lây từ bà bệnh Alpha Thalassémie (một chứng bệnh về máu) -  đều là di hại từ dioxin và người con thứ ba bị nhiễm một căn bệnh về da.

Để đòi công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, năm 2009, bà làm nhân chứng cho phiên tòa Công luận ở Paris xét xử các công ty hóa chất Mỹ. Tại tòa án này bà gặp luật sư William Bourdon, một luật sư nổi tiếng thế giới về lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, bảo vệ nạn nhân của toàn cầu và các tội ác chống nhân loại. Tháng 4-2014, bà cùng văn phòng luật sư Wiliam Bourdon Forestier ở Paris đứng ra làm nguyên đơn kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng như tiếp tục tác hại đến môi trường sống, để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe của các nạn nhân và các thế hệ con cháu, trong đó có bà và con bà.

Vì ý nghĩa của vụ kiện vượt lên việc bảo vệ lợi ích chính đáng của một cá nhân, trở thành vụ kiện của lương tâm và công lý, nên bà nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và cá nhân có uy tín trong nước và quốc tế, như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), các luật sư và nhà khoa học ở Pháp, Đức… Ngày nhận được kết quả xét nghiệm máu từ các nhà khoa học hàng đầu về huyết học và chất độc học ở  Đức khẳng định bà là nạn nhân chất độc da cam (hàm lượng dioxin trong máu của bà cao hơn các chỉ số trung bình), trớ trêu thay, bà đã rất vui. Vì đây là bằng chứng khoa học để cùng với toàn bộ hồ sơ được xác nhận về địa điểm và thời gian bị nhiễm chất độc da cam do máy bay Mỹ rải, bà có thể dùng làm căn cứ khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Một tin vui không phải cho bản thân mình mà là cho 5 triệu nạn nhân khác đang đau khổ hơn mình. 

Mở được một vụ kiện mang tính lịch sử không phải là một điều dễ dàng và diễn tiến của vụ kiện chắc chắn không đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian, công sức từ nhiều phía. Ngay cả khi đã có đủ trong tay những chứng cứ khoa học và pháp lý để khởi kiện, cuộc đấu tranh đòi công lý của người phụ nữ này đã và sẽ còn là một hành trình dài và nhọc nhằn trước mắt. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua tính từ thời điểm Mỹ lần đầu tiên rải các chất hóa học kinh hoàng da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam, nỗi đau do nó gây ra vẫn không thôi nhức buốt. Các nạn nhân đã ba lần khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ, đặc biệt là Monsanto và Dow Chemical, song bất thành. Dù đã bước vào tuổi 73,  mang trong mình một số trọng bệnh, nhưng bà Nga cho biết sẽ cố gắng đeo đuổi vụ kiện cho đến cùng, để kết quả của nó sẽ trở thành một án lệ có thể giúp cho nạn nhân chất độc da cam ở khắp nơi có cơ sở để đòi công lý cho chính mình.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục