Phong trào kế hoạch nhỏ - Biến tấu cách làm, phai mờ ý nghĩa

Những phong trào quyên góp như kế hoạch nhỏ, nụ cười hồng, nuôi heo đất giúp bạn nghèo... trong trường học không chỉ mang tính giáo dục cao mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây các phong trào có tính tự nguyện trên đã được một số trường quy thành chỉ tiêu hoặc một khoản tiền bắt buộc phải nộp đối với từng học sinh. Dù mới đầu năm học, nhưng phong trào kế hoạch nhỏ đang lan rộng  ở nhiều trường.
Phong trào kế hoạch nhỏ - Biến tấu cách làm, phai mờ ý nghĩa

Những phong trào quyên góp như kế hoạch nhỏ, nụ cười hồng, nuôi heo đất giúp bạn nghèo... trong trường học không chỉ mang tính giáo dục cao mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây các phong trào có tính tự nguyện trên đã được một số trường quy thành chỉ tiêu hoặc một khoản tiền bắt buộc phải nộp đối với từng học sinh. Dù mới đầu năm học, nhưng phong trào kế hoạch nhỏ đang lan rộng  ở nhiều trường.

Nhiều biến tấu “sáng tạo”

Hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố hàng năm đều có các chiến dịch quyên góp cho học sinh vượt khó, đồng bào lũ lụt, vì người nghèo, phong trào kế hoạch nhỏ... khi thì bằng tiền một bữa ăn sáng, hay góp quần áo cũ, sách giáo khoa cũ, giấy vụn, vỏ lon… Chính vì thế, ngay từ đầu năm học một số trường đã gửi thông báo về các hoạt động phong trào mà học sinh cần thực hiện trong năm, với nhiều “chiến dịch” như Nụ cười hồng, Nuôi heo đất giúp bạn nghèo, Kế hoạch nhỏ… Học sinh nào đạt chỉ tiêu 20kg giấy báo hoặc 100 vỏ lon bia sẽ đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Mẹ mua ve chai giúp con làm kế hoạch nhỏ

Mẹ mua ve chai giúp con làm kế hoạch nhỏ

Có 2 con đang theo học ở Trường TH Hạnh Thông, quận Gò Vấp nên chị Nga Thu rất có kinh nghiệm làm “kế hoạch nhỏ”. Ngay từ đầu năm học khi có thông báo từ nhà trường, chị Thu đã cẩn thận đưa tiền và dặn người lao công của công ty để lại tất cả lon bia cho chị thay vì đem cân ve chai. Gom được hơn 100 vỏ lon, chị Thu đem về đập dẹp, bỏ bao, cho con làm kế hoạch nhỏ. Thế là cuối học kỳ một vừa qua, cháu khoe mẹ rằng mình được tặng danh hiệu Chiến sĩ kế hoạch nhỏ.

Em H.T. học lớp 4 một trường ở quận 3 kể, từ đầu năm học đến nay, trường phát động phong trào mấy lần, nào là đóng góp sách vở cho thư viện trường lúc mới khai giảng, tặng quà chú bộ đội hồi tháng 12, áo ấm giúp bạn vùng lũ… Mới đây, trường phát động đóng góp giấy tập, báo cũ làm kế hoạch nhỏ, T. không biết tìm đâu ra 3kg giấy nên khóc lóc đòi ba, vốn là biên tập viên một tờ báo, anh Hùng liền mang cả chồng báo và tạp chí về để con nộp cho trường!

Khi được hỏi về phong trào kế hoạch nhỏ của trường mình, Hồng Nhung, học sinh lớp 7 Trường THCS Colette, quận 3 TPHCM cho biết: Thay vì gom góp giấy vụn ở nhà để tham gia phong trào, để sớm đạt chỉ tiêu, Nhung cũng như nhiều bạn xin tiền ba mẹ mua giấy báo cũ về nộp cho lẹ.

Những trường hợp chúng tôi kể ra ở trên không phải cá biệt trong việc thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ cho trường. Tuy nhiên, dù sao đó vẫn là một vài hình thức “sáng tạo” nhằm giúp con gom góp phế liệu để làm kế hoạch nhỏ cho trường. Đằng này, một số trường TH ở nội thành, với tâm lý muốn gọn nhẹ, nhanh chóng đã làm kế hoạch nhỏ bằng cách thu tiền như: Trường TH Khai Minh, Trường Tiểu học Võ Văn Tần… Mức thu tùy theo từng trường, khoảng 30.000 - 40.000 đồng/học sinh. Chỉ cần phụ huynh lo nộp đủ các khoản tiền theo danh mục nhà trường công bố, trong đó có cả tiền kế hoạch nhỏ, thì học sinh cũng được coi là… hoàn thành kế hoạch nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Dũng, nhà ở đường Phạm Văn Hai, có con học lớp 5 Trường TH Chi Lăng, quận Tân Bình cho biết: Nói là không bắt buộc nhưng không nộp thì con nó lại buồn vì không được khen như chúng bạn. Mà cứ mỗi lần trường phát động phong trào, phụ huynh phải đi làm kế hoạch nhỏ. Nghĩa là ra hàng ve chai mua về cho cháu, chứ nhà không có ai biết uống bia thì làm sao có vỏ lon bia nộp cho nhà trường?

Chính vì trường đã bật đèn xanh trong việc đóng tiền thay hiện vật, nên năm học này cũng như năm học trước, để tạo điều kiện cho con thực hiện kế hoạch nhỏ của trường, anh Quyết, phụ huynh của em TH., Trường TH Khai Minh đều cho con tiền đóng góp. Những lần cho con đóng góp ít hơn chỉ tiêu chung, dù con không nói ra nhưng anh nhận thấy nét mặt con mình buồn thiu khi ngầm so sánh số tiền ba mẹ cho với số tiền của các bạn cùng lớp.

Theo anh Quyết, đóng góp bằng tiền hay bằng hiện vật nên tùy hoàn cảnh. Với cách làm như hiện nay, các em không hiểu được ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ. Con em những gia đình khó khăn sẽ cảm thấy tự ti vì mình đóng ít tiền hơn bạn bè.

Giao chỉ tiêu - cách làm sai

Kế hoạch nhỏ là một trong những phong trào mang tính truyền thống của Đội Thiếu niên tiền phong đã tồn tại suốt mấy chục năm qua. Trong những năm tháng khó khăn, hoạt động này từng phát huy tác dụng tích cực với nhiều hình thức như: tham gia lao động sản xuất tại gia đình và tại trường; thu nhặt giấy vụn, ve chai, phế liệu... để góp phần gây quỹ xây dựng các công trình của Đội như đoàn tàu Thiếu niên tiền phong, khách sạn Khăn Quàng Đỏ…

Ý nghĩa quan trọng nhất của các hoạt động này là góp phần giáo dục ý thức lao động, thực hành tiết kiệm cho những công dân tương lai. Nhưng hiện nay, tại một số trường học, kế hoạch nhỏ đã biến tướng trở thành một khoản tiền… phải nộp đối với từng học sinh, dù chưa bao giờ phong trào này mang ý nghĩa bắt buộc.

Chị Trần Ngọc Mai, có con học Trường TH Kỳ Đồng, quận 3, bức xúc: “Mặc dù các thầy cô nói kế hoạch nhỏ là không bắt buộc, nhưng chúng ta đều biết nếu các em không nộp đủ chỉ tiêu thì cá nhân hoặc tập thể sẽ bị đánh giá. Có nơi còn xem việc thực hiện chỉ tiêu này là một trong những tiêu chí xếp loại hạnh kiểm”.

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng trên, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng: Các phong trào quyên góp, kế hoạch nhỏ… trong học sinh mà Hội đồng Đội thành phố đưa ra nhằm mục đích giáo dục ý thức tiết kiệm, lòng yêu thương là chủ trương đúng. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi áp đặt chỉ tiêu cho nhà trường, thậm chí quy đổi thành tiền là sai, điều này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh.

Trong khi các trường lo đôn đốc học sinh phải hoàn thành “chỉ tiêu” được giao, nhiều nơi quên mất việc giáo dục các em phải cần kiệm bằng cách tận dụng đồ cũ, phân loại vật dụng phế thải hay quý trọng công sức lao động của cha mẹ.

Em Trần Mai Trâm, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng: Nhà trường không nên tạo cho học sinh thói quen dùng tiền để “mua” thành tích. Bởi theo em, cái chính là nêu gương sống và làm thật để đạt kết quả thực tế. Em Trâm đề xuất, thay vì giao chỉ tiêu và thu kế hoạch nhỏ học sinh bằng tiền, nhà trường nên tổ chức các buổi lao động tập thể lấy tiền gây quỹ. Hoạt động trên, ngoài việc giúp học sinh biết quý trọng giá trị sức lao động và nâng cao trách nhiệm của học sinh với cộng đồng, học sinh sẽ biết đoàn kết, dễ dàng hòa nhập với nhau hơn. Đó cũng là những giờ học ngoại khóa mang lại nhiều điều lý thú và bổ ích hơn là những đóng góp mang tính hình thức, chiếu lệ.

 Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường không vận động học sinh làm kế hoạch nhỏ bằng tiền. Sắp tới, sở sẽ làm việc với Thành đoàn TPHCM, rà soát lại các quy định về hoạt động phong trào để có chỉ đạo cho các trường thực hiện đúng và tìm ra cách làm phù hợp.

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TPHCM)

TIẾN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục