Ngôi trường mới và ông giáo già

Ngôi trường mới và ông giáo già

Đối diện Ủy ban xã miền núi Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), có một ngôi trường PTTH xinh xắn mang tên nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Người dân quê xem đây là sự kiện “nuôi sống ước mơ tới trường của hàng ngàn học sinh vùng đất nghèo bị thất học”. Cảm động hơn khi “người khởi xướng” ngôi trường là ông Nguyễn Lê Đắc - thương binh 1/4; giáo viên về hưu đã bán nhà ở thành phố, vay tiền để xây trường, mở lớp ở miền núi.

1.
Tôi cùng thầy Đắc đi hết dãy nhà cấp bốn, qua dãy nhà hai tầng, đến khu hội trường và phòng hiệu trưởng đang xây dựng, sắp xong. Ông giáo 72 tuổi, vóc người gầy nhỏ, mái tóc bạc phơ nhưng vẫn mang nét hồn nhiên trong ánh mắt linh lợi, giữa khuôn viên trường rộng 10.000m2 với sân cỏ, vườn cây bàng rợp bóng.

Ngôi trường mới và ông giáo già ảnh 1

Một góc Trường PTTH dân lập Nguyễn Khắc Viện.

Vừa lúc giờ tan học, hàng trăm học sinh mặc đồng phục áo xanh tình nguyện, vai đính phù hiệu “Trường dân lập Nguyễn Khắc Viện” tỏa ra như đàn chim rời tổ.

Ông Đắc xoay người ra phía cổng nhìn theo từng đoàn học sinh, tâm sự: “Đã có hơn 2.000 em tốt nghiệp rồi. Hiện trường đang có 29 lớp, 1.530 em. Năm học mới, số lớp tăng lên bởi 550 em đã đăng ký vào học”.

Năm 1997 Ban Giám hiệu lâm thời phải mượn trụ sở Ủy ban xã Sơn Bằng làm địa điểm khai giảng, còn lớp học thì mượn tạm ba phòng của trường tiểu học trong xóm.

Hôm đó chỉ 80 học sinh có mặt nhưng phụ huynh và bà con trong xã đến dự đông vui lắm. Nhiều người vui đến ngỡ ngàng vì lần đầu tiên xã nghèo Sơn Bằng có trường PTTH.

Nhưng cũng không ít đại biểu từ xa về bán tín, bán nghi, cho rằng “các thầy sẽ thất bại vì đã thấy cơ ngơi trường lớp gì đâu”. Nghe thông tin này, thầy Đắc giải thích trong buổi lễ: “Khi nào con em Hương Sơn hết cảnh thất học thì trường của những ông giáo già này mới chịu bỏ không”. Đó là câu nói thấm từ gan ruột, bởi sau 46 năm dạy học nay về hưu, tiến sĩ tâm lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1968-1973), rồi Trường Sư phạm Vinh (1974-1997) Nguyễn Lê Đắc nhận thấy: Mỗi năm huyện Hương Sơn có hàng trăm học sinh tốt nghiệp lớp 9 nhưng không được học tiếp vì không đủ chuẩn vào các trường PTTH hoặc trường dân lập, trung tâm dạy nghề của huyện. Đa số các em phải tìm trường ở các huyện khác học hoặc đi “rèo” bò (chăn bò), số em còn lại thì đi làm thuê tứ xứ.

Chuyện buồn này khiến thầy Đắc không nỡ dứt bỏ quê cũ, mặc cho sáu người con ở TPHCM một mực yêu cầu “cha vào ở với con cháu để an dưỡng tuổi già”.

Ở lại Sơn Bằng, thầy Đắc bàn với các bạn giáo viên về hưu chung sức lại để mở trường dân lập, bởi “chúng ta đều trưởng thành từ quê nghèo. Học sinh ở quê thất học chính là món nợ đời mà mình phải trả cho bằng được”.

2.
Ý tưởng của thầy Đắc được các cựu giáo viên tán thành ngay nhưng ai cũng thấy khó khăn ở khâu “vốn”. Năm 1997, một bạn giáo viên cũ (đang làm Chủ tịch Mặt trận xã) lên tiếng, sẽ vận động nhân dân địa phương ủng hộ 20 triệu đồng xây trường nhưng chờ mãi không thấy một đồng nào.

Thầy Đắc triệu tập cuộc họp đột xuất, nêu chính kiến của mình: “Đã đến ngày khai giảng năm học rồi, không thể “để các em bơ vơ” trong lúc nhiều học sinh rơi vãi ra từ trường công và số giáo viên mới ra trường đang chờ việc ngày càng nhiều. Mình không có quyền thoái thác nguyện vọng chính đáng của các em và những giáo viên trẻ. Tôi sẽ bán 490m2 đất ở TP Vinh để mua trọn bãi đất hoang Eo Cùng của xã, bước đầu dựng sáu phòng học cấp bốn”.

Sáu người con biết bản lĩnh và việc làm đạo lý của ông, liền tiếp sức bằng cách “góp tiền gửi ra cho cha vay”. Vậy là ông có nguồn tiền để xây thêm sáu phòng học mới.

Ông Đắc thừa nhận: “Lúc ấy tôi mới tin mình không thất bại vì năm 1998 mới có hai lớp 10, sang năm 2000 đã tăng lên năm lớp 10. Các lớp 11, 12 cũng tịnh tiến dần lên”. Năm 2002 ông đến Quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh xin vay 300 triệu đồng, cộng với tiền đóng góp (30.000 đồng/tháng) của học sinh, ông thuê thợ xây thêm dãy nhà hai tầng gồm 16 phòng học, mới đủ lớp cho hơn 1.000 học sinh trong và ngoài huyện Hương Sơn”.

Ngôi trường mới và ông giáo già ảnh 2

Thầy Đắc chụp ảnh lưu niệm với lớp nữ sinh cuối khóa. Ảnh: HOA LAN

3. Nhưng trước đó, Thầy Đắc đã vấp phải những sự cố khó lường. Thời gian ấy, hễ nghe nói đến học sinh dân lập Sơn Bằng là dân huyện Hương Sơn hết hồn bởi nạn trộm cắp xe đạp; chèn nhau gây tai nạn trên quốc lộ 8; đặc biệt những vụ ẩu đả bằng côn, dao.

Năm 2002, trường có 14 lớp thì 13 lớp có 64 học sinh cá biệt liên tục đánh nhau, kể cả trong giờ học. Một số phụ huynh bắt đầu lo ngại, không cho con đi học, sợ mang tiếng “học sinh dân lập phá nát đất Sơn Bằng”. Lúc ấy thầy Đắc đang bị bệnh tim phải vào Viện Tim tại TPHCM mổ gấp. Trường đứng trước nguy cơ tan rã.

Nửa năm sau về lại Sơn Bằng nghe chuyện, thầy Đắc xót xa, vì “mình là thầy giáo, nhà khoa học, là hiệu trưởng mà hễ thấy mình là học sinh lảng tránh”.

Sức yếu, nhưng có trưa thầy dùng xe máy cố đuổi theo, ngăn chặn những tốp học sinh đang đánh nhau. Nhờ thế, thầy biết, chỉ vì chuyện quan hệ nam nữ không lành mạnh hoặc ghen tuông, ích kỷ kiểu “trai lớp mình giữ gái lớp mình” nên mới sinh chuyện đánh nhau từ năm này qua năm khác.

Thầy Đắc bàn với Ban Giám hiệu thực hiện kế hoạch tách lớp, nữ sinh học buổi sáng, lớp nam sinh học buổi chiều. Lớp nữ sinh xếp theo từng xóm, xã để đi về đều có nhau.

Lớp nam sinh xếp theo mức điểm tuyển sinh từ trên xuống, để học sinh nhiều địa phương khác nhau có thể học chung một lớp, nhờ thế có thể chấm dứt nạn gây bè cánh cục bộ.

Đầu năm 2003 trường bắt đầu chia lớp. Cuối năm trường chấm dứt tệ nạn trộm cắp, đánh nhau. Kế hoạch phân lớp cho học sinh theo giới tính của thầy Đắc được tập thể giáo viên đánh giá là “diệu kế” mang tính tâm lý sâu sắc. Cuối năm học 2006, chi bộ Đảng nhà trường đã hoàn tất thủ tục kết nạp ba học sinh vào Đảng.

Nhắc tới chi tiết này, thầy Đắc tự hào: “Hiện trường có 72 giáo viên. Ngoài 22 giáo viên cơ hữu, có 50 giáo viên hợp đồng. Năm nào trường cũng có nhiều học sinh thi đậu đại học.

Hiện trường có 31 em đang học đại học. Năm nay, Đặng Quốc Dũng là học sinh đầu tiên trúng tuyển vào Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)). Có 20% số học sinh tốt nghiệp đang học các trường đại học mở. Trường còn có “Phóng viên Tuổi Hồng”-Phạm Thị Hoài Thanh-danh hiệu do báo Hoa học trò tặng sau khi nữ sinh này viết nhiều bài báo xuất sắc. Năm 2003, em Phạm Thị Hoài An đoạt giải ba cuộc thi đường lên đỉnh Olympia của chương trình truyền hình VTV3". 

HOA LAN

Tin cùng chuyên mục