Nữ đội trưởng biệt động thành tuổi 17 và 8 lần được gặp Bác Hồ

Nữ đội trưởng biệt động thành tuổi 17 và 8 lần được gặp Bác Hồ

Hơn 30 năm về trước, chị là một trong những nữ chiến sĩ biệt động thành nổi tiếng từng tung lựu đạn vào đám cố vấn Mỹ giữa thanh thiên bạch nhật; người con gái một lòng kiên trung với Đảng, từng bị đóng đinh 5cm vào đầu mà vẫn không khai ra đồng đội… Chị là Trần Thị Kim Cúc, sinh năm 1945. Trong căn nhà nhỏ bé, tuềnh toàng số 159 trên con phố nhỏ Thanh Long, quận Hải Châu, TP Đà Năüng, tôi hỏi chị chuyện năm xưa, quá khứ đau thương và hào hùng ùa về, cùng đôi dòng lệ tràn dâng trong khóe mắt nhăn nheo của chị.

  • Chiến công xen lẫn đòn thù
Nữ đội trưởng biệt động thành tuổi 17 và 8 lần được gặp Bác Hồ ảnh 1

Chị Cúc cùng chồng chụp hình chung với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu do chị Cúc cung cấp).

Năm 14 tuổi, người anh cả bị giặc Pháp giết trong một trận đánh ở mặt trận Đại La. Đau thương và căm hận “giằng xé”, Cúc xin đứng vào hàng ngũ đội du kích xã để được đánh giặc trả thù cho anh.

Trận mở màn ở cầu Túy Loan (Hòa Phong, huyện Hòa Vang), để chặn bước tiến của giặc Pháp, Cúc chịu trách nhiệm kiếm dầu lửa, rơm, củi khô, mấy anh du kích trộm hắc ín của giặc. Đêm xuống, dùng bè chuối đốt cháy thả xuôi theo dòng nước để bè vướng chân cầu, gây cháy ở đồn Phú Hòa. Tiếp đó, năm 1962, chị cùng anh Phạm Nổi thành viên trong nhóm đi “xem xi nê” (xem lính Mỹ).

Biết có tốp cố vấn Mỹ đầu tiên đến Đà Nẵng để huấn luyện cho ngụy quân. 9 giờ sáng, hai anh em nấp bên vách đá gần biển Tiên Sa xem chúng huấn luyện. Thấy chúng gần quá, anh Nổi móc túi lấy hai quả M26 kêu Cúc cùng đánh. Liệng xong 2 quả đạn, hai anh em lên xe đạp chạy. Tiếng nổ vang vách núi, bọn Mỹ bị thương rống lên như bò. Dọc đường, bị quân cảnh xét dữ quá, trong người còn có khẩu Rulô, hai anh em ghé đại vào một quán mì Quảng và thảy súng vô nồi nước lèo, rồi đi tiếp.

Bà chủ quán sợ quá, mặt cắt không còn chút máu. “Lần khác, anh Phạm Nổi lại trộm được tài liệu. Tôi cùng ảnh và một người khác vô hotel Catina bên sông Hàn hội ý. Vừa gói xong tài liệu vô mảnh giấy thiếc, linh tính có bố ráp, hai ảnh nhanh chân tụt ống nước nhảy xuống tầng trệt. Tôi kẹt lại, loay hoay cố giấu tài liệu vào chỗ kín... Vậy mà lần đó thoát” - Chị Cúc nhớ lại.

Sau mấy lần tham gia đánh giặc, Cúc nhận nhiệm vụ giao liên giữa “các chú” với những cơ sở bí mật trong xã. Mấy năm hoạt động ở Hòa Vang, bị lộ, chị lánh xuống Đà Nẵng trong vai người đi ở đợ để tiếp tục hoạt động. Chính thời gian này, bằng sự khéo léo, Cúc đã vận động được hàng chục binh lính cộng hòa quay về với cách mạng và được bầu làm Đội trưởng biệt động thành ở tuổi 17.

Giờ đây, ở tuổi 62, chị không còn minh mẫn để nhớ rõ bao lần bị bắt, bị tra tấn dã man bằng chày sắt hộc máu mồm, máu mũi; phơi nắng; vứt vô hầm đất, đổ xà phòng vô miệng, dùng dây thừng câu rút lên xà nhà rồi lấy kim đâm vào lưng, vào ngực…

Nhưng chị nhớ mãi là lần kẻ thù đập vỡ bóng đèn nê-on nhét vào “cửa mình” chị để lấy lời khai… Bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, nhưng kẻ thù vẫn không “cạy” được một lời từ chị, giặc đã giở chiêu tàn độc: đóng đinh vào đầu chị. Chị kể: “Hôm đó, đánh một chặp máu me bê bết, thấy tôi vẫn trơ lỳ, mấy thằng mật thám khu 11 đem ra một cây đinh trắng chừng 5cm để trước mặt, một thằng có nước da đen thui, mắt híp như lươn, cầm cây đinh huơ trước mặt tôi và nói:

“Cái này đã vào sọ não thì sức mấy mà mày cứng…”. 

Tôi nằm im, chúng lật úp tôi lại trên chiếc ghế dài, trói chặt rồi từ từ đóng cây đinh vào đầu, cảm giác đau đớn, tê buốt tràn khắp cơ thể, mắt như bị ai lấy que hương chọc vô, tôi chết giấc, lịm đi... Những cơn động kinh dai dẳng sau này cũng bắt đầu từ đó...”.

  • 8 lần được gặp Bác Hồ

Bữa cơm chiều ngày 19-5-1966 tại Bệnh viện Việt – Xô (thời gian này chị đã được thả và cấp trên đưa chị ra Bắc dưỡng thương) qua đi nhanh chóng khi chị được thông báo: “Lát nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm!”.

Đúng 7 giờ tối, thoáng thấy dáng hai người, một người thanh mảnh có chòm râu bạc, bên cạnh là một người trẻ (sau này chị mới biết đó là chú Vũ Kỳ) hiện ra trước cửa. Thấy Người mặc bộ áo bà ba màu nâu thẫm, ở ngoài khoác chiếc áo bờ-lu trắng giản dị, bước rất nhanh vào phòng bệnh. Tôi líu lưỡi, nghẹn giọng thốt lên với chị Mười (cùng buồng bệnh): “Bác Hồ…! Chị ơi!”. Tôi muốn chạy lại ôm Bác, nhưng đôi chân cứ dính chặt vào đất… Bác vẫy tay và nói: “Hai cháu ngồi ở đó, đừng chạy ra”. Tôi cứ ngỡ mình đang mơ.

Nữ đội trưởng biệt động thành tuổi 17 và 8 lần được gặp Bác Hồ ảnh 2

Tấm ảnh Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng chị Cúc. (Ảnh tư liệu do chị Cúc cung cấp).

Bác nhìn chúng tôi trìu mến, dịu dàng vuốt nhẹ mái tóc tôi. Nước mắt cứ chảy trào ra, tôi ngồi xuống ôm Bác, ngắm nhìn Bác mãi. Bác đưa tay đặt nhẹ lên vết thương trên đỉnh đầu tôi, ân cần, lo lắng hỏi: “Đau như vậy, đêm cháu có ngủ được không? Cháu ăn có ngon miệng không?”. “Dạ, cháu chỉ ăn được chút chút”. Bác đưa tay vẫy anh Bình, Chủ nhiệm khoa lại gần, căn dặn: “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị...”.

Tôi và chị Mười nghẹn ngào, không cất nên lời. Bác lại nhìn chúng tôi trìu mến, dặn dò: “Cháu Mười ở Mỹ Tho, cháu Cúc ở Quảng Nam, mỗi cháu công tác mỗi nơi, nhưng về nằm viện phải biết đoàn kết, thương yêu và săn sóc nhau, coi nhau như ruột thịt. Các cháu phải cố gắng ăn nhiều hơn; uống thuốc, ăn cơm cần như nhiệm vụ đánh Mỹ”. Tôi nghe những lời Bác nói mà cảm động, nước mắt cứ tuôn trào. Bác lấy khăn mùi xoa, thấm nước mắt cho hai chị em. Bác động viên chúng tôi: “Bác đến thăm các cháu, bây giờ hai cháu cho Bác về chưa nào?”. Tôi và chị Mười nhìn nhau, không muốn rời xa Bác...

Thời gian ở miền Bắc và sau này sang Trung Quốc chữa bệnh, chị còn được Bác mời vào nhà sàn ăn cơm cùng Bác Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), xem văn nghệ nhiều lần. Lần thứ 8 chị được gặp Bác, sức khỏe Bác đã yếu đi nhiều. Biết chị học ở Trường bổ túc Hưng Yên đạt loại giỏi, Bác mừng lắm nhưng vẫn căn dặn chị không được học quá sức kẻo ảnh hưởng đến vết thương. Bác còn dặn chú Tô: “Sau này tôi có mệnh hệ gì không lo được cho cháu Cúc và cháu Lý (anh hùng Trần Thị Lý) thì nhờ chú chăm sóc hai cháu đến nơi đến chốn”.

Lúc đó tôi chỉ biết khóc. Đó cũng là lần cuối cùng chị được thấy Bác. Trở về trường vài tháng, chị được tin Bác mất qua Đài tiếng nói Việt Nam. Chị ngất đi không biết bao nhiêu lần trong tiếng nấc… “Bác ơi!”.

… Bây giờ, trong căn nhà nhỏ đầm ấm của mình, chị vẫn sống trọn vẹn với phẩm chất người chiến sĩ biệt động năm xưa. Niềm vui lớn nhất của chị là 2 người con trai và 1 người con gái đã trưởng thành, đều phục vụ trong quân đội. Chị vẫn răn dạy con bằng lời căn dặn của Bác năm xưa: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

HÀ MINH-ANH NGA

Tin cùng chuyên mục