Người trẻ viết tiếp ước mơ

Ngày 2-7-1972, Nguyễn Thái Bình bị sát hại trên chuyến bay từ Mỹ về Sài Gòn khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. 52 năm sau, hình ảnh và lý tưởng của người anh hùng yêu nước đã và luôn được nhiều người trẻ gìn giữ, thực hiện, với khao khát góp tiếng nói cho hòa bình khi máu nhiều nơi trên thế giới vẫn không ngừng chảy…

Tác giả và con gái Nguyễn Kỳ Nam (bìa phải) tại thư viện Trường Đại học Washington
Tác giả và con gái Nguyễn Kỳ Nam (bìa phải) tại thư viện Trường Đại học Washington

Luận án tiến sĩ về Nguyễn Thái Bình

Năm 2023, trong chuyến đi thăm Trường Đại học Washington (TP Seattle, Mỹ), gia đình tôi được Tiến sĩ Yudith Henchy (Trưởng khoa Đông Nam Á, trợ lý đặc biệt của Chủ nhiệm Thư viện, Chương trình Quốc tế giảng viên liên kết Trường Cao đẳng Jackson về nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Washington) tiếp đón nồng nhiệt. Nguyễn Kỳ Nam, con gái tôi đang học tiến sĩ sáng tác âm nhạc ở Đại học Florida State, theo làm phiên dịch cho mẹ. Chúng tôi thật xúc động khi chạm đến từng trang tư liệu về người anh hùng Nguyễn Thái Bình được thư viện Trường Đại học Washington cất giữ cẩn trọng.

Chị Yudith Henchy cẩn thận mở từng hồ sơ về Nguyễn Thái Bình. Tôi thật sự kinh ngạc vì những hình ảnh tranh đấu, sinh hoạt, bạn bè, thư từ, những bản nhạc Nguyễn Thái Bình sáng tác, giọng nói của anh trong cuộc biểu tình... được lưu trữ khá đầy đủ. Và đặc biệt, lá thư bà Lê Thị Anh, mẹ của anh, gởi Tổng thống Nixon đề ngày 17-7-1972, tức sau 15 ngày anh Nguyễn Thái Bình bị sát hại, khiến tôi không kiềm nén được nước mắt. Tôi đã từng gặp và nghe bà kể về người con trai đầy tự hào của mình “Tôi đặt tên con là Nguyễn Thái Bình, với niềm kỳ vọng con trai mình sẽ có một tấm lòng nhân hậu, một tương lai tươi sáng” nên khi anh mất, tôi hiểu nỗi đau xé lòng của người mẹ ấy…

Tiến sĩ Yudith Henchy hôm ấy đã mời thêm một số nghiên cứu sinh nghiên cứu lịch sử và từ đó tôi có dịp được gặp Gia Quân, người Mỹ gốc Việt, đang theo học Khoa Lịch sử Trường Đại học Washington. Gia Quân đang làm luận án tiến sĩ về Nguyễn Thái Bình. Được hỏi vì sao chọn đề tài này, Gia Quân bộc bạch: Em học sử, tiếp cận nhiều tài liệu lịch sử thật sự quý giá. Em kinh ngạc vì những việc anh Nguyễn Thái Bình đã làm. Em chọn đề tài này làm luận án tiến sĩ để góp thêm tiếng nói lan tỏa, giúp mọi người hiểu đúng, hiểu thêm về anh Nguyễn Thái Bình.

Tác phẩm âm nhạc từ lá thư của người mẹ

Một trong những tư liệu của Nguyễn Thái Bình được lưu trữ trong thư viện Đại học Washington gây ấn tượng mạnh mẽ với Nguyễn Kỳ Nam là lá thư của bà Lê Thị Anh gởi Tổng thống Nixon. Xúc cảm từ chuyến đi tìm dấu chân Nguyễn Thái Bình ở Đại học Washington đã thôi thúc Kỳ Nam sáng tác một tác phẩm âm nhạc về người anh hùng.

Kỳ Nam chia sẻ trong đề dẫn giới thiệu tác phẩm: “...Cái chết bi thảm của Nguyễn Thái Bình đã châm ngòi cho ngọn lửa đau khổ bùng cháy trong nhiều người yêu chuộng hòa bình ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không ai đau lòng hơn người mẹ của ông… Lời hát trong tác phẩm này là toàn bộ bức thư của Lê Thị Anh và tôi đã tạo ra nhiều âm thanh khác nhau để diễn tả nỗi đau mất mát của một người mẹ và sự theo đuổi kiên trì, quyết liệt của bà đối với sự thật và công lý. Đối với tôi, tác phẩm này là một bước đệm để hoàn thành một mục tiêu lớn hơn trong tương lai: sáng tác một tác phẩm opera - Tên anh có nghĩa là Hòa Bình. Tôi hình dung tác phẩm này sẽ vinh danh cuộc đời và di sản của Nguyễn Thái Bình, một biểu tượng ủng hộ hòa bình của sinh viên Việt Nam và châu Á tại Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm này sẽ không chỉ đại diện cho một ký ức về quá khứ mà còn là một sự cống hiến cho những người đang tiếp tục đánh đổi mạng sống của họ cho hòa bình ngay cả trong thế giới hiện tại của chúng ta…”.

Tác phẩm âm nhạc này được biểu diễn tại Trường Đại học Florida States vào tháng 11-2023 và được đón nhận nồng nhiệt. Gia Quân và Kỳ Nam vẫn miệt mài với những công việc lan tỏa câu chuyện Nguyễn Thái Bình. Theo yêu cầu của Đại học Washington, Kỳ Nam dịch phim tài liệu Việt Nam đất nước tôi của đạo diễn Nguyễn Hoàng sang tiếng Anh, sẽ thay mặt ba (đạo diễn Nguyễn Hoàng) giới thiệu bộ phim được sản xuất năm 2010 tại hội thảo Nguyễn Thái Bình vào tháng 4-2024 tại Trường Đại học Washington. Sau đó, Kỳ Nam sẽ giới thiệu tác phẩm âm nhạc Lá thư người mẹ Việt Nam gởi Tổng thống Nixon tại Lễ hội Âm nhạc, âm thanh ở Seattle cũng vào cuối tháng 4-2024.

Gia Quân đang gấp rút hoàn tất luận án tiến sĩ của mình về Nguyễn Thái Bình và bận rộn với những kết nối cho ngày hội thảo Nguyễn Thái Bình. Những người trẻ gặp nhau, nắm tay nhau với nỗ lực lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam ra thế giới…

Nguyễn Thái Bình sinh ngày 14-1-1948 tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Sau khi học xong tiểu học tại Cần Giuộc, Nguyễn Thái Bình theo học tại Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Tháng 3-1968, Nguyễn Thái Bình được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp học bổng du học ở Mỹ. Anh theo học tại Trường Đại học cộng đồng ở Fresno, California một năm rồi chuyển đến Trường Đại học Washington.

^5B.jpg
Nguyễn Thái Bình trong cuộc biểu tình phản chiến ở nước Mỹ. Ảnh: TL

Trong thời gian học tập tại Mỹ, anh đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, đã tham gia hoặc trực tiếp tổ chức hàng chục sự kiện phản chiến khác nhau tại Mỹ. Tại buổi lễ trao học vị của mình, Nguyễn Thái Bình đã tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Trước khi về nước, Nguyễn Thái Bình đã viết 2 lá thư ngỏ gửi cho “Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới” và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon, chỉ trích cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Ngày 2-7-1972, trên chuyến bay trở về Việt Nam, Nguyễn Thái Bình đã bị một cảnh sát Mỹ bắn chết khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Cái chết của Nguyễn Thái Bình đã kích thích mạnh mẽ phong trào đấu tranh phản chiến, đòi hòa bình của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Thái Bình được công nhận liệt sĩ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở Việt Nam, nhiều thành phố có đường mang tên Nguyễn Thái Bình, nhiều trường học mang tên anh. Từ năm học 1990-1991, khởi nguồn với 40 suất nhỏ nhoi, đến nay Học bổng Nguyễn Thái Bình đã trở thành một quỹ học bổng quy mô lớn, nằm trong Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ do Trung ương Đoàn điều hành, trợ giúp mỗi năm cho hàng trăm sinh viên nghèo vượt khó, hiếu học trên cả nước. Học bổng Nguyễn Thái Bình còn mang ý nghĩa như cầu nối ước mơ, truyền động lực, kết nối nhiều thế hệ trẻ vượt qua khó khăn, thách thức, sống xứng đáng với hy sinh, dâng hiến của lớp người đi trước cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục