Võ Thị Hồng Giác

Với tuổi xuân dũng cảm kiên cường

Với tuổi xuân dũng cảm kiên cường

Ở tuổi 77, bà Võ Thị Hồng Giác, một trong những phụ nữ bất khuất, kiên cường của phong trào cách mạng Phú Yên, không còn nhớ nổi đã bị bắt bớ, tù đày bao nhiêu lần trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà hoạt động trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ và là đầu mối quan trọng của Tỉnh ủy Phú Yên, là cơ sở của cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Bà đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

  • Hai câu chuyện không bao giờ quên

Với tuổi xuân dũng cảm kiên cường ảnh 1
Bà Võ Thị Hồng Giác đang chăm sóc cây kiểng.

Lần tổ chức giải thoát cho Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài và luật sư Nguyễn Hữu Thọ bất thành là hai câu chuyện mà bà Giác không thể nào quên. Bà kể rạch ròi từng chi tiết: Vào lúc 0 giờ ngày 21-1-1956, kế hoạch giải thoát Bí thư Lê Đài đâu đó đã sẵn sàng. Khi hành động, ta bất thần nhận ra chúng đưa người giả đóng vai Lê Đài. Sự việc bại lộ, bà Giác cùng một số đồng chí bị chúng giam ở Ty Công an và bị đánh đập suốt ba tháng ròng.

Ban ngày chúng nhốt họ vào phòng biệt giam tối như bưng. Đợi sau 1 giờ khuya chúng mới lần lượt đưa từng người đến phòng tra tấn. Từ trong bóng tối ra gặp ánh đèn mấy ngàn oát, ai nấy đều bị choáng. Ngay sau đó, họ bị đánh bằng cùi chỏ, đầu gối, cây sắt, roi gân bò, cho uống nước xà phòng, trói giật cánh khuỷu, dí điện vào chỗ kín…

Tên này tra tấn mỏi tay, tên khác thay vào, thậm chí chúng còn “tra tấn hội đồng” (nhiều tên đánh một người). Người này chết giấc, chúng cho khiêng về biệt phòng rồi đưa người khác đến tra tiếp.

Mắt bà Giác sáng lên: “Chúng tôi vẫn một lòng một dạ không khai báo gì. Do không khai mà chúng tôi nhận đủ những trận đòn tàn bạo”. Ông Lê Văn Thống, cán bộ mặt trận phường 4 (TP Tuy Hòa), bạn tù với bà Giác ngày ấy, kể lại: “Mấy lần được khiêng về phòng, chị Giác chỉ còn thoi thóp thở. Chúng tôi lau sạch máu trên người rồi xoa dầu cho chị”.

Chuyển sang nhà lao Ngọc Lãng, bà Giác và các đồng chí vẫn bị bọn thẩm vấn bên Ty Công an sang đánh hàng ngày. Hết bị cùm thì bị xiềng chung hai người lại với nhau. Đấu tranh không chào cờ là bị đánh, bị phơi nắng giữa sân đến ngất xỉu.

Đấu tranh không học tập, lại bị đánh, bị cắt khẩu phần ăn, nước uống… Dùng mọi thủ đoạn vẫn không moi được tin tức gì, bọn địch lắc đầu ngao ngán: “Gan con cộng sản này to như núi…”. Cuối cùng địch buộc phải thả bà ra bởi không khuất phục nổi ý chí quyết tâm bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng đến cùng của bà.

Ánh mắt nhìn xa xăm, bà Giác nhớ lại lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Đó là một ngày tháng 9-1960, bà mặc bộ áo dài trắng thướt tha và đến nhà ông Nguyễn Sự ở thị xã Tuy Hòa đúng vào lúc 5 giờ chiều như đã hẹn.

Tại đây, bà gặp bà Phan Thị Bỉnh (tức Thừa Hoàng) để trao đổi đôi điều rồi mới được gặp luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bà biết mình đang làm nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã đề ra là: giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Sau khi trao đổi, luật sư đồng ý ra cùng với hai ông Thảo và Dưỡng.

Theo kế hoạch, bà Giác ngồi trong nhà đợi người mang xe đạp đến để đưa luật sư đi. Quá giờ hẹn đã lâu mà chẳng thấy người mang xe đến, bà Giác biết có điều chẳng lành và tức tốc tìm cách liên lạc để thỉnh thị ý kiến cấp trên. Lên đến Phước Khánh (Hòa Trị), bà Giác bị bắt.

  • Không khuất phục trước đòn thù

Bị tra tấn dã man, bà Giác không hề nao núng tinh thần nhưng vô cùng lo lắng vì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chúng đánh 2 - 3 ngày liền, da thịt bà sưng phồng lên rồi nứt lở toàn thân bê bết máu lẫn phân, nước tiểu… Nửa tỉnh nửa mê, nghe chúng bảo sẽ cho gặp và đối chất với ông Thọ, bà hoang mang, lòng lo lắng nặng nề.

Bà nghĩ, vậy là luật sư đã bị bắt. Bà cảm thấy mình có tội với Đảng và nguyện rằng thà chết chứ nhất quyết không khai! Khi chúng đưa người ra, bà Giác nhẹ nhõm vì nhận ra đó không phải là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Hóa ra, lúc bà Giác ngồi đợi người mang xe đến, ông Lê Văn Thọ, thợ sửa đồng hồ, cầm tờ báo Tiến Thủ vào nói với bà: “Báo đăng tin Mỹ chết nhiều quá!”.

Lúc này, bên ngoài có người theo dõi và chụp hình bà cùng ông Thọ đang trò chuyện. Người sửa đồng hồ ấy vừa ra khỏi nhà bà thì bị bắt nhưng bà Giác không hề hay biết. Trước đó, hai ông Phạm Trạch và Lê Trử đi mua xe đạp cũng bị lộ và bị bắt. Bị đòn đau, hai ông đã khai, mua xe đưa bà Giác để chở ông Thọ đi nhưng họ chẳng biết mặt mũi ông Thọ ra sao. Bà Giác nói: “Khi biết luật sư chưa bị bắt, mình khỏe ra, mừng không sao tả xiết”.

Một mực không khai, bà Giác càng bị tra tấn dã man hơn với đủ các đòn như quay điện vào tai, ngực; dùng kim bạc đâm thủng các đầu ngón tay… Bà bị chúng treo ngược lên, đầu tóc quết đất rồi bị trói chặt vào băng dài, đắp khăn trên mặt và tra nước xà phòng. Bị chúng đánh chết đi sống lại nhiều lần nhưng trước sau như một, bà không hé nửa lời.

Khi tỉnh dậy, bà Giác thấy mình trần truồng, người bám đầy cát và nằm cạnh giếng nước. Lúc ấy chừng 4 – 5 giờ sáng. Chúng lôi bà vào và lại tiếp tục tra tấn. Bà đứng trên bàn không vững, chúng bèn cột dây dừa vào hai nách rồi treo bà Giác lên trần nhà, bốn thằng không còn tính người ấy xúm vào đánh bà tơi bời từ 4 giờ chiều cho đến tối. Chúng đói, ăn cơm rồi quay lại tra khảo tiếp nhưng cũng vô ích. Vì thế luật sư vẫn an toàn và ngày 29-9-1961, ông đã được giải thoát.

Thời gian này, bà Giác vẫn bị kẻ thù giam cầm tại thị xã Tuy Hòa. Hơn một năm sau, bà bị chuyển vô Chí Hòa. Với án 3 năm, bà trải qua cảnh địa ngục trần gian của lũ hung thần. Năm 1963, bà Giác được thả ra và hoạt động trở lại. Năm 1966, bà lại bị bắt đến 1968. Khi địch trả tự do, bà vẫn tiếp tục hoạt động.

Cứ như thân thể bà sinh ra là dễ chịu những trận đòn dã man, kinh khủng. Hình như không còn một hình thức tra tấn nào mà bà Giác chưa nếm trải. Kinh ngạc thay sự chịu đựng và lòng gan dạ của một phụ nữ!

Bà Giác tâm sự: “Những lúc đó, cứ nghĩ rằng mình sẽ không sống nổi vì chúng tàn bạo quá. Chỉ cần mình khai ra thì được chúng tha ngay nhưng không bao giờ mình nghĩ đến điều đó. Bởi mình quá căm thù bọn giặc nên thà chết chứ không bao giờ phản bội Đảng, phản bội niềm tin của nhân dân. Thâm tâm mình luôn mong đất nước thống nhất, nhân dân thoát khổ và hai anh trai cùng đứa cháu đi tập kết sẽ về với gia đình. Cứ nghĩ đến điều đó là mình bất chấp hy sinh, gian khổ”.

Tham gia Đội Thiếu nữ Tiền phong từ tuổi 16, sau đó hoạt động trong phong trào nữ thanh niên, phụ nữ cứu quốc…, bà Võ Thị Hồng Giác từng là nữ du kích dũng cảm, sau đó bà phục vụ thương bệnh binh khi mặt trận Củng Sơn, Núi Hiềm vỡ…

Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, bà bị địch bắt giam nhiều lần và oằn mình gánh chịu những trận đòn thù tưởng như không thể vượt qua để sống sót cho đến ngày toàn thắng. Ông Lê Văn Thống kể về bà với sự khâm phục: “Ở trong tù, chị Giác luôn gần gũi động viên chị em giữ vững khí tiết cách mạng, một lòng kiên trung không đầu hàng giặc. Chị chăm sóc những người điên do bị tra tấn. Chị còn nuôi các nữ tù nhân khi họ sinh nở, trong khi chị bị bại đôi chân và tay không cầm được muỗng xúc cơm”.

Nhà bà ngày xưa là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn cách mạng, chuẩn bị thuốc men để tiếp tế lên căn cứ; là điểm liên lạc, che giấu cán bộ giữa điệp trùng bọn công an, mật vụ. Vậy mà bà vẫn che mặt được chúng.

***

Quê hương giải phóng, dù đau bệnh, bà Giác vẫn tham gia Ủy ban quân quản thị xã Tuy Hòa, rồi làm ủy viên UBND thị xã, phụ trách Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội. Những trận đòn roi của kẻ thù ngày nào làm sức khỏe bà suy yếu, đành phải nghỉ mất sức từ năm 1983. Thời gian còn công tác, bà rất quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ và cả đối tượng chính sách xã hội.

Trong ngôi nhà cũ dưới chân núi Nhạn, có người phụ nữ chưa một lần mặc áo cô dâu, chưa một lần làm mẹ. Đó là bà Võ Thị Hồng Giác – người phụ nữ gắn với nhiều chiến công như huyền thoại trong lòng TP Tuy Hòa. Đời bà là một khối lòng son trong bão táp và trong trẻo như pha lê trong cuộc sống đời thường, không hề tơ tưởng đến một chút quyền lợi nào cho riêng mình. 

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục