Triệu phú nông dân ở vùng căn cứ cũ

Triệu phú nông dân ở vùng căn cứ cũ

1- Anh nông dân Lê Trung Hiền mà bà con trong vùng trấp Rùng Rình quen gọi thân mật là Hai Hiền, lái chiếc máy cày chở tôi chạy vòng vòng trên những con bờ dọc ngang trong khu trang trại rộng 16ha.

Triệu phú nông dân ở vùng căn cứ cũ ảnh 1
Một góc trung tâm xã kinh tế mới Thuận Bình (Thạnh Hóa, Long An) bên bờ kinh Ma-reng.

Anh dừng máy ở lô trồng xoài trên những liếp đất cao, ngay hàng thẳng lối, trĩu từng chùm trái sắp chín. Giữa hai liếp xoài là ao cá. Hai Hiền mở thùng, xúc thức ăn rải xuống một ao. Cá rô, cá diêu hồng dày đặc ào tới tranh ăn.

Anh nói: “Chỉ cá thôi, mỗi năm tui thu chừng vài chục tấn. Bây giờ đất này mần gì cũng có ăn, chớ hổng phải bầm dập như những năm đầu mới khai khẩn”.

2- Tôi quen Hai Hiền từ mười mấy năm về trước. Dạo ấy trang trại chưa thành hình, còn nhiều đất hoang. Anh tiếp tôi trên chiếc máy cày và bảo, từ khi sắm được cái máy này, hễ hết công việc của đơn vị là anh ra lái máy nhà, hì hục vỡ đất đến tối mịt.

Đây là vùng đất trong khu kinh tế mới. Bà con từ Bến Tre, Tiền Giang và từ Hà Sơn Bình đến sinh cơ lập nghiệp, trong đó có mấy chục hộ người dân tộc Nùng. Họ chưa quen trồng lúa nước, lại gặp đất phèn làm không ra lúa ăn, thêm lạ phong thổ và tập quán, nên chẳng bao lâu họ đã bỏ đất đi các tỉnh Tây Nguyên hết.

Hai Hiền ra xã, lên huyện xin mở thêm phần đất hoang hóa họ bỏ lại, đưa vào trang trại của mình. Từ đó, anh ở miết ngoài đồng, ăn uống, ngủ nghỉ ngay trên máy cày. Phải cày vỡ hoang, cày trục, làm hệ thống kinh mương, đê bao, tưới tiêu xả phèn, qua ba, bốn năm cải tạo liên tục, thất cái này làm cái khác, dần dần mới gây được màu xanh cho lúa và cây trái. Ao cũng vậy, phải thau chua khử phèn qua nhiều năm mới nuôi được cá.

Hai Hiền có một dây ruộng gồm 6 mẫu đất trồng lúa trong khu trang trại, xung quanh anh móc đất làm bờ bao, tạo thành ao sâu. Mùa nước nổi, anh xả cống cho cá đồng tràn vào. Qua vụ đông-xuân, bít cống giữ cá lại trên ruộng lúa. Tới vụ hè-thu, mặt ruộng khô dần, cá rút xuống ao. Chỉ riêng nguồn cá thiên nhiên ban phát này, mỗi năm cũng cho anh một lượng cá đen rất lớn mà chẳng phải tốn công tốn của gì nhiều.

3- Trong một đêm trăng sáng trên dòng kinh Ma-reng băng qua vùng trấp Rùng Rình, Hai Hiền vừa bơi xuồng vừa trò chuyện với tôi. Anh tâm sự: “Tui sanh ra dưới hầm trú ẩn, trong vùng bưng kháng chiến trấp Rùng Rình. Tui lớn lên cũng dưới hầm trú ẩn, từ trấp Rùng Rình đến Mỏ Vẹt, Ba Thu. Ba tui hy sinh trong một trận đánh Mỹ khi tui còn nhỏ. Mấy năm sau, má tui đi bước nữa với người bạn chiến đấu của ba tui, đang là cán bộ chỉ huy trong quân đội. Tui kêu bố dượng bằng tía. Tía thương tui như con đẻ.

Quãng năm sáu lăm, sáu sáu, có một anh sinh viên sĩ quan Đà Lạt trốn vào bưng xin gia nhập lực lượng cách mạng. Sau một thời gian thử thách, thấy anh có lý tưởng cách mạng, lại giỏi chữ nghĩa nên tía tui bố trí làm thư ký. Tui với anh ở chung một căn hầm. Nhờ anh mà tui thoát nạn mù chữ. Hễ rảnh là anh dạy tui học. Nhưng chỉ được vài năm là anh xin ra chiến đấu cho bằng được. Anh ra đơn vị pháo binh. Đêm đó, ta và địch đụng độ ác liệt. Và anh đã hy sinh ngay dưới khẩu pháo của mình”.

Rồi Hai Hiền kể tiếp: Năm 1985, tỉnh Long An thành lập các đơn vị bộ đội kinh tế “tiến quân lấp kín Đồng Tháp Mười”, anh được về công tác ở Đoàn Đồng Tháp 4 và được cho đi học lái máy cày. Sau khóa học, anh được bố trí làm tổ trưởng dẫn tổ máy cày đầu tiên tiến quân vào khu vực căn cứ kháng chiến cũ trấp Rùng Rình.

Đơn vị Hai Hiền được tỉnh giao khai hoang gần 2.000ha đất để thành lập xã kinh tế mới Tân Hiệp (sau này tách thành 2 xã Thuận Bình và Tân Hiệp, thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).

Anh kể: "Tụi tui khai hoang, cất nhà tới đâu, giao cho dân kinh tế mới tới đó. Sà lan gỗ chở máy cày vào giữa rừng cỏ mịt mùng rồi mạnh ai nấy cày từ sáng tới chiều. Tôm cá, rắn rùa, chim chuột đủ thứ lền khên dưới cỏ, bánh xích máy cày cán phải. Sau buổi cày, mình xách thùng đi thu lượm “chiến lợi phẩm”, đốt cỏ lên nướng rồi chấm muối mà ăn. Ngày nào cũng y như vậy. Có khi máy cày cán phải trái nổ, làm mình đổ máu, phải đi bệnh viện. Hồi đó, đâu có đường sá gì, cứ nhắm hướng mặt trời, lội nước mà đi. Đi cả buổi mới tới chỗ đón xe đò".

4- Hai Hiền cùng đi với tôi trên chiếc Honda băng qua những con đê trải sỏi đỏ làm đường giao thông liên xóm ấp. Thuận Bình và Tân Hiệp ngày nay đã phủ xanh đồng lúa, cây trái, rừng tràm. Hình như nhà nào cũng có vườn cây, ao cá. Bò, dê ăn rong từng bầy trên những bờ đê đầy cỏ và cây so đũa. Những ngôi trường đỏ ngời mái ngói.

Triệu phú nông dân ở vùng căn cứ cũ ảnh 2
Triệu phú nông dân Lê Trung Hiền trong trang trại của mình.

Hai Hiền bảo, bà con đi kinh tế mới phải trải qua những năm đầu sống rất cơ cực, con cái chưa có chỗ học hành. Mấy năm sau mới có đường đi, có trường học, các cháu đã lớn xụ mới vào học cấp 1, rồi cấp 2. Nay có nhiều cháu đã lên trường huyện học cấp 3, đi thành phố học đại học.

Rồi Hai Hiền bảo, bây giờ nhìn đâu cũng đẹp mắt, chớ hồi tụi anh mới đến khai hoang, nhìn đâu cũng đầy dấu bom đạn và cỏ lút đầu. Chỗ kế bến xe bây giờ, hồi đó là cái rún trấp Rùng Rình, cỏ phủ từng dề kín mặt nước, bước lên cỏ lắc lư rùng rình mà không chìm.

Nghe Hai Hiền nói, tôi thật khó hình dung nổi. Bởi trước mắt tôi, từ bến xe trải dọc theo bờ kinh Ma-reng là khu chợ Thuận Bình, nhà cửa, hàng quán nối nhau từng dãy dài. Cảnh “trên bến dưới thuyền” diễn ra từ sớm đến tối. Căn nhà Hai Hiền hai tầng lầu, đẹp nhất nhì trong khu chợ, có cửa hàng bách hóa tổng hợp như ở đô thị, do vợ anh trông coi. Sang bên này cầu Ma-reng là cụm dân cư vượt lũ của trung tâm xã Tân Hiệp với những nhà ngói, nhà tôn mới cất từng dãy dài bên bờ kinh. Trang trại Hai Hiền nằm gần cụm dân cư này.

5- Hai Hiền nói với tôi: “Trang trại tui quy mô chỉ nhiêu đây là vừa. Ăn thua mình biết khai thác, tận dụng từng rẻo đất sao cho có hiệu quả. Những chỗ đất trống nhỏ xíu tui cũng cắm được cây khoai mì, dây khoai lang để lấy củ xay ra, trộn với thức ăn cho cá. Hai bên bờ bao tui trồng cây so đũa Thái Lan, vừa lấy bông bán, vừa tỉa nhánh cho dê ăn. Các bờ ao tui trồng cỏ để nuôi đàn bò sữa. Dưới mỗi lùm chuối tui trồng tre mạnh tông. Sau ba năm, đốn bỏ chuối thì mình cũng bắt đầu thu hoạch măng. Đất tui quy hoạch lô nào ra lô ấy. Cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày”.

Có nhiều người nói rằng Hai Hiền từ tay trắng tạo nên tài sản bạc tỷ trên vùng đất căn cứ cũ trấp Rùng Rình, thật ra là do anh biết “năng nhặt chặt bị”, chịu thương chịu khó “lăn lộn” với đất và khi đất “đẻ” ra được tiền, anh dùng đồng tiền ấy mua bán vật tư, nông sản, phân bón, thuốc trừ sâu, sắm máy cày, máy ủi, xáng cạp để lãnh làm đất, làm đê bao, làm đường giao thông nông thôn.

Tuy là triệu phú, anh vẫn cần cù như một nông dân tay lấm chân bùn. Tôi nắm bàn tay thô ráp của anh và hỏi: “Bí quyết nào giúp anh vượt qua số phận nghèo khó?”. “Tui hổng có bí quyết nào hết, chỉ biết chí thú làm ăn, làm riết là thành công; rồi mình cũng lấy kinh nghiệm chỉ cho những nông dân khác, giúp được gì cho đời, cứ giúp. Khà khà” - Hai Hiền nói rồi cười thật hồn nhiên. 

Ký của QUANG HẢO 

Tin cùng chuyên mục