Ngồi lại với nhau, sẽ ra lời đáp!

MAI LAN
Ngồi lại với nhau, sẽ ra lời đáp!

Bây giờ thì ông đã bước qua bên kia đỉnh của cuộc đời! Song, những trải nghiệm mà ông – Giáo sư, Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn – cảm nhận được bằng cả chiều dài của sự nghiệp khoa học lại vô cùng quý báu. Điều gì đã giúp ông dù hoàn cảnh nào cũng thực hiện được ước vọng khoa học của mình? – “Tôi luôn tự hỏi: mình làm được gì cho đất nước, trước khi đòi hỏi đất nước làm gì cho mình!”, ông đã nói với tôi như thế.

Ngồi lại với nhau, sẽ ra lời đáp! ảnh 1
GS,TS Chu Phạm Ngọc Sơn phân tích mẫu thực phẩm trên máy sắc ký lỏng ghép khối phổ.

Vẫn cái chất giọng Nam bộ chất phác, ông nói: “Phần tôi, giờ thì mình tự sử dụng mình thôi, cô à. Mình ráng làm thế nào đó để có ích cho xã hội”. Câu trả lời nhẹ tênh, nghe đến nao lòng! Dường như có nỗi buồn trong đó, phải không ông? Tôi hỏi. Ông cười lớn: làm khoa học với cơ chế hiện nay, đôi khi niềm vui ít, mà nỗi buồn nhiều, là lẽ đương nhiên.

Tôi kể với ông rằng, trên nhiều diễn đàn của giới trí thức, tôi luôn nghe thấy những nỗi trăn trở qua câu hỏi: các nhà khoa học trong nước đã được Nhà nước trọng dụng và sử dụng hết chưa? Và rồi, tôi tin cậy ở ông câu trả lời thỏa đáng. Bởi dù sao, ông cũng là một nhà khoa học đã sống qua nhiều thời kỳ của đất nước, mà nay ở vào tuổi 71, ông vẫn tiếp tục làm khoa học một cách miệt mài.

1. GS,TS Chu Phạm Ngọc Sơn tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa tại Mỹ năm 1962, sau đó ông về công tác tại Đại học Khoa học Sài Gòn. - Vâng, nhưng sau 1975, ông là một trong những nhà khoa học được Chính phủ cách mạng rất tin dùng. Điều này do sự nổi tiếng vốn sẵn có, hay do sự năng động của ông mà buộc mọi người phải thừa nhận?

- Chắc có lẽ do cả hai. Những ngày đầu, cũng khó khăn lắm, không dễ dàng gì đối với tôi. Vì, còn những suy nghĩ: Tại sao tôi lại không ra đi như những GS khác. Thậm chí, tôi làm ở phòng thí nghiệm đến khuya, có quân quản trông chừng! Nhưng, lòng say mê nghiên cứu khiến tôi không quan tâm đến những hoàn cảnh như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng, một khi quyết định ở lại thì cố gắng làm cái gì đó cho đất nước mình.

Thoáng tư lự, ông nói mà cứ như nhủ lòng: Thật sự ra, người chinh phục tôi lúc đó chính là anh Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Ảnh chẳng biết gì tôi, tôi cũng chẳng biết gì về ảnh, thậm chí nhìn ảnh còn sợ nữa chứ (cười to)! Vậy mà, nghe nói có một tốp thầy cô giáo ngày đi tìm đá vôi, tối làm phòng thí nghiệm đến khuya, anh Sáu liền ra vườn chặt quầy chuối gửi cho chúng tôi. Nhiêu đó thôi cũng làm tôi cảm động.

Sau này mối thâm giao đậm đà hơn, những chuyện gia đình riêng của tôi, anh Sáu Dân cũng giúp đỡ. Tôi vẫn thường nói, lúc đó tôi không biết nhà nước cách mạng thế nào, nhưng rõ ràng tôi nhìn thấy ở anh Sáu một cái gì rất thân thiện, trong sáng. Có thể tôi gặp duyên may chăng!

Rồi những ngày ông và tiến sĩ Trần Kim Thạch cùng với bộ đội bên Quân khu 7 đi tìm đá vôi. Lúc đó tình hình miền Nam chưa yên lắm, chuyện đi lại còn khó khăn và nguy hiểm. Có những lúc ông chứng kiến chiếc máy cày đi trước nổ tung vì vướng mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Thế là để bảo vệ sự an toàn cho các nhà khoa học, bộ đội đi trước dò mìn, ông và nhóm nghiên cứu bước lần theo sau. Ký ức của những ngày gian khổ ấy, theo ông - khó mà quên cho được! Và nó cho ông hiểu ra một chân lý: “Hãy biết mở rộng lòng mình, sẽ có lúc nhận được những lời đáp đầy bất ngờ!”.

2. Nói lên nỗi băn khoăn của mình giữa “nỗi buồn” và “nụ cười” của ông, khi đề cập đến chuyện nghiên cứu khoa học, tôi hỏi: Phải chăng đó là nụ cười mang vị đắng? Ông trả lời:

- “Tôi làm khoa học, cái gì cũng phải đàng hoàng, nghiêm túc. Nhưng trong hoàn cảnh, cơ chế tài chánh hiện nay, bắt buộc người làm khoa học khi quyết toán đề tài là phải nói láo. Nhiều nói láo và bịa quá. Tại sao tôi phải nói láo để được hưởng cái phần lẽ ra tôi phải được hưởng? Cái cơ chế quản lý khoa học, biết chắc rằng nhà khoa học phải nói láo, vậy mà vẫn cứ tồn tại. Phải chăng vô hình trung, đó là coi nhẹ khoa học và không coi trọng người làm khoa học?

Dù khởi đầu cuộc trò chuyện, ông luôn than - thôi nói mãi mà có sửa đâu! Nhưng, khi đi sâu vào vấn đề cơ chế, nỗi bức xúc trong ông lại có dịp tuôn ra: “Không chỉ chuyện tiền bạc đâu, còn nhiều chuyện trong quản lý khoa học khiến tôi cảm thấy mình bị đụng chạm”.

Và ông kể: “Hiện nay, một thầy giáo hướng dẫn nghiên cứu sinh lại không được ở trong hội đồng khi trò của mình bảo vệ đề tài, phải ở bên lề, ai hỏi mình thì hỏi, ai không hỏi thì thôi. Xem ra có vẻ vô tư, nhưng đối với thầy hướng dẫn thì đó là sự không tin tưởng. Bất quá, ông thầy có vô hội đồng thì cũng chỉ có một phiếu, làm sao khống chế được cả hội đồng!? Hay là chuyện sau khi bảo vệ luận văn ở cơ sở rồi, ra tới Bộ còn phải phản biện kín. Thật chua xót, khi lãnh đạo Bộ không tin cả tập thể người thầy và cả hiệu trưởng đại học – người được Bộ chỉ định. Thật ra có kín gì đâu, nó hở tùm lum cả! Nhiều khi phải “cơm ghe bè bạn” này kia để… giải quyết!

Chưa hết đâu, lúc tôi còn làm Giám đốc Trung tâm Phân tích và Thí nghiệm TPHCM, tôi có nói với nhiều thầy ở các trường đại học cứ gửi người qua, trung tâm sẽ đào tạo miễn phí nhưng rồi cũng không có nhiều người được gửi qua. Tôi thật không rõ hết tất cả những lý do, nhưng phải chăng có một lý do là giải quyết được một phần cho thầy tiêu chuẩn: hướng dẫn bao nhiêu người, bao nhiêu bài báo… để được phong giáo sư, phó giáo sư… Nếu là như thế thì rất dễ thông cảm nhưng cũng chính vì cái thông cảm ấy, mà thấy buồn buồn vì điều ấy ảnh hưởng rất lớn đến việc hợp tác trong nghiên cứu mà vào thời điểm này chỉ có như vậy mới tạo được những chuyển biến lớn về khoa học và công nghệ trong phục vụ đất nước. Mãi đến nay vẫn chưa có những chế định ràng buộc hợp tác giữa trường đại học và viện nghiên cứu mà tôi cho là tối cần thiết để sử dụng hết chất xám và phương tiện của nhau.

Nói vậy, rồi ông lại chép miệng: thôi, nhiều chuyện lắm, nói mãi mà có sửa đâu!

3. Không đến nỗi ảo tưởng, song trong tâm khảm mỗi người dân TPHCM đều hiểu rằng, lực lượng trí thức, khoa học của thành phố này không hề nhỏ và cũng không hề dở. Thế nhưng, vì sao dấu ấn của họ trên con đường phát triển của thành phố lại không tương xứng? Nguyên nhân vướng mắc chỗ nào? Chia sẻ cùng tôi ý nghĩ này, ông đáp:

- “Thành phố này rất năng động, đã và đang đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học, thế mà bây giờ nhìn lại kết quả vẫn chưa được như mong muốn, cả về phía lãnh đạo cũng như về phía anh chị em trí thức. Buồn chứ! Hình như hai bên chưa đủ độ tin cậy lẫn nhau”.

Nên mới có chuyện: trong vấn đề nước bẩn của thành phố chẳng hạn - Các nhà khoa học ta cứ nói, cứ làm, còn để chắc ăn thì thành phố mời mấy nhà khoa học Pháp qua giải quyết. Thực ra những nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã bước đầu xác định khá rõ vi khuẩn sắt và mangan là nguyên nhân của nước bị nhiễm bẩn rồi.

Vâng, tôi cũng nghĩ như ông. Chính vì “thiếu hiểu biết chung” giữa nhà khoa học và nhà quản lý, mà mọi sự đầu tư vào nghiên cứu khoa học cũng như một số chương trình phát triển của thành phố khá tốn kém, nhưng hiệu quả mang lại đang tiếp tục gây nhiều bàn cãi trong giới trí thức, khoa học.

Không chỉ riêng ông, mà rất nhiều nhà khoa học đã đặt vấn đề: Lúc nào chúng ta cũng hô hào chung chung là đi vào công nghệ cao. Rồi nào là công nghệ vật liệu mới, rồi công nghệ sinh học, tự động hóa… Nhưng, cụ thể trong tình hình đất nước mình hiện nay, cái gì là công nghệ cao? Cái gì là vật liệu mới? Cái gì của công nghệ sinh học mà mình có thể làm?... Tất cả hình chưa có câu trả lời thỏa đáng.

- Đâu là “slogan” của ông để giải quyết vấn đề?

- Đơn giản là “Hãy thực lòng ngồi lại với nhau vì đất nước này”. Các nhà khoa học và nhà lãnh đạo các cấp ngành phải ngồi lại với nhau. Đặt hết lên bàn, nói thẳng với nhau: đây, thành phố đang khó khăn thế này, cần đi lên thế này, để cùng nhau bàn bạc, vạch cho được hướng ra cụ thể, cũng như bước đi của từng giai đoạn. Có thế, các nhà khoa học mới biết mình phải tập trung nghiên cứu những nội dung gì mà thành phố đang nhắm vào. Trên cơ sở đó, những đồng tiền nghiên cứu khoa học, nên được sử dụng tập trung vào một số đề tài có tầm cỡ lớn, có thể tạo ra những “cú đấm”, tạo bước ngoặt cho phát triển thành phố. Còn những chuyện cần nghiên cứu ứng dụng nhỏ hơn cho sản xuất, thì các đơn vị sản xuất phải bỏ tiền vào. Có vậy, giữa khoa học và sản xuất mới tiếp cận nhau hơn, hiểu nhau hơn thì đề tài nghiên cứu khoa học mới sát sườn với cuộc sống, và sẽ tạo ra sản phẩm hiện thực hơn. Mặt khác, chính mối hợp tác gắn bó này sẽ tạo ra kinh phí nghiên cứu khoa học, điều mà Nhà nước không thể nào ôm xuể.


Bây giờ nghỉ hưu, ông đã ra làm tư nhưng vẫn tiếp tục công việc làm trước đây, tương đối không còn bị ràng buộc bởi những cơ chế “khắc nghiệt và phương thức quản lý khoa học chưa thật hợp lý” – ông nói với vẻ khá thoải mái: “Làm cố vấn chuyên môn ở Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký, tôi cảm thấy thơi thới hơn nhiều lắm”.

Ông đang tự sử dụng mình, tiếp tục “kiếp tằm” nhả những “sợi tơ” khoa học cho đời! Song, phần mình, tôi vẫn bần thần, khi nhớ tới lời ông tâm sự: “Tôi không dám đăng ký nhận những công trình nghiên cứu lớn của Nhà nước, vì sợ khâu quyết toán tài chính lắm rồi!”. Phải chăng vì cơ chế, chúng ta đang lãng phí không chỉ một nhà nghiên cứu khoa học ở độ chín mùi?

MAI LAN
 

Tin cùng chuyên mục