“Ông Tây Việt Cộng” về với dòng sông

“Ông Tây Việt Cộng” về với dòng sông

Trên đường đến thăm đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm, Bến Tre, ông André Menras tâm sự: “Hồi ở tù tại khám Chí Hòa (Sài Gòn) năm 1970 tôi chỉ gần gũi những người bạn tù ở Củ Chi, nhưng tôi có nghe nói về Bến Tre. Đó là một vùng đất với những con người kiên cường, quật khởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và tôi cũng thầm mong ước một ngày nào đó tôi được đến Bến Tre...”.

Trái đất tròn. Hơn 30 năm sau, cho đến một ngày...

  • Hồi ức

Ngày 25-7-1970, có một sự kiện chấn động dư luận: Hai Pháp kiều là Jean Pierre Debris và André Menras công khai phất cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước mặt trụ sở quốc hội của chính quyền Sài Gòn.

“Ông Tây Việt Cộng” về với dòng sông ảnh 1

André Menras và nhà văn Trang Thế Hy. Ảnh: P.L.H.H

Đây là một đòn tấn công chính trị vô cùng ngoạn mục, có thể ví như một cuộc đánh bom cảm tử và bom nổ ở nơi được xem là an toàn nhất trong hang ổ của địch.

Bom nổ ra từ bầu nhiệt huyết trong trái tim giàu lòng nghĩa hiệp, yêu hòa bình, yêu tự do và yêu đồng loại của hai thầy giáo trẻ người Pháp là André Menras và Jean Pierre Debris.

Quả bom này gây tiếng vang rất lớn, làm hạ thấp uy thế đối phương. Và, cái giá mà hai thầy giáo Pháp kiều phải trả cho hành động của mình là những năm tháng bị giam cầm trong khám Chí Hòa...

Ông André Menras nhớ lại: “ Khoảng 12 giờ 30 phút trưa ngày 25-7-1970, hai chúng tôi leo lên tượng đài mấy tên lính Thủy quân lục chiến Sài Gòn cao 9m ngay trước trụ sở Hạ nghị viện chế độ Sài Gòn (Công trường Lam Sơn).

Kế đến, chúng tôi phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và rải khoảng 2.000 tờ truyền đơn. Báo giới trong và ngoài nước mau chóng đến, họ tranh thủ chụp ảnh, quay phim…

Cảnh sát đặc biệt Sài Gòn mặc thường phục bắt đầu ném những viên đá xanh lớn lên chúng tôi, chúng bảo chúng tôi phải xuống ngay, rồi sau đó chúng leo lên tượng đài, giựt rách cờ Mặt trận và quăng xuống đất.

Lúc đó, chúng tôi đã cầm cự trên tượng đài hơn 30 phút rồi mới xuống đất và bị những trận mưa đòn tới tấp từ phía đám lính an ninh, cảnh sát. Từ mặt đến người của chúng tôi đầy máu. Sau đó chúng chở chúng tôi đến đồn cảnh sát quận 1 (Sài Gòn), rồi tống giam chúng tôi vào khám lớn Chí Hòa hơn 2 năm rưỡi. Đến ngày 31-12-1972, chúng trả tự do cho chúng tôi, nhưng dùng xe chở thẳng chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để…tống khứ về Pháp”.

Ở trong khám Chí Hòa, André Menras được những bạn tù chính trị Việt Nam đặt thêm tên gọi bằng tiếng Việt là Hồ Cương Quyết. Về đến Pháp (ngày 1-1-1973), chỉ trong một thời gian ngắn hai “ông Tây Việt Cộng” đã tích cực cộng tác, biên soạn xong quyển sách nhan đề “Rescapés Des Bagnes De Saigon, Nous Accusons” (Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo).

Sách được xuất bản tại Pháp cuối tháng 5-1973 và sau đó nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng để phổ biến trên thế giới. Đây chính là quả bom chính trị thứ hai, song lần này chính quyền Sài Gòn đã không còn khả năng kiểm soát.

  • Về với dòng sông

Đây là lần thứ ba André trở lại thăm Việt Nam (lần đầu năm 1976, lần hai 2002) và lần này ông dành phần lớn thời gian để đến một địa chỉ mà ông hằng mong đến: Bến Tre - quê hương Đồng khởi. Đến Bến Tre, André thỏa thích đi giữa những vườn dừa xanh tươi, mát rượi và được nhìn ngắm bạt ngàn dừa trên ba dãy cù lao…

“Ông Tây Việt Cộng” về với dòng sông ảnh 2

André Menras (phải) và tử tù Lê Văn Thức.

André cho biết hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị phát triển, trao đổi sư phạm giữa Pháp-Việt, ông muốn đến Bến Tre và nhiều nơi khác nữa tại Việt Nam để có tư liệu về đất nước - con người từ lúc chiến tranh đến xây dựng trong thời hòa bình, để khi trở về Pháp ông viết sách.

Ngay ngày đầu, André đến Khu lưu niệm di tích lịch sử Đồng khởi tại xã Định Thủy, Mỏ Cày. Tại đây, ông mải mê ghi chép những câu chuyện kể của người địa phương về huyền thoại đội quân tóc dài, khi Bến Tre nổ ra Đồng khởi vào ngày 17 tháng giêng, năm 1960.

Ông ghi chép bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt với vốn từ ngữø thật phong phú. Hình ảnh ghi đậm vào tâm thức của André là cuộc sống hiền hòa của người dân trên cồn, là những đôi tay khéo léo, tỉ mỉ làm ra những sản phẩm xinh xắn, dễ thương từ cọng lá dừa, miễng gáo dừa...

Dọc cù lao Bảo, André đến viếng đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Lương Hòa, Giồng Trôm; viếng đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (An Đức, Ba Tri) và tìm hiểu thân thế, sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước này, thăm đền thờ và mộ cụ Phan Thanh Giản (Bảo Thạnh, Ba Tri) vừa được nhân dân trùng tu, thăm đình Phú Lễ-một trong những ngôi đình cổ nhất ở BếnTre-với nét kiến trúc cổ độc đáo do các thợ cung đình Huế lưu tán vào Nam xây dựng vào đầu thế kỷ 20.

André tìm hiểu nghề nấu rượu nếp nổi tiếng, đã có từ lâu đời tại xã Phú Lễ; đến với vườn chim Vàm Hồ (Tân Mỹ, Ba Tri) - “thánh địa” của loài chim trên đất đồng bằng… Đi cùng với André trong suốt hành trình, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thỉnh thoảng vẫn nghe ông nhắc với đạo diễn Nguyễn Hoàng, biên tập viên Lê Hưng (HTV) là phải cho ông được nhảy xuống bơi ở một dòng sông nào đó tại Bến Tre.

Thật bất ngờ, tại vườn chim Vàm Hồ, lúc chúng tôi vừa men ra gần bờ sông Ba Lai, thì bất thần André lột nhanh quần áo rồi lao mình xuống dòng sông đầy bông lục bình tim tím. Ông sải tay bơi, ngụp lặn, hít thở thoải mái như một người con xa xứ vừa trở lại thăm quê nhà.

Lúc lên bờ, André kể: “Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ đối với những dòng sông có nhiều lục bình. Năm 1970, một hôm tôi đến Mỹ Tho, rồi thả bộ ra một chiếc cầu ở ngoại ô Mỹ Tho. Tại đây, tôi thấy một lính Mỹ gác cầu dùng súng M 16 bắn liên tục xuống dòng sông, nơi có những đám lục bình trôi đến gần chân cầu. Tôi đứng coi và cười. Tên Mỹ tưởng tôi là người Mỹ, bèn quát to: “Mày cười, tại sao?”. Tôi đáp lại bằng tiếng Anh: “Cứ canh lục bình mà bắn thì làm sao bắn hết Việt Cộng, tụi bây thua thôi…”.

Nâng ly rượu đế Phú Lễ cùng với anh Hai Đức, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, André từ tốn : “Tại Pháp, Hiệp hội hữu nghị trao đổi sư phạm giữa Pháp – Việt của chúng tôi là một hội đoàn nhỏ thôi, nhưng xin các anh nhận nơi chúng tôi chút tấm lòng. Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ huyện Ba Tri 10 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, mỗi suất 100 euro/năm. Tương lai, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các học sinh trên được đến tham quan tại Pháp”.

André tìm đến nhà anh Lê Văn Thức, người tử tù năm xưa, với bức ảnh trắng đen “Ngày hạnh ngộ” nổi tiếng của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Đó là cuộc trùng phùng bất ngờ mà thú vị. Họ say sưa ôn chuyện về “bộ tộc tà ru”(tà ru - “tù ra” - André nói láy), bởi trước khi bị đày ra Côn Đảo, tử tù Lê Văn Thức cũng bị giam tại khám Chí Hòa hơn 6 tháng.

Xà-lim nơi anh Lê Văn Thức bị giam cách xà-lim 2B10 giam André Menras không xa. Những tưởng André sẽ hỏi chuyện anh Thức về chính trị, về những ngày đấu tranh ở trong tù, nhưng không, André vào chuyện rất đời thường (bằng tiếng Việt): “Anh Thức, khi ở tù anh còn rất trẻ, lúc đó anh có người yêu đi thăm không?” Anh Năm Thức cười: “Có đâu mà thăm. Vả lại, tôi hoạt động tình báo cho cách mạng, “nghề này” lúc đó các cô ở thành ngán lắm!”.

Cũng giống như André Menras, những năm tù đày gian khổ đã qua, giờ đây, người đảng viên Lê Văn Thức sống thật lặng lẽ ở khu vườn xưa và tiếp tục cho đời những trái ngọt. André nhìn Năm Thức rất lâu, ánh mắt ông hiện rõ lòng trân trọng đối với một con người thật thầm lặng, từng là chiến sĩ tình báo cách mạng và là tử tù ở Côn Đảo trước năm 1975.

André đến với nhà văn Trang Thế Hy lúc hoàng hôn sắp tắt. Chuyện thì dài, huyên thuyên, song tôi nghe nhà văn Trang Thế Hy gút lại với André: “Có một nhà văn nước ngoài viết rằng: Sự dũng cảm không thể học tập mà có được”. Có lẽ nhà văn muốn nói đến sự kiện Jean Pierre Debris và André Menras treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam trước Hạ nghị viện chế độ Sài Gòn năm 1970.

Và khi tạm biệt với nhà văn, André thốt lên: “Tôi đã đến Việt Nam ba lần. Được đi nhiều nơi, nhưng với Bến Tre, đây là nơi gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất”. 

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục