Trở lại Chămpasăk

Trở lại Chămpasăk
Trở lại Chămpasăk ảnh 1
Khách sạn 4 sao lớn nhất vùng Nam Lào của anh Lã Quế Thủy

Tôi trở lại Chămpasăk (Lào) như trở về một chốn thân thương nào đó đã ở sẵn trong tiềm thức. Chămpasăk là đơn vị kết nghĩa với TPHCM. Tôi từng dọc ngang Chămpasăk để thăm cộng đồng Việt kiều ở đây. Đến Păksê (thị xã của tỉnh) lần này, thật ngạc nhiên...

Ngạc nhiên đầu tiên là khoảng cách giữa hai đơn vị hành chính của hai quốc gia đã rút ngắn lại quá nhiều so với hành trình trước kia: TPHCM-Quảng Trị-Savannakhet-Chămpasăk dài 1.500km. Nay, đoàn caravan xuyên Đông Dương của chúng tôi (do Du lịch TNXP-V.Y.C tổ chức) di chuyển từ TPHCM lên Kon Tum, ra Ngã ba Đông Dương để sang bên kia Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, chạy dọc theo sông Xê Kông (Lào) rồi đến Chămpasăk, chỉ mất 990km.

Bây giờ, từ bến xe miền Đông, người ta đi Chămpasăk mỗi tuần theo con đường chúng tôi đang đi (QL 18B do Việt Nam làm giúp bạn), giảm độ dài so với cách đây 1 năm đến hơn 500km. Còn từ Gia Lai, mỗi tuần 3 ngày đều có xe du lịch 14 chỗ đi tỉnh Atôpư (150km) rồi nối tuyến đi Chămpasăk, giá chỉ khoảng 50.000 kíp (75.000VNĐ).

Đoạn đường từ thị xã Xay Xệtthả (Atôpư) đi ra chỉ toàn là rừng bằng lăng, rừng khộp nguyên sinh. Người Việt hiếm hoi mà chúng tôi gặp trên đường đi Chămpasăk là chị Nguyễn Thị Bé, chủ tiệm cơm Đức Lộc tại Xay Xệtthả mà chủ yếu cũng là phục vụ người Việt đi lại trên đường này. Quán cơm của chị Bé bán các món ăn xứ Huế, giá 20.000 kíp/phần, khá ngon miệng. Chị Bé cho biết rừng Atôpư nằm phía Tây dải Trường Sơn và các loài động vật quý hiếm như voi, bò tót, trâu rừng, gấu… vẫn còn thường xuyên xuất hiện.

Những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ vừa qua, người Lào Thơng và các dân tộc Tây Nguyên

Trở lại Chămpasăk ảnh 2
Thế hệ người Việt mới ở Chămpasăk

 của VN vẫn đi đãi vàng (8,6 tuổi) trong rừng Atôpư, được tổng cộng 3-4 tạ vàng cám/năm. Chính vì vậy mà phụ nữ Lào Thơng ở đây rất thích đeo vòng vàng! Chúng tôi ghé thăm Đài tưởng niệm quân tình nguyện VN hy sinh tại chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Tượng đài nằm ấm áp trên một bình nguyên, có người giữ khóa cổng rào, tên Việt là anh Khóa. Do nằm trên quốc lộ nên lúc nào, nhân dân Lào và khách Việt cũng có thể ghé ngang và phía chân tượng đài luôn nghi ngút nhang khói.

Đoàn xe caravan bắt đầu vượt cao nguyên Bolôven trên độ cao 1.000m để vào Chămpasăk. Khí trời mát lạnh chỉ vào khoảng 200C. Cà phê, điều, hồ tiêu và đặc biệt là cao su tiểu điền đã bắt đầu phát triển trên vùng cao nguyên này. Năm 2005, tôi đã có dịp đến Nông trường cao su Việt-Lào và bây giờ trở lại để chứng kiến 1.700 ha cao su mới trồng nay đã lên xanh tốt.

Theo dự kiến, nông trường còn trồng khoảng 50.000 ha cao su ở vùng Nam Lào và đang có khoảng 700 công nhân người Việt, người Lào đang làm việc. Chị Đào Hương, một người Việt giàu nhất nhì ở Lào và nghe rằng đang đầu tư 300 ha cà phê với thương hiệu “cà phê Dao” thì nay, đi đến đâu cũng thấy bạt ngàn cà phê, cũng thấy thương hiệu “cà phê Dao” của chị treo nhan nhản.

Vào Chămpasăk, chúng tôi nghỉ ngơi tại khách sạn Chămpasăk Palace lớn nhất vùng. Đây nguyên là hoàng cung của một vị tiểu vương vùng Nam Lào và hiện đã được anh Lã Quế Thủy, một Việt kiều thuê lại trong 50 năm để làm khách sạn. Thủy cho biết: “Chămpasăk là tỉnh có đông người Việt nhất, gần 5.000 người sống tại 7 xóm”. Tôi đã đến trường học Việt có tên là Hữu Nghị, được uống cà phê Việt ở bản Vạch Luống, ăn cơm Việt tại nhà hàng Cô Vậy, nhậu bia Việt ở quán Lộng Gió Mát bên bờ sông Sê Đôn, nói tiếng Việt thoải mái. Người Việt ở đâu cũng thế, cũng tồn tại một cách rất hồn nhiên và vươn lên bằng một nghị lực phi thường!.

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục