Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè!

Đi ăn tại các nhà hàng nổi - mà người dân Hạ Long quen gọi nôm na là nhà bè - gần như đã trở thành “một phần tất yếu” của các tour du lịch Hạ Long. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, đây cũng là một mô hình “kinh tế năng động”, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch khơi gợi tò mò, tạo thêm hứng khởi cho du khách. Tuy nhiên, các nhà bè tự phát đang đặt ra những thách thức rất lớn về mỹ quan và vệ sinh môi trường cho di sản thế giới này.
Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè!

Đi ăn tại các nhà hàng nổi - mà người dân Hạ Long quen gọi nôm na là nhà bè - gần như đã trở thành “một phần tất yếu” của các tour du lịch Hạ Long. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, đây cũng là một mô hình “kinh tế năng động”, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch khơi gợi tò mò, tạo thêm hứng khởi cho du khách. Tuy nhiên, các nhà bè tự phát đang đặt ra những thách thức rất lớn về mỹ quan và vệ sinh môi trường cho di sản thế giới này.

  • Kể cũng thú vị…

Một trong những địa điểm ẩm thực nổi tiếng nhất, người Hạ Long “ai mà chẳng biết” chính là khu nhà bè sầm uất ở khu cột 5 phường Hồng Hà. Hàng loạt nhà bè nổi đèn điện sáng trưng, được trợ giúp đắc lực bởi hàng chục con đò lúc nào cũng sẵn sàng đưa đón khách.

Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè! ảnh 1

Tầm mắt nhìn vịnh Hạ Long đang “vướng” phải những dãy nhà bè – nhà hàng san sát. Ảnh: HƯNG LINH

Công bằng mà nói, giá cả ở các khu nhà bè kể cũng dễ chịu, chỉ chừng 100-200 ngàn đồng/thực khách là bạn đã có thể thưởng thức những món ăn nhớ đời từ biển cả: sò huyết nướng, nghêu hấp sả, nghêu xào bún, tôm rang muối, cá song hấp xì dầu.

Rồi lại còn mực sim luộc nước mắm gừng, chả mực, chả cá thu nữa chứ… Được ăn uống trong không khí mặn mòi, “đông ấm, hè mát”, bập bềnh như mình đang ở giữa đại dương, lại được thưởng thức những món ăn từ những động vật biển đang bơi lội tung tăng, chỉ đâu vớt đó, chế biến ngay trước mắt, dọn lên bàn ăn còn bốc khói thì còn gì thích bằng! Có lẽ vì vậy mà trong vòng 3 năm trở lại đây, số nhà bè trên vịnh Hạ Long tăng vọt.

Theo ông Nguyễn Công Thái, Phó Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ban đầu chỉ có vài chục chiếc, đến thời điểm này toàn khu vực có khoảng 500 chiếc nhà bè, phân bố rộng khắp cả vùng ven bờ lẫn vùng bảo vệ di sản, trở thành nơi sinh sống thường xuyên của hơn 1.500 nhân khẩu. Họ nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thậm chí đơn thuần chỉ là cư trú, bất chấp các quy định của các ngành chức năng về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an ninh xã hội…

  • ... Nhưng còn môi trường, cảnh quan!

Thay đổi đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là khách du lịch không thể phóng tầm nhìn ra vịnh Hạ Long phẳng lặng và trong xanh như xưa, vì “vướng” phải hàng dãy nhà bè san sát, suốt dọc các phường Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà. Bên cạnh những nhà bè cũ nát, nhỏ bé của dân vạn chài là những nhà hàng sôi động với những cái tên thật kêu, thật… hứa hẹn: Biển Mơ, Ánh Dương, Sóng Thần…
 
Nghe nói, “kéo” các du khách xuống các nhà bè ẩm thực là “phát kiến” của nhà hàng Biển Mơ. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, kiên cố hơn nữa thì vài chục triệu đồng là có thể sắm được 1 chiếc nhà bè mới, chỉ bằng một vài tháng trả tiền thuê địa điểm mở nhà hàng trên cạn, chưa nói gì đến chuyện mua đất, xin phép rồi đổ móng, xây nhà!

Được thể, các nhà hàng khác cũng mọc lên như nấm! Không chỉ dọc theo bờ vịnh, mà hầu hết những nơi gần các hang động, có núi đá che chắn, kín gió, nước sâu là có thể trở thành xóm nhà bè, từ Vạ Giá, Bồ Nâu, Ba Hang đến Sửng Sốt, Cửa Vạn… Đặc biệt, khu vực Ba Hang tập trung tới gần 40 chiếc nhà bè, màu sơn còn mới, nằm san sát thành từng dãy dọc ngang trên biển.

Hầu hết các nhà bè đều có kiến trúc giống nhau, không có gì đặc sắc: bên ngoài là chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, bên trong là khu sinh hoạt của người “nhà bè”, bếp và không thể thiếu “khu vệ sinh”. Tất cả chất thải từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh dịch vụ đều xả thẳng xuống biển!

Đáng buồn hơn, không nhà quản lý nào trả lời được cho chúng tôi câu hỏi, những nghiên cứu mới nhất về môi trường vịnh Hạ Long cho thấy điều gì? Vịnh Hạ Long sẽ ra sao nếu tình trạng này cứ tiếp tục và đang có xu hướng gia tăng?! Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay số lượng nhà bè vẫn tăng lên từng ngày, bình quân khoảng 10 chiếc/tháng.

  • Ai quản nhà bè?

Được hỏi về thủ tục pháp lý để kinh doanh nhà hàng, chủ nhà bè S.T cho biết, ông xin được giấy phép của phường, nhưng nói thêm: “Ối nhà không cần xin phép của ai, cũng không ai quản lý họ”. Những nhà bè cỡ vừa, cỡ nhỏ lại càng “vô tư” nêu luận điểm: Chúng tôi ra nuôi cá lồng, gặp khách có nhu cầu ăn uống thì phục vụ, hỗ trợ du lịch phát triển mà thôi (!).

Vịnh Hạ Long… loạn nhà bè! ảnh 2

Các nhà bè – nhà hàng trên vịnh Hạ Long đua nhau trưng biển mời chào khách. Ảnh: THU TRANG

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thái bức xúc: “Mang danh là Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nhưng thực ra quyền hạn của chúng tôi rất hạn chế, rất khó xử lý các trường hợp vi phạm.

Thậm chí, có khi đã phát hiện vi phạm thì thời gian phê duyệt mức phạt phải kéo tới hàng tuần”! Ông Thái cũng khẳng định, các cấp, các ngành ở tỉnh Quảng Ninh không phải không biết đến vấn nạn “nhà bè” này.

Nhiều cuộc họp bàn đã được tổ chức, không ít văn bản, chỉ thị nhằm tăng cường quản lý các nhà bè… đã được ban hành, nhưng hiệu quả thì chưa là bao!

Thiết nghĩ, để quản lý, gìn giữ và bảo tồn một di sản đã được thế giới công nhận như vịnh Hạ Long thì một Ban Quản lý vịnh với chức năng quyền hạn còn hạn chế như vậy hẳn là chưa đáp ứng được yêu cầu! Nếu không có sự quan tâm thực sự và những giải pháp cụ thể từ phía chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long, e rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp, sự đa dạng sinh học của vịnh.

Cuối cùng, xin nói thêm rằng, tác giả bài viết này không quyết liệt phản đối hay yêu cầu “cấm” nhà bè. Đó hẳn là một việc làm không khả thi, đồng thời cũng sẽ làm mất đi một niềm vui, một sự hấp dẫn đối với du khách.

Vấn đề là quy hoạch, tổ chức lại các nhà bè; tuyên truyền giáo dục các chủ bè về bảo vệ vệ sinh, môi trường, giúp họ tìm ra những biện pháp thực tế; song song với việc quy định và thực hiện nghiêm chế tài xử phạt các hành vi tùy tiện, làm xấu cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục