Độc đáo núi Cấm

Bước vào năm 2007, ngành du lịch An Giang đã bừng lên sức sống mới, nhất là từ khi khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên đi vào hoạt động, tạo chuyển biến mạnh  trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng đông. Điển hình như Lâm viên núi Cấm.
Độc đáo núi Cấm

Bước vào năm 2007, ngành du lịch An Giang đã bừng lên sức sống mới, nhất là từ khi khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên đi vào hoạt động, tạo chuyển biến mạnh  trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng đông. Điển hình như Lâm viên núi Cấm.

Núi Cấm còn có tên là Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên-Nhà Bàng-Tri Tôn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Theo truyền thuyết dân gian, từ thời xa xưa ngọn núi này là nơi hiểm trở, núi rừng âm u, nhiều thú dữ nên các quan chức địa phương ngăn cấm không cho người lên núi săn bắn, hái lượm. Cũng có truyền thuyết cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên đây lánh nạn, nên truyền lệnh cho dân chúng không được lai vãng… Từ đó mới có tên là núi “Cấm”, sách vở ghi là “Thiên Cấm Sơn”.

Độc đáo núi Cấm ảnh 1

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm.

Ngày nay, núi Cấm đã trở thành một khu du lịch tuyệt vời nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Khí hậu trên núi Cấm chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 250C, lý tưởng nhất là vào mùa xuân, cây cối xanh tươi, sản vật dồi dào, khí hậu mát mẻ trong lành. Trên các vồ núi cao, trời về đêm lành lạnh, sáng sớm sương trắng phủ đầy, mây chiều là đà vương đầu núi, nên được báo chí và khách du lịch ví như  Đà Lạt 2. Từ trên các đỉnh cao, khách tham quan có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.

Từ chân núi lên tới vồ Bồ Hông, nơi được mệnh danh là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long, cao 710m, chúng tôi phải mất trên ba tiếng đồng hồ vừa đi vừa la cà ở các quán võng (nếu đi xe ôm chỉ mất độ 20 phút). Gọi là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh “cẩm tú sơn kỳ”, nổi tiếng với nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ, mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kỳ thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà… Đó là năm vồ hay năm non mà khách hành hương thường hay đến để chiêm bái. Ngoài ra, dọc theo các lối đi, du khách còn có dịp khám phá thêm nhiều điểm hấp dẫn khác như vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện Mười ba tầng, đặc biệt là điện Kín, điện Cây Quế, hang Ông Hổ, động Thủy Liêm, vồ Mồ Côi, miếu Mười Cô… mỗi nơi đều có một sự tích ly kỳ, một không gian huyền ảo đầy màu sắc tín ngưỡng, như gợi lại thời hoang sơ từ thuở khai sơn phá thạch. Hấp dẫn nhất là những câu chuyện thêu dệt về bác vật Lang xuống hang thám hiểm bị mất tích, chuyện Nguyễn Ánh lập trạm binh trên vồ Đầu, chuyện bạch hổ ở vồ Bồ Hông, chuyện đôi rắn hổ ở điện Cây Quế, chuyện ông Ba Lưới bắt rắn hổ mây…

Nhờ cảnh quan tươi đẹp và những rừng cây thoáng mát, với nhiều gốc cổ thụ trăm năm sừng sững giống như những tán dù khổng lồ đã tạo cho núi Cấm trở thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng. Lên núi Cấm, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh của núi rừng Tây Nam, thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại xoài núi, mít núi, chuối, sầu riêng, bơ và mảng cầu núi, du khách còn có dịp dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để lắng nghe hơi thở của núi rừng. Nếu có thời gian, du khách sẽ viếng thăm các ngôi chùa khá thâm u như chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, Trung Sơn Thiên Tự, nổi tiếng nhất là chùa Vạn Linh, một ngôi chùa cổ xưa đã được trùng tu nhiều lần vì chiến tranh tàn phá. Năm 1929, hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang chỉ dựng lên một cái am bằng cây lá đơn sơ để ẩn tu. Vào năm 1940, cái am nhỏ đó mới bắt đầu đổi thành chùa Vạn Linh. Đến năm 1995, chùa bắt đầu được xây dựng lại thành một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô. Bản thân của ngôi chùa này đã là một nguồn mỹ cảm, ấn tượng nhất là ba ngôi bảo tháp trước tiền đường, nổi bật với ngôi Quan Âm Các chín tầng nằm giữa tiền đường, tạo nên một phong cảnh trang nghiêm và trầm mặc.

Tháng 10 năm 2003, Ban Quản trị chùa Phật Lớn lại thiết kế mỹ thuật và thi công tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á với 33,60m sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, rộng trên 2ha, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Đây là một công trình nghệ thuật, một kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Ngoài tượng Phật ra, nơi đây còn toát lên một vẻ đẹp hài hòa của lối kiến trúc tôn giáo với thiên nhiên, bao bọc xung quanh toàn là núi đá, cổ thụ, cây cảnh, hoa thơm cỏ lạ với nhiều lối mòn, hồ nước, ao sen và những dòng suối tự nhiên. Điều kỳ thú nhất là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật màu trắng sáng, ngồi uy nghi giữa một không gian xanh ngát. Càng đến gần, khách hành hương càng thán phục bàn tay tài hoa của các nhà mỹ thuật đã tạc gương mặt đức Phật một cách sống động, với nụ cười bao dung và thánh thiện.

Độc đáo núi Cấm ảnh 2

Khách hành hương trên chùa Vạn Linh (núi Cấm).

Kể từ năm 2005, Tịnh Biên đã tiến hành khai thác tuyến đường từ chân núi đến chùa Phật Lớn, hiện đã trải nhựa tới vồ Thiên Tuế và bắt đầu thông xe bốn bánh để cho khách du lịch và người hành hương vừa ngồi xe vừa vãng cảnh, đồng thời trong tương lai sẽ bố trí thêm các loại hình giao thông độc đáo ở từng đoạn đường như cáp treo, xe ngựa… Ngoài phương tiện xe bốn bánh, du khách lên núi có thể đi bộ ngắm cảnh hoặc đi xe ôm cũng rất tiện lợi. Anh Ba Trung, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe Honda ôm núi Cấm cho biết, hiện nghiệp đoàn có trên 600 xe phục vụ suốt ngày theo giá quy định (30.000 đồng/người/chuyến lên). Ngồi xe ôm tuy đường đất đá chông chênh nhưng du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị của cảnh quan núi Cấm.

Hướng tới, khu du lịch cũng sẽ ra sức bảo tồn rừng nhiệt-ôn đới, gồm rừng đặc chủng, rừng hổn giao, rừng trồng để làm xanh hóa môi trường và tăng thêm vẻ phong phú cho cảnh quan, đồng thời mở thêm các cụm dịch vụ du lịch với các khu nghỉ dưỡng, khu di tích và làng văn hóa, khu du lịch hành hương với diện tích cả ngàn héc-ta. Đặc biệt là khu chùa Vạn Linh nằm cạnh khu rừng bốn mẫu trồng toàn tràm bông vàng và keo tai tượng, quanh năm xanh mát. Du khách đến đó cảm thấy như đi giữa các khu lăng tẩm ở cố đô Huế.

Trước chùa Vạn Linh uy nghiêm là hồ Thủy Liêm mênh mông, có sức chứa 60.000m² nước với kinh phí trên 8 tỷ đồng, nay đã bắt đầu cung cấp nước cho 500 hộ dân trên núi Cấm. Nay mai, một khi các hạng mục công trình được xây dựng hoàn chỉnh, đặc biệt là chùa Phật Lớn được trùng tu và nâng cấp, núi Cấm sẽ giữ được nét hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc và công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, thác, hang động để núi Cấm thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hoài Phương

Tin cùng chuyên mục