Đằng sau trái dừa lên ngôi

Đằng sau trái dừa lên ngôi

Trái dừa nguyên liệu liên tục có giá, đắt hàng, đã nhóm lên niềm tin cháy bỏng nơi những nông dân trồng dừa. Phải chăng cây dừa đang đứng trước “cơ hội vàng”? Làm gì để những vườn dừa của Bến Tre không vuột mất cơ hội vàng?

Nông dân chưa được lợi nhiều

Trái dừa nguyên liệu liên tục có giá nhưng nông dân trồng dừa được lợi gì? Để tìm hiểu lợi tức của người trồng dừa giữa thời “dừa lên ngôi”, tôi đã đến một số vườn dừa ở Bến Tre. Ông Nguyễn Minh Chiếm (Năm Chiếm), người trồng trên 1 ha vườn dừa tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, rạch ròi: “Nếu dừa khô giá lên đến 30.000 đồng/chục (12 trái) thì tại nhà vườn chỉ bán được 24.000 - 25.000 đồng/chục là cao.

Vì sao vậy? Nông dân trồng dừa, bán dừa phải qua nhiều trung gian mới tới được các nhà máy sản xuất hoặc ra sông Hàm Luông để các tàu xuất đi Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Nhưng, trái dừa giựt (bẻ) xuống, đâu phải tất cả là loại dừa hạng nhất để bán được giá 25.000 đồng/chục. Khi thu hoạch, thường là loại dừa nhì, dừa ba chiếm hơn phân nửa. Tuy nhiên với giá dừa như hiện nay, rõ là nông dân trồng dừa rất phấn khởi so với trước đây…”.

Đằng sau trái dừa lên ngôi ảnh 1

Sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu.

Khi cải tạo và chăm sóc 1 ha vườn dừa nguyên liệu (để phân biệt với dừa uống nước), ông Năm Chiếm làm khá bài bản, trên một công đất (1.000m2) ông chỉ trồng 16 cây dừa. Trong năm, ông thường xuyên bón phân urê, NPK, Comic quanh gốc dừa đúng liều lượng, thời gian. Mỗi năm lấy đất bùn dưới mương bồi mỏng lên bờ dừa một lần.

Vào những tháng mùa khô, ông ngăn nước mặn xâm nhập vào vườn, chịu khó tưới dừa tuần lễ/lần… Kết quả là vườn dừa của ông có năng suất hơn hẳn so với các vườn dừa thiếu đầu tư, chăm sóc. Song, năng suất dừa của ông Năm Chiếm có cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 1 thiên dừa khô (1.200 trái)/ha/tháng. Đó là vào mùa thuận. Còn vào mùa dừa treo (thời điểm dừa cho ít trái từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau), năng suất dừa giảm xuống có khi hơn 50%(!).

Bây giờ, lấy con số cao nhất về giá dừa và sản lượng dừa để tính lợi tức thực tế của người trồng dừa/1 ha/tháng. Chẳng hạn giá dừa là 28.000 đồng/chục, như vậy nếu trồng 1 ha dừa đạt 1 thiên dừa/tháng, chủ vườn thu nhập 2,8 triệu đồng. Rồi phải trừ ra các chi phí như phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch (bẻ dừa hiện 300.000 đồng/thiên)…, cộng tất cả, số tiền còn lại sẽ không ngoài 1,5 triệu đồng. Nhưng đó là những hộ có 1 ha vườn dừa.

Trên thực tế, ở Bến Tre hiện nay, số hộ sở hữu 1 ha (10.000m2) vườn dừa rất ít. Đại trà là mỗi hộ chỉ 2-3 công đất vườn dừa (2.000-3.000m2), mà chỉ với 2-3 công đất dừa thì thu nhập chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng. 500.000 đồng chia ra cho một hộ ví như với 4 khẩu, quả đó là số tiền rất khiêm tốn cho sinh hoạt hiện nay.

Thành ra, để giữ vững và phát triển vườn dừa, nhất thiết nông dân phải thâm canh và trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa. Do đó, chương trình phát triển trồng 10.000 ha cây ca cao xen trong vườn dừa đang thực hiện ở Bến Tre được xem là hướng đi “chiến lược” mà tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng.

Dừa khô lên giá, nhu cầu nguyên liệu dừa trái xuất khẩu ngày càng đắt hàng nhưng khi tôi đi sâu vào những vườn dừa Bến Tre, điều thấy rõ là hầu hết vườn dừa chưa được thâm canh đúng mức. Mà thiếu thâm canh trong trồng dừa, sản lượng dừa sẽ không tăng, chất lượng trái sẽ không đồng nhất để cung cấp cho các nhà máy chế biến hoặc xuất khẩu (dù xuất thô).

Có nhiều nguyên nhân khiến nông dân Bến Tre chậm thâm canh vườn dừa, trong đó nhãn tiền là nông dân chưa có khoản vay tín dụng để sử dụng vào thâm canh như cải tạo vườn dừa, mua máy bơm nước tưới dừa vào mùa khô, phân bón…; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dừa cho năng suất cao ngay tại Bến Tre…

Một nông dân có vườn dừa ở xã Mỹ Thành (Châu Thành) thổ lộ: “Tôi có 2 công đất dừa, mỗi tháng giựt dừa bán chưa được 300.000 đồng, thử hỏi có dư tiền đâu để đầu tư cải tạo vườn dừa! Mấy năm trước đây, dừa bị bọ dừa tấn công xơ xác, đời sống tụi tôi hẻo vô cùng!...”. Quả vậy, dù nay nạn bọ dừa đã hết hoành hành, song hàng năm anh nông dân này chỉ việc bồi mương, cho dừa ăn phân rất ít và phó mặc cho trời, riết rồi đất vườn dừa của anh mất dần sức sống, những cây dừa cho trái ngày càng ít!

Một điều không may khác là bão Durian (bão số 9) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết vườn dừa tại huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày, Châu Thành, Bình Đại. Bão đi qua đã để lại vết nội thương âm ỉ ở những vườn dừa cho đến nay!

Tiếp sức cho những vườn dừa

Đằng sau trái dừa lên ngôi ảnh 2

Phơi chỉ xơ dừa. Ảnh: P.L.H.H.

Đôi ba tháng dừa treo trong năm cũng là mặt hạn chế khách quan về sản lượng chung của trái dừa Bến Tre. Mùa dừa treo? Trong năm, nếu vào thời điểm mùa khô mà dừa ra bông, kết trái thì trái non sẽ rụng rất nhiều so với dừa ra bông khi trời sa mưa.

Dừa từ kết trái đến khi trở thành dừa khô khoảng 8 tháng. Như vậy, ví như, nếu dừa ra bông vào tháng 3 (mùa khô) thì vào tháng 11, trái dừa còn lại trên cây để trở thành dừa khô rất ít, nông dân gọi đó là “dừa treo”.

Hiện tại, các nhà khoa học, nhà vườn có thể cho cây chôm chôm, sầu riêng… ra trái mùa nghịch nhưng với cây dừa, khắc phục yếu tố tự nhiên để cây dừa cho trái đều đặn quanh năm thì chưa thể được!

Bến Tre hiện có khoảng 37.500 ha dừa, tổng sản lượng khoảng 230 triệu trái/năm. Như vậy ước tính, mùa dừa treo trong năm đã làm Bến Tre mất đi không dưới 50 triệu trái! Làm sao hạn chế được “nhược điểm” này, hiện là điều bức xúc đang đặt ra.

Cây ca cao trồng xen trong vườn dừa tại huyện Châu Thành, Giồng Trôm (Bến Tre) hiện đạt gần 3.000 ha, nhiều nơi đã thu hoạch, trái ca cao được thu mua với giá nông dân rất phấn khởi. Để cây dừa Bến Tre phát triển bền vững, từ cuối năm 2005, Sở NN-PTNT Bến Tre đã triển khai dự án đầu tư thâm canh 5.000 ha dừa tại tỉnh.

Theo đó Ban quản lý (BQL) dự án hỗ trợ 1 cây giống cho nông dân là 2.500 đồng (qua nghiệm thu giữa cơ sở và BQL dự án), tập huấn kỹ thuật cho người trồng dừa, bình tuyển cây dừa mẹ để cung cấp giống tốt cho nông dân, mỗi cây dừa mẹ đạt tiêu chuẩn được cấp 5.000 đồng/cây. Tổ chức ADIVOCA đang hỗ trợ về tài liệu và chuyên gia tập huấn cho người trồng dừa. Chương trình đầu tư thâm canh vườn dừa tại Bến Tre đã triển khai đến hầu hết các huyện, xã có trồng nhiều dừa trong tỉnh.

Phần khác, để thế đứng cây dừa bền vững, thiết nghĩ Bến Tre cần thành lập hiệp hội dừa nhằm quy tụ những nhà khoa học chuyên ngành dừa, nông dân trồng dừa giỏi, bộ phận tiếp thị dừa và các nhà doanh nghiệp để cùng nhau hỗ trợ, điều phối, giúp nâng cao giá trị đích thực của trái dừa.

Về mặt vĩ mô, với “thành tích” của cây dừa trong những năm gần đây, như dừa là cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh (hàng thủ công mỹ nghệ dừa, chỉ xơ dừa xuất khẩu, đặc sản kẹo dừa…), sản phẩm công nghiệp từ trái dừa (cơm dừa sấy khô, nạo sấy, xuất khẩu dừa trái) đang mở rộng thị trường trên thế giới, hái ra nhiều ngoại tệ…; chưa kể đến dừa uống nước, như dừa dứa chẳng hạn – thức uống nhiều dinh dưỡng dư sức cạnh tranh với bất cứ loại nước giải khát nào. Vậy nên, cây dừa phải được nhìn nhận là cây công nghiệp quốc gia để người trồng dừa được Nhà nước đầu tư phát triển vườn dừa một cách xứng tầm. 

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục