Kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Lưới lửa của chiến tranh nhân dân

Lưới lửa của chiến tranh nhân dân

Trong những ngày lịch sử oai hùng của Hà Nội mùa Đông năm 1972, đội ngũ phóng viên báo chí, trong đó có các phóng viên ảnh đã trở thành những nhân chứng lịch sử. Bằng ống kính can trường và tài hoa của mình, họ đã để lại cho thế hệ mai sau những bức ảnh vô giá. Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi có cuộc phỏng vấn cựu phóng viên chiến trường-nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, người từng có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ như chiến dịch đường 9 Nam Lào (1971), chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972), chiến dịch 81 ngày đêm Thành Cổ…

Lưới lửa của chiến tranh nhân dân ảnh 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh
Đoàn Công Tính.

- Phóng viên:
Hẳn ông còn nhớ rõ khi được chứng kiến chiến trận phòng không lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Vâng, quả là hạnh phúc lớn đối với một phóng viên khi được tham dự vào những sự kiện quan trọng của đất nước. Năm 1972 là thời điểm rất đáng nhớ của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là thời điểm đáng ghi nhớ của những người làm báo chúng tôi. Là phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân, lại đang ở độ tuổi thanh niên sôi nổi, tôi đã trở thành phóng viên “con thoi” giữa chiến trường và hậu phương. Cuối năm 1972, vừa trở về từ chiến trường Thành Cổ còn khét mùi thuốc súng, tôi lại được vinh dự mang máy ảnh vào trận địa phòng không để ghi lại những hình ảnh xả thân bảo vệ thủ đô yêu dấu của chiến sĩ và đồng bào ta. Những ngày tháng đó mãi mãi để lại ấu ấn sâu sắc trong cuộc đời làm báo của tôi.

- Trong những giờ phút lịch sử đó, các phóng viên đã hoạt động ra sao?

Không ai có thể quên được đêm 26-12-1972, máy bay Mỹ dội bom rải thảm san phẳng cả dãy phố Khâm Thiên, khiến 200 đồng bào ta thiệt mạng. Trong cảnh tan hoang, đổ nát, những em bé gào khóc tìm bố mẹ, từng nhóm người moi gạch kéo xác những nạn nhân bị bom vùi lấp… Đau thương và căm phẫn trào dâng, nhưng người Hà Nội đã đứng lên, biến đau thương thành sức mạnh, từ thanh niên đến các cụ già đều hừng hực khí thế đánh trả quân thù. Đêm đêm, những “con rồng lửa” chung quanh thủ đô liên tục vút lên thiêu cháy các pháo đài bay. Những loạt đạn cao xạ nổ tung trên bầu trời. Trận địa tầm thấp gồm súng trường và 12,7 ly của dân quân tự vệ bên lũy tre làng hay trên những tòa nhà cao tầng nhằm vào máy bay F111, “cánh cụp cánh xòe”, khi chúng định luồn vào đánh phá các trận địa tên lửa và pháo cao xạ của chúng ta. Các hội viên chữ thập đỏ tổ chức các đội cứu thương, tự vệ tải đạn, phân phối lương thực thực phẩm… hối hả lao vào trận địa.

Đội ngũ phóng viên báo chí cũng ra quân rầm rộ. Một số phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân chiếm lĩnh đỉnh cao tòa nhà 54 Hai Bà Trưng (trụ sở Bộ Công nghiệp nặng), chĩa máy ảnh lên bầu trời. Dưới tầng hầm của ngôi nhà này, các phóng viên thắp đèn dầu viết bình luận và tường thuật suốt đêm. Phần tôi, hàng ngày vượt sông Hồng từ tòa soạn bên này cầu Long Biên sang Gia Lâm, đến với trận địa tên lửa Đoàn 367- đơn vị Anh hùng -để tác nghiệp. Trên đường công tác, tôi gặp khá nhiều phóng viên của Thông tấn xã VN, các báo Nhân Dân, Tiền Phong… Loạt ảnh chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các phóng viên ảnh đã được sử dụng kịp thời trên báo chí, truyền hình trong và ngoài nước, góp phần cổ vũ đồng bào cả nước hướng về thủ đô thân yêu.

Lưới lửa của chiến tranh nhân dân ảnh 2

Đoàn 367 - đơn vị anh hùng đánh trả máy bay Mỹ trong trận địa Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

- Trong bộ sưu tập ảnh chiến tranh quý giá của ông, bức ảnh “Hà Nội đêm Tháng 12-1972” là một trong những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Ông đã chụp bức ảnh ấy như thế nào?

Trong những ngày sôi sục đánh Mỹ của mọi tầng lớp đồng bào, chiến sĩ, tôi luôn mơ ước có được những tấm ảnh phản ánh thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó có hình ảnh lưới lửa nhiều tầng thấp, cao vút lên trời làm tan rã đội hình pháo đài bay mà Mỹ tự hào là “bất khả chiến bại”. Tôi quyết định chọn hướng Gia Lâm, phía đông bắc Hà Nội, nơi đặt trận địa tên lửa Đoàn 367, để mai phục chờ đón thời cơ.

Quan sát nhiều đêm, tôi thấy khi máy bay B52 xâm nhập bầu trời Hà Nội thì cũng là lúc máy bay phản lực, cánh cụp cánh xòe (thường được gọi là “con ma”) luồn lách thấp ngang ngọn tre vào đánh phá trận địa, hòng vô hiệu hóa tên lửa của ta. Những lần chúng xâm nhập, phóng viên rất khó có thể cùng lúc chụp được lưới lửa tầm thấp và cả tên lửa bay lên. Tôi đã phải chực chờ trong điều kiện thường xuyên phải đứng “lộ thiên” căng mắt cùng các chiến sĩ và dân quân tự vệ. Nhiều đêm như thế, chỉ để chờ chụp được một lúc cả hai loại vũ khí cùng phát hỏa, tạo được khí thế như mọi người đã thấy trong bức ảnh.

- Sau 35 năm chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, với tư cách là một cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, ông có điều gì muốn tâm sự với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ?

Từ ngày 18 đến 30-12-1972, Mỹ đã tập kích chiến lược quy mô lớn với B52 rải thảm bom chưa từng có xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác. Trong cuộc tập kích chiến lược mang tên “Linebacker II”, Mỹ đã dùng 200 máy bay chiến lược B52 với trên 700 lượt bay, hơn 36.000 tấn bom và 1.000 máy bay chiến thuật các loại, cùng những thủ đoạn đánh phá nham hiểm và tàn bạo. Nhưng một lần nữa, Hà Nội lại vùng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, giáng cho kẻ thù những đòn đích đáng và giành thắng lợi rực rỡ.

Tôi nghĩ với sự kiện có tầm vóc lịch sử to lớn như chiến thắng “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”, cần phải làm công tác tuyên truyền, giáo dục một cách đầy đủ và thường xuyên hơn. Ý nghĩa của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” không đơn thuần là một trận thắng, quan trọng là qua đó một lần nữa đã khẳng định sức mạnh vĩ đại của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất  của nhân dân ta trước bất kỳ thế lực nào.

Mặc dù đã có nhiều sách báo được viết ra từ các cựu chiến binh, nhưng đến nay, khá nhiều bạn trẻ vẫn còn thắc mắc thế nào là “Điện Biên Phủ trên không”!? Thế hệ trẻ hôm nay có sứ mệnh mới trước vận hội mới, nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy những thử thách, chông gai. Chính vì thế, cần khơi dậy cho họ lòng tự hào, sự tự tin bằng giá trị tinh thần từ những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh vệ quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Cần phải có những “Điện Biên Phủ” trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước!

- Xin cảm ơn ông.

Quý Lâm thực hiện

Tin cùng chuyên mục