Ghi chép cuối năm

Giấc mơ thượng đế!

Giấc mơ thượng đế!

1. Không biết có phải vì là ngày ông Táo chầu trời không mà 23 tháng chạp VN Airlines đã kín chỗ.

Cô bé ở văn phòng bảo tôi:

- Hay để em đặt chỗ ngày mai cho anh. Hôm nay chỉ còn vé Pacific Airlines, chuyến 15 giờ 50.

Ngày mai thì lỡ hết công việc. Thời gian tính kỹ rồi. Chợt nhớ mình mới duyệt đăng bài về Pacific Airlines. Thôi, đi một chuyến cho mở rộng tầm nhìn.

2.
Cậu lái xe đưa tôi ra sân bay lúc 15 giờ thiếu 10. Chưa đi Pacific lần nào nên tôi ghé đại một quầy thủ tục. Cô nhân viên xem vé rồi đưa trả tôi tấm thẻ Golden Lotus.

- Chú ơi! Thẻ vàng chỉ có giá trị khi chú bay với VN Airlines.

Giấc mơ thượng đế! ảnh 1

Một chuyến bay của Vietnam Airlines Hà Nội - TPHCM.
Ảnh: ĐÀI TRANG

Tôi nhận thẻ lên máy bay và đành lên phòng đợi của Sasco. Vừa may, tôi gặp anh bạn là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh vừa đi thăm và tặng quà đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên về. Tôi hỏi thăm về chuyện bà con đón tết. Anh nói vội mấy câu rồi giơ đồng hồ:

- Tôi phải ra máy bay. Anh bay chuyến mấy giờ?

- Tôi đi Pacific Airlines, chuyến 15 giờ 50.

- Thế thì còn sớm chán. Chào anh.

Vâng quả là còn sớm chán. Nhưng chờ mãi không thấy thông báo gì, tôi nhìn trên thẻ: giờ lên máy bay - 15 giờ 30. Tôi lật đật ra cửa số 3. Đúng là người ta đang xếp hàng lên máy bay thật. Bảng điện hiện số: Chuyến bay BL 806. Đúng là chuyến bay của tôi.

Vừa bước lên máy bay, cậu tiếp viên to cao đã làm tôi giật thót người.

- Chú ơi! Cháu mời chú qua đây.

- Có chuyện gì vậy?

- Hành lý xách tay của chú quá khổ.

Sao lại quá khổ nhỉ? Chiếc túi xách tay đã theo tôi hàng chục chuyến bay?

- Tháng trước chú đi VN Airlines cũng bằng chiếc túi này.

- Nhưng máy bay bọn cháu nhỏ.

Tôi nhìn quanh: Airbus 320. Tôi đã từng đi A.320. Túi của tôi vẫn bỏ lọt khoang hành lý. Thấy tôi băn khoăn, cậu tiếp viên nằn nì:

- Chú có gì quý thì lấy ra. Cháu bỏ túi xuống khoang gửi đồ. Đến sân bay chú sẽ lấy.

Tôi thấy mình đang rơi vào tình huống bất ngờ và lố bịch. Gửi đồ thì mất thời gian? Lấy đồ ra lại quá phiền phức.

- Sao lúc làm thủ tục không ai nói với chú nhỉ?

- Chắc tại mấy cô không nhìn thấy hành lý xách tay.

Làm thủ tục không coi hành lý xách tay? Đúng là chuyện như đùa. Nhưng thấy không nên vì chuyện mình ảnh hưởng đến hành khách khác. Tôi đề nghị:

- Bây giờ có 2 cách: Hoặc là chú xin hủy chuyến bay, hoặc cháu thu xếp cho chú 1 chỗ để hành lý.

Cậu tiếp viên nhìn tôi:

- Thôi được! Mời chú về chỗ ngồi. Cháu sẽ gọi xin ý kiến.

Không biết cậu ta xin ý kiến ra sao nhưng sau đó tôi thấy cậu xách hành lý của tôi ra phía sau.

Quay lại, cậu nhã nhặn bảo:

- Xong rồi chú ơi! Túi xách của chú để trong khoang hành lý hàng ghế thứ 15.

Tôi thở phào. Có cảm giác vừa đi qua một đoạn đường dốc cao vác nặng. Nhờ trời Phật phù hộ. Thật may. Bây giờ thì tôi có thể yên tâm thực hiện một thói quen mỗi khi lên máy bay: ngủ.

3.
Tôi không ngủ được lâu. Tiếng thánh thót của cô tiếp viên làm tôi chợt tỉnh.

- Chú ơi! Cháu mời chú uống nước.

- Chỗ cháu có nước gì?

- Nước cam, nước táo, cà chua...

- Xin lỗi, có bia không? Làm ơn cho chú lon 333.

Cô tiếp viên xinh đẹp lịch thiệp kéo chiếc bàn lên đặt xuống 1 cái ly và lon bia.

- Chú làm ơn cho cháu xin 15.000đ.

Tôi ngẩn người. Hôm nay là ngày gì mà lắm sự bất ngờ thế nhỉ? Tôi đã bay nhiều lần, cũng từng bay với các hãng hàng không nhiều nước...

- Thế... suất ăn bao nhiêu?

- Thưa chú, 20.000

- Còn bánh mì.

- Dạ, cũng 20.000.

Tôi im lặng bật nắp lon bia. Người kinh doanh có lý của người kinh doanh. Tôi sực nhớ, có thể cô nhân viên văn phòng mua cho tôi chuyến bay giá rẻ. Tôi lật chiếc vé. Giá cước chưa thuế là 1.428.571 VNĐ. Thuế giá trị gia tăng: 71.429 VNĐ. Lệ phí: 30.000 VNĐ. Giá cước tổng cộng là 1.530.000. Không rẻ hơn bình thường...

Tôi định hỏi cô tiếp viên. Rồi thôi. Bữa ăn là chuyện nhỏ. Rất nhỏ. Nhưng chắc quá tầm hiểu biết của cô tiếp viên. Bữa ăn trả tiền, có thể, cũng là một triết lý kinh doanh mà chỉ những người cao hơn cô tiếp viên nhiều lần mới hiểu được. Nhưng tôi chợt phân vân: Chúng ta sẽ ra biển lớn bằng thứ tư duy nào? Đồng tiền cũng có đồng tiền dại và đồng tiền khôn. Và chuyện bữa ăn liệu có phải là chuyện “tham bát bỏ mâm” như ông bà xưa nói. Tôi bỗng đâm nghi ngờ bài viết về hãng hàng không cạnh tranh giá rẻ mà chính tôi đã duyệt in.

4.
Làm việc đến nửa đêm tôi mới phát hiện ra mình đang đói. Cái cảm giác lạ lùng buổi chiều khiến tôi bỏ dở lon 333 và không muốn ăn gì thêm. Cảm giác ấy đã hại tôi. Nhưng Hà Nội 11 giờ đêm cấm các cửa hàng ăn uống. Lần đầu tiên trong đời, giữa đêm ông Táo chầu trời tôi chữa đói bằng cách bật nắp lon Heineken và uống một mình, lon bia được ghi giá 1 USD.

Tôi cố dỗ giấc ngủ. Truyền hình đang truyền trực tiếp giải bóng đá Anh. Trong giấc ngủ lơ mơ tôi thấy mình bay trên chuyến bay được phục vụ đến tận răng và giật mình. Có vẻ như câu cửa miệng “khách hàng là thượng đế” ở Việt Nam vẫn chỉ là chuyện trong mơ và chưa hết là một món đồ chơi xa xỉ.

5.
Mang tâm trạng luyến tiếc về giấc mơ thượng đế, tôi đổi chuyến bay về Sài Gòn sang Việt Nam Airlines. 9 giờ sáng 26 tháng chạp, tôi lên xe ra sân bay để bay chuyến 11 giờ.

Cô nhân viên văn phòng “mở hàng” buổi sáng bằng một tin không vui:

- Anh ơi! Hàng không báo có sự cố, chuyến bay 11 giờ của anh lùi lại 14 giờ. Hay anh quay lại Hà Nội?

Tôi điếng người. Làm sao quay lại? Phòng khách sạn đã trả. Không lẽ thuê thêm một ngày? Lên sân bay cũng chờ đợi nhưng có lẽ đỡ hơn. Thôi, cũng đành nhắm mắt đưa chân...

Tại phòng thủ tục sân bay, giấc mơ thượng đế bị xói mòn thêm khi cô nhân viên bảo tôi:

- Chú đi 2 người phải không. Cháu làm thủ tục luôn. Nhưng chỉ một mình chú được vào phòng khách Golden Lotus.

Bà chị dâu tôi xuê xoa:

- Thôi chú ơi! Phòng chờ nào chả là… phòng chờ. Nhưng tôi hơi tò mò, cái thẻ vàng của chú có quyền lợi gì đặc biệt không?

Tôi ngớ người. Có gì đặc biệt nhỉ! Lâu lâu người ta có gửi thông báo về số điểm và vô số chỉ dẫn nhưng tôi chả hiểu bao nhiêu. Chuyện thưởng vé, ưu đãi các thứ, nghe bảo có nhưng tôi chưa thấy bao giờ. Có điều, mỗi lần đi được làm thủ tục riêng, vào phòng khách ngồi sa lông, ăn trái cây hay tô mì gói tính ra chắc cũng mấy chục ngàn. Và cái chính có lẽ là chút hãnh diện: mình là người quan trọng.

- Nhưng trước đây...

- Trước đây miễn phí chủ thẻ và thêm 1, 2 người. Bây giờ thì hết rồi.

- Không thể có ngoại lệ?

- Không được đâu chú ơi! Đó là quy định.

Vâng! Quy định thì hết cách rồi. Ai chẳng muốn làm thượng đế nhưng cũng phải có người cho mới được chứ. Nhưng lại nghĩ, quy định là do con người. Không biết người có trách nhiệm khi làm quy định có nghĩ đến chuyện khách “vàng” đi cùng với thân nhân, với vợ con?

Mang tâm trạng hơi nặng nề, tôi vào phòng cách ly. Đồng hồ chỉ đúng 11 giờ. Việc đầu tiên của tôi là bỏ chiếc thẻ vào thùng rác. Nhưng còn đến 3 tiếng nữa. 3 tiếng là 180 phút, là... 10.800 giây. Tôi cố gắng câu giờ nhưng thời gian vẫn đi chậm như rùa bò. Giữa lúc đang nhen nhóm hy vọng thì bỗng nhận thêm một gáo nước lạnh từ trên trời rơi xuống.

- Hàng không Việt Nam trân trọng thông báo, do máy bay về muộn, chuyến bay VN 217 sẽ khởi hành chậm. Thời gian cất cánh là 14 giờ 20. Chúng tôi xin chân thành cáo lỗi…

Tôi ngồi im. Lại chậm, bất khả kháng. Lại xin lỗi. Vẫn điệp khúc xưa nay. Hàng không Việt Nam xin lỗi. Nhưng tội vạ đổ hết lên đầu khách hàng. Tôi đưa mắt nhìn hàng trăm “thượng đế” nét mặt u sầu ngó mông lung ra sân bay mơ về một phép lạ.

Không ai biết mọi người nghĩ gì? Riêng tôi trong đầu cứ lởn vởn mãi câu “khách hàng là thượng đế”. Khách hàng là thượng đế là nghệ thuật kiếm tiền hay là văn hóa kinh doanh? Cao hơn có phải đó là cái gốc của sự phát triển?

Và tôi giật mình: Giấc mơ hóa rồng sẽ mãi mãi chỉ là giấc mơ huyễn tưởng nếu không hiểu thấu cái đạo lý thâm sâu của kinh doanh - một nền kinh doanh vì phẩm giá con người.

Tôi nhìn quanh. Các “thượng đế” có vẻ đã kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng còn có thể làm gì hơn ngoài mơ ước và chờ đợi?

Trách ai bây giờ? Có trách thì tôi phải tự trách mình: Sao mình lại khởi hành vào đúng ngày 13. 

DƯƠNG TRỌNG DẬT

Tin cùng chuyên mục