Những người đàn bà không ngủ

Những người đàn bà không ngủ

Thật bất ngờ khi ở đó tôi tìm được Thủy sinh năm 1984, Huệ sinh năm 1988, chị Hương có thâm niên bốc xếp hai mươi mấy năm ròng mà vẫn đẹp. Gần như toàn bộ chị em trong đội bốc xếp chợ đầu mối Thủ Đức đều ra nghề từ thuở mười tám, đôi mươi, nghĩa là hùng hục vác, huỳnh huỵch chạy, bặm môi gồng mình ở cái tuổi mơn mởn đào tơ. Tuổi xuân của họ im ắng, lặng buồn như sọt khoai, rổ sắn mà mấy chục năm nay họ gánh gồng từ đầu hôm tới sáng.

364 đêm không ngủ

“… Còn đêm được ngủ duy nhất là đêm giao thừa. Mình “cắm trại” trong chợ 24/24 giờ từ 25-26 tết để xuống hàng đến hết ngày 29 tết (năm nay không có 30) lãnh tiền về nấu mâm cơm cúng tổ tiên, ngủ với thằng bé con một đêm, 3 giờ chiều ngày mùng 1 lại ra chợ kéo dưa, kéo cải…”. Vừa tháo sợi dây “xích” chiếc ghế ở góc cột ra ngồi chờ hàng, giọng chị Ngô Thị Ngọc Bích, công nhân bốc xếp của tổ hàng Đơn Dương đều đều như đếm trong màn đêm.

Những người đàn bà không ngủ ảnh 1

Các thành viên đội bốc xếp nữ tại chợ đầu mối Thủ Đức.

Từ ngày chồng mất, cuộc sống mẹ góa con côi buộc chị phải lập cho mình một thứ kỷ luật lao động khắt khe: chế độ công ty cho nghỉ một tháng 4 ngày, một năm 3 ngày tết nhưng không bao giờ chị Bích sử dụng đến.

Nhà Bích ở chợ Cầu Muối. Làm ở đây tính tiền ngày: có làm có ăn. Công nhân nghèo, làm ngày nào ăn ngày đó.

Công nhân có quyền nghỉ nhưng chị không có quyền để con trai một ngày thiếu đói, không có quyền im lặng chảy nước mắt mãi khi nó xin tiền mua sách, đóng tiền trường.

Vậy là rát mặt đi làm: mưa bão cũng đi, bệnh cũng đi, trừ khi không lết nổi phải vào viện. Mà ơn trời, cả năm rồi chị không phải đến thăm bác sĩ. Nhắc đến chị Bích, mọi người trong tổ lắc đầu: “Cũng may là đêm giao thừa chẳng ai chở hàng về chợ, nếu không chắc bả cũng đi làm quá!”.

Ngày mới lập chợ đầu mối Thủ Đức, Bích và Thanh là 2 nữ bốc xếp đầu tiên được nhận vô làm. Mà thủ tục cũng chẳng dễ gì. Khi chợ Cầu Muối giải thể, toàn bộ đội quân bốc xếp ở đây lâm cảnh thất nghiệp bơ vơ.

Chồng chết, con nhỏ, lại nghe người ta tuyển toàn người mới, không có chỗ cho dân bốc xếp Cầu Muối, Bích và Thanh ôm nhau khóc mấy hôm liền.

Hết cách, hai chị em bàn nhau đem hết mấy cuốn sổ làm cò (sổ ghi chép và phân bổ hàng cho công nhân giao tận vựa) như một thứ “chứng chỉ hành nghề” ngót hai mươi năm nhờ người gửi lên Ban quản lý chợ Thủ Đức với chút lý luận cầu may: Chợ lớn, lại mới lập thế này, cần có người nhiều kinh nghiệm bốc dỡ, không thì hàng hóa lạc hết, dập hết. Vậy là được nhận. Hai chị em mừng rơi nước mắt.

Lên làm được mấy tháng, thấy những công nhân mới không biết cách bốc dỡ, gây thất thoát lớn cho công ty, chị Bích, chị Thanh cùng một số anh em khác đứng ra đề xuất Ban giám đốc nhận thêm công nhân bốc xếp có thâm niên ở chợ Cầu Muối về, vừa đảm bảo chất lượng làm hàng, vừa truyền nghề cho những người mới.

Một văn bản được thảo về cho UBND phường Cầu Ông Lãnh yêu cầu tập hợp số lao động bốc xếp cũ. Chị em già có, trẻ có lại đổ về Thủ Đức tiếp tục cái nghề mẹ truyền con nối.

Cơ bắp... mưu sinh

Đội bốc xếp hàng rau củ ở chợ đầu mối Thủ Đức hiện có 21 công nhân nữ, đảm nhiệm công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng từ container vào tận vựa. Thời gian làm việc từ khoảng 20 giờ cho đến 3-4 giờ sáng.

Cũng làm 8 tiếng như công nhân viên chức nhà nước nhưng có trắng đêm cùng chị em bốc xếp mới thấy rõ 8 tiếng lao động của họ có thêm mùi sương lạnh và mặn mồ hôi.

Những người đàn bà không ngủ ảnh 2

Chị Nguyệt đang bốc dỡ hàng. Ảnh: M.Hg.

6 giờ tối, chị em tập trung về chợ, ăn vội tô hủ tiếu gõ, uống chớp nhoáng ly cà phê đen rồi hóng mắt chờ xe hàng về.

8 tiếng đồng hồ ở chợ là quãng thời gian đi lại như con thoi, cần mẫn vần, đẩy những sọt khoai, sọt cải, mỗi chuyến trên dưới 200kg.

Trung bình một đêm, tổ hàng Đơn Dương của các chị phải bốc dỡ từ 15-19 xe tải hàng. Xe về sớm, xong sớm, nghỉ sớm.

Xe về trễ hay bị tai nạn dọc đường thì có khi phải chờ cho tới sáng. Thủy- năm nay mới 22 tuổi nhưng đã đi làm gần 5 năm kể: “Đêm nào cũng phải dỡ cho đủ hàng. Xe chưa về mà bỏ về thì bị gọi lại, có khi mất việc. Ớn nhất là đẩy hồng. 4 bịch hồng chất lên xe cao gần tới cổ. Đi không khéo là bật ngửa, lớp bị té, lớp phải đền tiền.

Một bịch hồng 7-8 trăm ngàn mà dập, phải đền thì coi như tháng đó làm không đủ ăn. Cực nhất là ngày mưa, người ướt lạnh, đường trơn trợt, nhìn xe chanh gần hai trăm ký mà muốn khóc!


Nổi bật trong những chị em tổ bốc xếp là chị Hương với gương mặt hao hao giống MC dẫn chương trình truyền hình Quỳnh Hương. Hai năm trước, chị kéo, vác hàng bị gãy tay nằm nhà cả tháng.

Bận ấy, Hương đã quyết thoát kiếp bốc xếp, cố dành vốn mua bán lặt vặt nhưng rồi hàng họ ế ẩm, bị người ta ăn thiếu hoài nên rốt cục lại trở về xin chân bốc xếp, xem nó như cái nghiệp đeo mang cho đến tận cuối đời.

Niềm vui duy nhất của chị là 2 đứa con còn được đi học. Chị Liên nhà ở Long An, trước làm bốc xếp chợ Cầu Muối. Khi chợ giải thể, vợ chồng khăn gói lên Long An mua nhà lập nghiệp.

Cày cọc chật vật mãi không khá nổi, cuối cùng cũng về chợ Thủ Đức này đẩy xe cút kít thồ rau. Chiều chiều, chị phóng chiếc xe máy cũ mèm vượt gần 50 cây số từ Long An xuống chợ, làm tới mờ sáng lại lùi lũi phóng xe về.

Vất vả mấy chục năm với nghề chỉ để nuôi thằng con năm nay đã 15 tuổi. Còn hai đứa con của chị Phượng từ lúc biết gọi mẹ cho đến ngày đi học đã quen với chuyện ngủ ở nhà một mình vì hai vợ chồng chị đều làm bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức.

Ông Trương Minh Quang, đội trưởng đội bốc xếp chợ đầu mối Thủ Đức cho biết: “Đã 2-3 năm nay, đội không tuyển thêm lao động nữ. Công việc nặng nhọc không phù hợp với chị em. 2 đội nữ hiện còn duy trì cũng vì chị em hầu hết đều đã lớn tuổi, nếu mất việc ở đây, lại không có vốn liếng làm ăn thì không dễ tìm việc khác”.

Đã sang ngày mới. Sương xuống mỗi lúc một lạnh. Đêm ở chợ đầu mối là đêm của những bước chân vội vã, của những cánh tay áo quệt vội mồ hôi, đêm của xe đẩy, của tiếng chửi thề, cà phê đen và hủ tiếu gõ.

Đêm nay có một xe tải hàng đâm phải xe khách ở Khánh Hòa. Vậy là tổ hàng Đơn Dương phải chờ cho đến sáng.

Chị Thanh, Thu, Nguyệt, Huệ, dì Nho, dì Ngon… nhanh chóng thu xếp một chỗ ngủ dã chiến ngay trên xe đẩy của mình, bất chấp sương lạnh , muỗi đốt.

Khi làm xong công việc ở tổ hàng Đơn Dương, dì Nho, dì Ngon (đã ngoài 50 tuổi) còn ở lại chợ bốc xếp thêm hàng trái cây cho tới 8-9 giờ sáng.

Giấc ngủ ở đây được tính bằng phút. Chỉ có mỗi Thủy - cô bạn gái 23 tuổi - là còn thức. Tôi xin Thủy kéo thử một xe hàng và loạng choạng suýt ngã vì quá nặng. Vậy mà… vì cuộc sống của cả gia đình mình, những người phụ nữ ấy vẫn quần quật, thoăn thoắt, hàng đêm… 

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục