Chị Út Hằng với 28 năm miệt mài

Đi tìm gia đình đồng đội đã hy sinh

Đi tìm gia đình đồng đội đã hy sinh

Con đường Lê Văn Sỹ kéo dài tận 3 quận nên khó khăn lắm, tôi mới tìm được nhà số 17 Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận của chị Út Hằng và anh Năm Nghĩa, cựu cán bộ, giao liên chiến trường chống Mỹ của Thành đoàn TPHCM.

Tìm đồng đội không kể thời gian

Chị Út Hằng, tên thật Đoàn Thị Kim Cúc - là người đã mất 28 năm đi tìm đồng đội chỉ với một di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Thị Đỉnh.

Đi tìm gia đình đồng đội đã hy sinh ảnh 1

Mẹ của liệt sĩ Lê Văn Vận.

Năm 1968, trong lớp chỉnh huấn giao liên tại cồn Bình Thạnh (Đồng Tháp), chị Út Hằng đã gặp chị Sáu Phương (bí danh của chị Đỉnh) và hai chị em nói chuyện hợp với nhau đến lạ! Về TPHCM sau lớp học, hai chị em thường gặp nhau tại chợ Bến Thành. Út Hằng là nhân viên của anh Năm Nghị, còn Sáu Phương là nhân viên của chị Sáu Dung. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là đưa thư từ nội thành về cứ và ngược lại, bảo vệ các anh, chị lãnh đạo hoạt động an toàn.

“Một sáng chủ nhật đầu năm 1969, khoảng 8 giờ, hai chị em vào Sở Thú (Thảo Cầm viên hiện nay) chụp tấm hình làm kỷ niệm vì cùng đơn vị, đồng hương Long An nữa chứ!”- chị Út Hằng nghẹn ngào kể. Tấm hình này sau đó chị Út Hằng giữ một tấm, chị Sáu Phương giữ một tấm và tấm còn lại chị Hạnh (bí danh Chín Hồng) cùng đơn vị xin một tấm làm kỷ niệm.

Ngày 3-7-1969, cơ sở bị lộ, chị Út Hằng bị bắt tại nhà của Thành đoàn mướn ở 422 Bến Bãi Sậy quận 6. Mãi đến năm 1976, chị Chín Hồng trả lại tấm hình còn sót lại duy nhất cho chị Út Hằng (trong lần kiểm tra lại xem cán bộ của Thành đoàn ai còn ai mất). Năm 1992, Thành đoàn phát động phong trào đi tìm gia đình liệt sĩ, chị Út Hằng đến huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), đi khắp các căn cứ và phát tấm hình này xem ai có biết tin tức về chị Đỉnh hay gia đình chị, nhưng không ai biết.

Năm 1997, chị Út Hằng về bán cơm tại 100 Lê Văn Sỹ. Những lúc rảnh, nghe nói ở đâu có người giống người trong ảnh, chị Út vội phóng xe đi tìm, vừa đi vừa cầu nguyện gặp được mẹ chị Đỉnh.

Tháng 6-1997, tại xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), gặp một người giống người trong di ảnh, cô Út hỏi ra thì biết đó là em ruột chị Đỉnh. Được dẫn về nhà, bước vào căn nhà lá, thấy hình chị Đỉnh trên nóc tủ quần áo, mối ăn hết, chỉ còn mặt thôi. “Mẹ ơi, con là đồng đội của chị Đỉnh đây!” - Vừa nói chị Út vừa ôm chầm lấy người mẹ già nua mà khóc…

Sau đó, chị Út lấy hình gốc này, họa lại rồi ra tiệm rửa lớn để mẹ chị Đỉnh thờ. Mời được nhà ngoại cảm, chị cùng mẹ chị Đỉnh đã tìm được mộ chị Đỉnh.

Thật bất ngờ, tháng 3-2006, Thành đoàn tổ chức gặp gỡ cán bộ cũ. Anh Hai Dũng, người cùng bị bắt với chị Đỉnh, hiện đang sống tại Đồng Nai nói: “Chị Đỉnh hy sinh ngày… 19-5-1969”.

“Em có phải là người yêu...?”

Trước khi tìm được gia đình chị Đỉnh sau 28 năm ròng rã, chị Út Hằng còn trải qua biết bao nhiêu ngày đi tìm hai gia đình liệt sĩ khác nữa.

Năm 1990, Thành đoàn tổ chức đợt “Về nguồn tìm thân nhân liệt sĩ”, chị Năm Trang (đã mất) lúc ấy bảo: “Cho con Hằng đi theo, vì mấy vụ này nó rành lắm!”. Lần này, chị Út Hằng có nhiệm vụ đi tìm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Bá Tí (sinh năm 1948, mất ngày 18-2-1973) là lực lượng bảo vệ căn cứ, từ miền Bắc xung phong vào Nam.

Là đồng đội, anh Năm Nghĩa bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy, anh Tí đưa anh Dương Văn Đầy (biệt danh Bảy Không), cựu Chủ tịch UBND quận 1, Giám đốc Sài Gòn Tourist (đã mất) đi công tác, từ Phú An (Bình Dương) băng qua một cửa khẩu ra thành (Sài Gòn). Anh Tí đi trước bị lọt vào ổ phục kích của địch. Anh cùng một đồng đội nổ súng chống lại và anh đã hy sinh. Vì anh chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng nên bị giặc Mỹ căm hận, lấy xe tăng kéo xác về phơi ở ấp chiến lược.

Đi tìm gia đình đồng đội đã hy sinh ảnh 2

Chị Út Hằng đang trao đổi với tác giả. Ảnh: P.A.H.

Năm ấy, Thành đoàn chỉ lo mướn xe, còn cán bộ đi tìm gia đình liệt sĩ phải tự lo ăn ở. Đi từ Bắc vào Trung, chị Út Hằng và chị Ba Vân mất 14 ngày tìm kiếm ở Nghệ An dưới cái nắng như đổ lửa của mùa gió chướng. Vẫn không tìm được, chị Út nhờ Đài PT-TH Nghệ An đưa lên sóng. Về đến TPHCM, Đài và Sở LĐTB-XH Nghệ An báo tin cho chị biết đã tìm được thân nhân. Chị và em của anh Tí (mẹ anh đã mất), cấp tốc đi xe đò vào TPHCM. Gặp chị Út Hằng, chị nhìn thân nhân anh Tí là biết ngay vì rất giống anh! Người chị thứ hai của anh Tí rất cảm động hỏi: “Em có phải là… người yêu của anh Tí không?”, chứ không nghĩ là đồng đội sau bao nhiêu năm vẫn canh cánh bên lòng việc đi tìm gia đình liệt sĩ.

Một trường hợp khác, năm 1996, Thành đoàn tổ chức cho các mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ đi tham quan Hà Nội. Lần này, chị Út Hằng cũng đi theo với nhiệm vụ là đi tìm thân nhân liệt sĩ Lê Văn Vận (bí danh Hai Xuân), hy sinh năm 1973 ở Củ Chi. Trong khi đoàn ở Hà Nội thì chị Út và chị Chín, chị Cảnh đón xe đò đi Thanh Hóa để tìm. Điều khó khăn nhất là không có hình như liệt sĩ Nguyễn Thị Đỉnh hay Nguyễn Bá Tí trước đây, mà chỉ biết tên anh là Vận ở Thanh Hóa mà thôi!

Tới Thanh Hóa, cả 3 chị em đi thẳng tới Sở LĐTB-XH nhờ giúp đỡ. Anh Kim - Giám đốc, chị Sáu - Phó Giám đốc sở, dắt 3 chị vào kho lưu trữ hồ sơ liệt sĩ. Tại đây, chị Út làm nhiệm vụ nhận dạng, hai người còn lại xem lý lịch. Đến ngày thứ 9, chị được 14 hồ sơ có tên gần giống nhau. Qua Tỉnh đội, chị đối chiếu còn 4 hồ sơ.

Một chiều tháng 7-1996, sở cho chiếc Uoát chở cả 3 xuống xã để tìm. Vẫn không tìm ra. Hôm sau, các chị mượn xe đến xã Quảng Hòa, huyện Quảng Sương (Thanh Hóa), sau khi hỏi thăm, xã chỉ đến một gia đình. Vào nhà này, người mẹ nói: “Thằng Vận vào Sài Gòn, viết thư về ký tên Hai Xuân, nói là tên người yêu của nó!”. Em ruột anh Vận dẫn chị Út đi hỏi cô người yêu anh Vận thì mới xác định đúng gia đình.

Thay mặt CLB Truyền thống kháng chiến Thành đoàn, chị Út trao 1,5 triệu đồng cho mẹ anh Vận mà khóc nức nở: “Chúng con trải qua hơn nghìn cây số tới được đây, mà trao số tiền quá ít, thôi thì của đồng công nén vậy”. Chị Út áy náy với số tiền nhỏ. Biết chuyện, một cán bộ của Sở LĐTB-XH bảo: “Ở đây, ba người mới có một sổ tiết kiệm. Mỗi sổ chỉ có….100.000đ. Quê hương này còn nghèo lắm, chị ạ!”.

Về TPHCM, Thành đoàn và chị Út vận động Sài Gòn CoopMart đã trao tặng 15 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Vận.

Thấy gia đình anh Vận quá nghèo, tháng 11-1998, chị Út lại lên xe lửa cùng anh Năm Đức, chị Ba Vân ra lại Thanh Hóa mang tiền quyên góp được 1 triệu 860 ngàn đồng để giúp đỡ gia đình liệt sĩ Lê Văn Vận. Chị Út còn mang theo… 5 bao quần áo cho gia đình. Đến nơi, việc đầu tiên của chị Út là mua bàn thờ, lư hương để thờ anh Vận. Tiền còn lại, chị mua thêm một chiếc giường cho mẹ anh Vận và một bộ salon gỗ để tiếp khách. Những năm sau, năm nào Thành đoàn cũng tổ chức thăm viếng các gia đình liệt sĩ, kèm theo những món quà ý nghĩa.

Bây giờ dù đã nghỉ hưu nhưng khi Thành đoàn cần người đi tìm thân nhân các liệt sĩ là chị lại khăn gói lên đường. Chị Út đã vận động hàng chục công ty của TPHCM tặng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, chăm sóc cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

PHẠM AN HÒA

Tin cùng chuyên mục