Vỡ mộng… bò vàng!

Vỡ mộng… bò vàng!

Con bò dễ nuôi nên được xem là vật nuôi xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở nông thôn ĐBSCL. Thế nhưng, vì chạy theo phong trào “nhà nhà nuôi bò, người người nuôi bò”, giá bò giống bị đẩy cao… chóng mặt. Sau 3 năm đứng ở “giá ảo”, hiện giá bò ở ĐBSCL nói chung, ở Trà Vinh nói riêng giảm giá chưa từng có, khiến hàng ngàn người chăn nuôi bò lao đao…

  • Nhà nhà đổ xô... nuôi bò

Vỡ mộng… bò vàng! ảnh 1

Trang trại bò của ông Phan Văn Cuội Ảnh: Đ.C

ĐBSCL hiện có tổng đàn bò khoảng 250.000 con, trong đó tỉnh Trà Vinh chiếm hơn 140.000 con, được xem “vương quốc bò” miền Tây, nơi cung cấp bò giống lai Sind và bò thịt cho cả vùng ĐBSCL. Từ năm 2001, Trà Vinh có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi bò theo hướng công nghiệp (cứ mỗi trang trại có 15 bò cái sinh sản được nhà nước hỗ trợ 1 bò đực giống Sind, hạt cỏ giống, tiêm phòng miễn phí…), nên phong trào nuôi bò phát triển rầm rộ. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 trang trại nuôi bò, hàng năm đàn bò tăng thêm  hơn 20.000 con mang lại thu nhập cho người chăn nuôi khoảng 80 tỷ đồng.

Những năm gần đây, trước đại dịch cúm gia cầm, con bò là vật nuôi xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất ở nông thôn, từ đó nghề nuôi bò sinh sản ở ĐBSCL “lên ngôi”. Hàng trăm thương lái các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp… đổ dồn về Trà Vinh “săn” bò giống. Đặc biệt, hai năm gần đây, thực hiện chương trình hỗ trợ 11.000 con bò sinh sản cho 5.500 hộ Khmer nghèo chăn nuôi, đã tạo thêm sự “cộng hưởng” đẩy giá bò giống tăng đột biến: bò 2 năm tuổi giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, tăng  lên 5 - 6 triệu đồng/con, bò cái lai Sind từ  9 - 12 triệu đồng/con. Không dừng lại ở đó, các chương trình trợ vốn tín dụng ưu đãi xóa nghèo trong hội viên các ngành, đoàn thể như: đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, hội cựu chiến binh… cũng chăm bẵm vào con bò.

Nuôi bò sinh lợïi nhanh, thu hồi vốn dễ nên trong báo cáo tổng kết thành tích xóa nghèo từ ấp, xã đến huyện, tỉnh đều xem đây là bài học quý. Nhà nhà nuôi bò, người người nuôi bò nên đất ven tuyến quốc lộ 53 những khoảnh vuông giồng, bìa chéo quanh nhà, bà con đều tận dụng trồng cỏ. Thế nhưng, khi chương trình hỗ trợ 11.000 con bò của tỉnh cho người nghèo sắp kết thúc thì giá bò giống, bò thịt rớt thảm thương, hàng ngàn hộ chăn nuôi đang… dở khóc, dở cười.

  • Giá bò biến động, ai lợi ?

Theo số liệu từ UBND tỉnh Trà Vinh, năm 2006, đàn bò toàn tỉnh tăng thêm 23.922 con, nâng tổng đàn 141.795 con, nhưng giá trị sinh lợi từ con bò chỉ mang lại chỉ khoảng 50 tỷ đồng (giảm 50% so với thời giá năm 2004- 2005). Điển hình là huyện Cầu Ngang, địa phương có đàn bò cao nhất tỉnh với hơn 31.000 con, sau 2 năm thực hiện chương trình đầu tư bò sinh sản cho hộ nghèo chăn nuôi, số dư nợ hiện lên đến hơn 10 tỷ đồng (chiếm 1/4 dư nợï của Ngân hàng chính sách xã hội Trà Vinh cho dự án chăn nuôi bò hộ Khmer nghèo toàn tỉnh).

Ông Huỳnh Trung Tràng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang có hơn 20 năm nuôi bò, là chủ trang trại 15 con bò giống lai Sind, bức xúc: “Bò rớt giá chủ yếu là bò cái sinh sản. Vì dự án thực hiện, ai cũng tìm mua bò cái nên đã đẩy giá bò lên cao. Khi lập trang trại để đúng số lượng 15 con cái, tôi phải vay thêm 20 triệu đồng, giá bò lúc đó 5 - 7 triệu đồng/con, giờ chỉ còn 3- 4 triệu đồng/con, coi như lỗ một nửa”. Không riêng Cầu Ngang, chuyện bò giống rớt giá đang là thời sự “nóng hổi” của nhiều địa phương ở ĐBSCL.

Đưa tôi tham quan đồng cỏ 0,5ha xanh mướt cao quá gối, ông Phan Văn Cuội, chủ trang trại 45 con bò sữa, bò lai Sind ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành tiếc rẻ: “Tôi là người đầu tiên ở địa phương đưa bò sữa, bò lai Sind về nuôi. Con bò sữa thoái trào vì thiếu kỹ thuật, giá sữa quá thấp không đủ chi phí. Bán 10 con bò sữa, tôi lỗ hàng chục triệu đồng”. Sau bò sữa, đàn bò lai Sind của ông Cuội cũng lần lượt bán đổ, bán tháo để trả nợ vay 45 triệu đồng ngân hàng. Hiện ông chỉ còn giữ lại 15 con bò cái với mong mỏi giá bò ổn định trở lại.

Anh Trần Văn Hoàng ở thị trấn Châu Thành, chủ trang trại bò giống, “chuyên gia”  nuôi bò vỗ béo cung cấp cho thương lái các tỉnh miền Tây nhìn nhận: Thời “hoàng kim” của bò vàng (năm 2004 - 2005), trang trại tôi có hơn 100 con. Ngày nào cũng đón hàng chục thương lái các tỉnh đổ về. Qua cơn sốt giá “ảo”,  hiện bò giống đã trở về với giá… thật của nó. Thật ra, bò giống tăng giá do chương trình nuôi bò được nhà nước phát động. Các hộ nuôi bò được vay ưu đãi nên hàng ngàn nông dân ngoài chương trình cũng đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn nuôi… bò. Nhà nào cũng nuôi bò, nên tạo cơn “khát” bò giống, chỉ có thương lái là “được mùa”.

Đối với người nghèo, con bò là vật nuôi xóa nghèo căn cơ nhất. Chủ trương của nhà nước hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo chăn nuôi bò là quan điểm đúng đắn, hợp lòng dân. Đáng tiếc, trong quá trình thực hiện nếu các ngành chức năng và cơ quan thực thi chính sách không nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích, tạo nên cơn sốt ảo  thì người nghèo và nông dân đã không trở thành “nạn nhân” như hiện nay.

ĐÌNH CẢNH

Tin cùng chuyên mục