Đêm trên sông Tắc

Khai thác cát lậu hoành hành

Khai thác cát lậu hoành hành

Sau hơn 2 năm chấn chỉnh, tình hình bơm hút cát lậu trên sông Tắc đã giảm đáng kể. Thế nhưng đêm đêm, những người khai thác cát lậu vẫn hoành hành…

Súng nổ trên dòng sông Tắc

Không biết tự lúc nào có tin đồn là sông Tắc (một nhánh sông Đồng Nai, thuộc quận 9) có nguồn cát vô tận. Thực hư ra sao không biết, chỉ biết cách đây chừng 2 năm tình hình bơm hút cát ở đây diễn ra khá phức tạp cả ngày lẫn đêm. Người dân ở 2 phường Long Phước, Trường Thạnh (quận 9) lo sợ lở bờ đã kêu cứu chính quyền. Dân “la làng” thì bọn “cát tặc” nhe răng cười. Công an ra quân thì bọn “cát tặc” giật “lỗ lù” (một nút đóng bên dưới ghe) nhấn chìm xuồng rồi bơi qua bờ bên kia, mất dạng. Khi công an rút quân thì “cát tặc” lại bơi trở ra trục chiếc ghe và tiếp tục hoạt động. Báo chí cũng vào cuộc. Bọn “cát tặc” chuyển hướng làm ăn ban đêm. Năm 2004, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TPHCM hướng xử lý tình hình bơm hút cát trái phép trên địa bàn sông Tắc. Trạm 6 là đơn vị chủ công và đến nay trên dòng sông Tắc cũng chỉ có đơn vị này từng đêm âm thầm tuần tra, truy bắt bọn “cát tặc”.

Khai thác cát lậu hoành hành ảnh 1

Ghe hút cát lậu bị tịch thu tập trung trên rạch Kỳ Hà.

Theo Đại úy Nguyễn Đại Phong, quyền Trạm trưởng Trạm 6: “Vấn đề này phải giải quyết thật căn cơ mới mong chấn chỉnh được. Trước tiên, chúng tôi tiến hành cho các hộ kinh doanh cát trên tuyến sông Tắc, cũng như các khu vực lân cận ký cam kết không tiêu thụ cát của bọn “cát tặc”. Kế đến, các chủ ghe thuyền ở khu vực quận 9 cũng được vận động cam kết không tham gia hút cát thuê.

 Tuy nhiên cái lợi quá lớn, nên không ít hộ vẫn lén lút tham gia. Việc truy bắt, xử lý không đơn giản! Theo quy định, chúng tôi tốn một khoảng thời gian gần 7 giờ đồng hồ trên sông nước để đưa phương tiện về trạm. Các thủ tục còn lại, như: lập biên bản sự việc, biên bản tạm giữ phương tiện, ra quyết định tạm giữ, đăng báo truy tìm chủ, quyết định tịch thu… là cả một thời gian dài và mọi kinh phí đều của nhà nước”. Đưa mắt nhìn xa xăm về phía sông Sài Gòn, nơi có hàng chục phương tiện thủy đang lưu thông, Trung tá Đặng Hữu Tiến, Trạm phó Trạm 6 kể: “Sau khi thông báo các số điện thoại “đường dây nóng” của Trạm 6, đêm nào chúng tôi cũng nhận ít nhất chục cuộc điện thoại của người dân thông báo tình hình. Dân tin là quý, nhưng nhiều lúc mình đến nơi thì mọi việc đã xong xuôi!”.

Ít ai biết rằng đường từ Trạm 6 đến khu vực sông Tắc nếu đi bằng ca nô phải mất ít nhất 45 phút, những đoạn kênh rạch ở xa thì thời gian còn dài hơn. Nắm bắt được điều đó, bọn “cát tặc” cử người quanh quẩn gần trạm để nắm tình hình và thông báo cho đồng bọn kịp thời tẩu thoát. Trung tá Tiến kể tiếp: “Có lần, anh em chúng tôi thuê một chiếc ghe đi tuần tra, còn ca nô thì đã “chốt” trong một lùm dừa nước dày đặc ở đầu sông Tắc từ trưa hôm trước. Khoảng 1 giờ sáng, chúng tôi phát hiện một ghe đang bơm hút cát. Phát hiện ra chúng tôi, chỉ cần vài phút, những kẻ khai thác cát lậu đã giật “lỗ lù”, định bỏ trốn. Tôi vòng lên phía trên chặn đầu, đồng thời báo tin cho ca nô hỗ trợ. Khi áp sát vào chỗ bọn chúng, chúng dùng cây tầm vông đẩy ca nô ra xa và giật “lỗ lù” nhấn chìm xuồng. Nhiều phát súng đã nổ. Chúng tôi chặn lại kịp thời. Thật ra, đó chỉ là một trong những lần hiếm hoi chúng tôi bắt được chủ phương tiện bơm hút cát trái phép, còn phần đông bọn chúng bỏ chạy mất dạng!”.

Đêm lặn mò ghe trên sông tối

Gần 0 giờ, tôi bỗng nghe tiếng còi tàu ầm ĩ, Đại úy Phong, Quyền Trạm trưởng Trạm 6 móc điện thoại di động (ĐTDĐ) nghe rồi đi thẳng ra ca nô. Trong tiếng máy tàu và gió lồng lộng, Đại úy Phong nói như hét: “Bữa nay anh gặp may đó. Lúc này, một tuần có khi mới bắt được một vụ!”. Ca nô lướt sóng phóng vun vút về phía trước. Trời tối đen như mực, tôi không biết mình đang ở khu vực nào. Ở dưới nước cũng có “ổ gà”. Ca nô giật nẩy lên từng hồi, nước bắn tung tóe vào mặt. Hơn nửa tiếng phóng trong đêm tối trên dòng sông lạnh giá, bất chợt Đại úy Phong rẽ phải vào một đoạn sông nhỏ. Giảm tốc độ ca nô, Đại úy Phong móc ĐTDĐ liên lạc. “Tôi đến đầu sông Tắc rồi nè. Mấy ông đang ở đâu? Còn khoảng nửa cây số nữa hả. Rồi!”. Chiếc ca nô lại tăng tốc. Trời vẫn tối đen. Xa xa thấp thoáng ánh đèn chấp chới trên sông bên bờ trái. Đêm lạnh thấu xương. “Đâu thấy gì đâu?”, tôi hỏi. Đại úy Phong trả lời: “Tụi nó giật “lỗ lù” nhận chìm ghe rồi. Đây là chiếc ghe trục vớt. Mấy anh thợ lặn đang mò chiếc ghe bơm cát trái phép”.

Từ dưới sông trồi lên, anh thợ lặn tên Thái cho biết: “Sâu quá, phải “thổi” mới trục được!”. Chúng tôi ái ngại nhìn anh em đang ngụp lặn ở đầu mũi chiếc ghe trục vớt. Ai cũng trần trùng trục và chỉ mặc độc chiếc quần lót trên người. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, chiếc ghe đã dần dần nổi lên. Nhưng cũng phải thêm 1 giờ nữa thì anh em thợ lặn mới móc được chiếc máy bơm và đống dây bơm đầy bùn sình dưới lòng sông.

Khai thác cát lậu hoành hành ảnh 2

Các thợ lăn đang trục vớt ghe khai thác cát lậu trên sông Tắc.

Trên đường trở về Trạm 6, Đại úy Phong cho biết: “Chiếc ghe bơm cát lậu này ở gần bờ nên anh em thợ lặn đỡ cực. Nhiều hôm ở giữa sông và trời mưa gió, chúng tôi phải chốt cả đêm để chờ sáng mới lặn mò chiếc ghe!”.

Hơn 9 giờ sáng ngày hôm sau chiếc ghe khai thác cát lậu mới về tới Trạm 6. Nhìn con rạch Kỳ Hà sát cạnh Trạm 6 đặc kín các phương tiện vi phạm, Trung tá Tiến cho biết: “Bằng mọi giá phải đưa phương tiện về trạm để làm biên bản tịch thu. Do biết “đi đêm có ngày gặp… Trạm 6” nên phần đông các chủ ghe đều sử dụng phương tiện cũ kỹ cho công việc bơm hút cát”. Vậy mà trong một lần áp tải phương tiện, Đại úy Phong đã liên tục nhận nhiều cú điện thoại “xin lại” phương tiện với giá 30 triệu đồng.

Anh em Trạm 6 nói vui: “Nếu dưới rạch Kỳ Hà dày đặc phương tiện hút cát thì trên bờ cũng không khác gì”. Gần 50 chục máy tàu, máy bơm sét lẹt “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở một góc sân Trạm 6. Tuần tra, phát hiện, tịch thu… tốn công, tốn kinh phí nhưng cuối cùng Công an TPHCM cũng như anh em ở Trạm 6 chẳng thu lại được gì. Các đợt thanh lý bao nhiêu năm nay đều đi đến kết quả là tiêu hủy. Máy tàu cưa làm sắt vụn, còn ghe thì tự mục rã trong nắng gió, sóng nước và lần lần chìm xuống lòng con rạch Kỳ Hà đặc quánh phèn chua.

Tiễn tôi ra về. Đại úy Phong nói: “Tình hình khai thác cát trên sông Tắc đã giảm nhiều rồi. Phần đông ghe bị bắt đều vắng chủ, mà theo điều tra thì toàn của dân Đồng Nai. Tuy nhiên, chỉ mới giảm thôi chứ chưa hết hẳn. Mình mà lơi lỏng là tình hình lại diễn biến phức tạp! Phải cố gắng thôi…”. Nếu chính quyền địa phương tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc quản lý thì có lẽ anh em Trạm 6, CSGT đường thủy sẽ bớt cực. Thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ Trạm 6 vẫn lặng thầm tuần tra để truy bắt “cát tặc” trong những đêm lạnh giá! 

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục