Ông già tìm hài cốt liệt sĩ dưới chân Thành cổ

92 tuổi vẫn đi tìm hài cốt liệt sĩ
Ông già tìm hài cốt liệt sĩ dưới chân Thành cổ

Hơn ba mươi năm nay có một ông già ở dưới chân Thành cổ Quảng Trị, lặng lẽ làm một công việc hết sức ý nghĩa: tự nguyện tìm kiếm cất bốc, an táng hàng trăm hài cốt những anh hùng liệt sĩ, cũng như những người lính phía bên kia chiến tuyến đã ngã xuống trên đất Thành cổ. Đó là ông Phạm Lý Chánh, ở phường 1, thị xã Quảng Trị. Quý mến, nhiều người tôn ông là “tượng đài sống” ở đất Thành cổ. Ông là ân nhân của rất nhiều gia đình liệt sĩ ở các tỉnh thành phía Bắc. Năm nay ông Phạm Lý Chánh đã 92 tuổi mà trông vẫn còn mạnh khỏe, tinh anh. Vầng trán rộng, nước da trắng hồng, râu dài, khuôn mặt phúc hậu, dáng người vạm vỡ, cao lớn...

92 tuổi vẫn đi tìm hài cốt liệt sĩ

Ông già tìm hài cốt liệt sĩ dưới chân Thành cổ ảnh 1

Ông Phạm Lý Chánh trong căn phòng của mình.

Ngày đất nước thống nhất, ông Chánh tròn 60 tuổi. Giã biệt quân ngũ với hàm thiếu tá, ông chọn đất thiêng Thành cổ Quảng Trị làm quê hương thứ hai của mình (quê gốc của ông Chánh ở tỉnh Quảng Nam) rồi dựng nhà sinh sống cùng vợ con.

Ngồi ngẩm lại cuộc đời, ông Chánh bảo rằng mình quá may mắn. Mấy chục năm cầm súng đánh giặc qua hai cuộc kháng chiến, xông pha khắp chiến trường từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, rồi trở về mặt trận đường 9 Nam Lào, biết bao nhiêu chiến trường ác liệt thế mà ông may mắn vẫn sống sót trở về hạnh ngộ với gia đình...  

Ở Thành cổ Quảng Trị, trong mỗi nắm đất đều có một phần máu xương của các chiến sĩ. Ông Chánh xúc động: “Tôi đã nhiều lần bốc lên nắm đất Thành cổ để phân ra đâu là thịt xương đồng đội, đâu là mảnh bom đạn đan xen...”. Công việc đầu tiên của ông Chánh khi mới về Thành cổ là  tập trung tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ đưa vào nghĩa trang. Ông luôn nhắc nhở người dân Thành cổ, trong từng nhát cuốc, thớ đất được đào lên, phải luôn chú ý các hiện vật như hạt cúc áo Tô Châu, đôi dép cao su, ngòi bút máy...Vì đây là những kỷ vật luôn nằm cùng với hài cốt liệt sĩ.  Dù có bận rộn với trăm công ngàn việc, nhưng khi nhận được thông tin về các kỷ vật trên, ông Chánh liền có mặt kịp thời, động viên bà con gắng đào thêm vài tấc đất, cố tìm cho ra hài cốt các anh.

Khi phát hiện được hài cốt liệt sĩ, ông Chánh lại đứng ra tổ chức lễ đám. Dẫu không linh đình, nhưng cũng chẳng bỏ sót nghi thức nào, làm trọn nghĩa cử của người còn sống đối với người đã chết. Người lớn tuổi dựng rạp, làm bàn thờ; Đội âm công đến nhảy múa, thanh niên kết vòng hoa tưởng niệm, bà con mang  hương hoa đến viếng.

Đến ngày đưa đám ông vận động các thanh niên, nữ sinh trong trang phục nghiêm trang cùng bà con tiễn các anh về nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau khi đưa đám ba ngày, vợ ông, bà Văn Thị Hoàng lại chuẩn bị mâm cơm đầy cùng chồng gánh lên nghĩa trang cúng cho các liệt sĩ. Những lúc làm việc hiếu nghĩa này, ông Chánh đều bỏ tiền riêng của mình ra để lo lễ vật để các liệt sĩ được sung túc, đầy đủ. Lương hưu mỗi tháng gần 3 triệu đồng, ông chẳng đưa cho vợ đồng nào, tất cả ông đều sung vào làm việc thiện. Thấy chồng làm việc phúc đức, vợ ông luôn động viên chồng gắng giúp ích cho đời được chừng nào tốt chừng ấy. Bà chẳng khi nào phiền lòng.

Ông già tìm hài cốt liệt sĩ dưới chân Thành cổ ảnh 2

Gia đình liệt sĩ Phạm Trung Giang (bên phải) nói lời tri ân với ông Chánh (bìa trái).

Nhiều lúc, chính quyền chưa chuẩn bị kịp bia đá cho các liệt sĩ, ông tất tả đi mua từng bao xi măng về tự tay làm bia để dựng lên bên nấm mồ các anh rồi  khắc vào dòng chữ “Lão sĩ hàng giang thành tâm lập mộ”. Ông nói, dù liệt sĩ có tên tuổi hay chưa tìm ra tên tuổi, nơi yên nghỉ của các anh rất cần có tấm bia mộ.

Không chỉ chăm sóc, đưa tiễn các liệt sĩ, mà mỗi lần phát hiện được hài cốt những người lính của chính quyền miền Nam cũ, ông Chánh vẫn lo lễ rất đàng hoàng để đưa họ về yên nghỉ ở nghĩa địa của thị xã. Ngày lễ tết, ông vẫn thường đến thắp hương cho những người mà trước đây ở phía bên kia chiến tuyến. Đối với ông, nghĩa tử là nghĩa tận.Mỗi mẩu xương còn sót lại hôm nay trên đất Thành cổ đều là xương cốt của con em người Việt Nam!

Khi ông đang tiếp tôi tại nhà riêng, bất ngờ có một đoàn khách đến thăm. Trưởng đoàn là anh cả Phạm Trung Thép, cùng bốn anh em đã ở tuổi ngoài lục tuần, hiện sống ở Hà Nội, Hải Phòng, là anh chị ruột của liệt sĩ Phạm Trung Giang, may mắn được ông Chánh phát hiện, đưa về nghĩa trang, nay gia đình vào gặp ông xin được nói lời tri ân.

Ông Chánh kể lại, cách đây mấy năm trong lúc làm đường giao thông ông phát hiện được một hài cốt liệt sĩ. Dùng tay bốc từng nắm dất lên thấy có một lọ Penixilin nằm bên hài cốt.Phía trong lọ có mảnh giấy nhỏ đề tên tuổi liệt sĩ Phạm Trung Giang, hy sinh ngày 28-8-1972. Đây là một trong rất ít liệt sĩ may mắn tại Thành cổ khi hy sinh vẫn còn lưu lại tên tuổi. Cất bốc xong, ông Chánh đề nghị đưa liệt sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang thị xã Quảng Trị. Bất ngờ, một người trong nhóm cùng ông đang cất bốc hài cốt đề nghị đưa hài cốt đến nghĩa trang xã Triệu Long. Khi làm lễ đưa liệt sĩ Phạm Trung Giang về nghĩa trang Triệu Long, ông Chánh mới giật mình vì thấy rất nhiều liệt sĩ thuộc đơn vị của anh Giang đang an nghỉ tại đây. “Máu thịt của đồng đội thiêng liêng vậy đó”, ông Chánh chùng giọng.

Nỗi day dứt hằn sâu...

Phát hiện, an táng 4 hài cốt liệt sĩ

Mới đây, ông Phạm Lý Chánh cùng một số bà con ở thị xã Quảng Trị đã làm lễ an táng 4 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Có 3 hài cốt  được phát hiện trong lúc người dân đào móng làm nhà ở và 1 hài cốt phát hiện tại công trình xây dựng Tháp chuông Thành cổ. Ngoài xương cốt của liệt sĩ, chỉ còn lại những vật dụng mang theo như thắt lưng, dép cao su và bi đông đựng nước. Đây là các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch 81 ngày đêm vào năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị.

Trong căn phòng làm việc và cũng là nơi nghỉ ngơi của ông chỉ có một chiếc giường cùng một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ đã cũ kỷ. Một chồng bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương gần một trăm cái đều ghi nhận công lao của ông trong việc tự nguyện tìm kiếm, cất bốc, an táng các liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ về nghĩa trang...

Mặc dù hơn ba mươi năm nay ông không bao giờ nghĩ mình đi làm việc này để được vinh danh. Ông quan niệm, làm việc nghĩa cũng là chuyện thường tình, là trách nhiệm, nghĩa cử của người còn sống đối với người đã khuất. Với ông, mỗi ngày sống mà làm được một việc thiện thì đêm về ngủ mới yên giấc. Tự hào mình có được 60 năm tuổi Đảng, ông viết: “Theo bước Đảng tiền phong tín nghĩa hiếu trung ngời khí tiết/Noi gương Hồ Chủ Tịch cần kiệm liêm chính sáng tâm tư”. Hai câu đối này được ông viết ra để dạy cho con cháu mình.

Cuối tháng sáu ở Quảng Trị nắng nóng như cái nồi rang đang úp xuống trên đầu người. Tôi nhìn ông, cảm nhận được nỗi trăn trở, day dứt đang hằn sâu trên khuôn mặt của một người đã có trên ba mươi năm đi tìm hài cốt liệt sĩ. Tôi hỏi ước muốn của ông là gì? Ông nói, muốn sống để tiếp tục hành trình tìm kiếm thêm được nhiều hài cốt liệt sĩ đang còn khuất lấp dưới lòng đất Thành cổ, đưa các anh vào yên nghỉ đàng hoàng ở nghĩa trang. Ba mươi năm qua mặc dù tìm được rất nhiều hài cốt liệt sĩ, đem đến nhiều niềm vui cho nhiều gia đình liệt sĩ, nhưng ông luôn day dứt vì vẫn còn hài cốt liệt sĩ đang nằm lại dưới lòng đất Thành cổ. Mỗi lần người dân ở thị xã Quảng Trị đào bới đất trồng cây, làm móng nhà, xây dựng công trình, đều phát hiện được hài cốt liệt sĩ, thấy vậy, ông quá xót xa!

Lam Khanh

Tin cùng chuyên mục