Báo động chất lượng đội ngũ tài xế

Bài 2: Kiếm bằng lái xe - tưởng khó hóa dễ!

Học một ngày, thi là... đậu!
Bài 2: Kiếm bằng lái xe - tưởng khó hóa dễ!

“Muốn học bằng E phải có bằng C đã, nặng từ 55kg và cao từ 1,6m trở lên, từ lúc học đến khi có bằng khoảng 5-6 tháng…”, một nhân viên tiếp nhận hồ sơ học giấy phép lái xe (GPLX) của trường dạy lái xe hướng dẫn. Thế nhưng thực tế không phải lúc nào cũng cần đầy đủ những điều kiện như trên mới có được bằng lái. Nhiều người cho rằng đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông (TNGT), đồng thời là nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ tài xế đang đến hồi báo động hiện nay.

Học một ngày, thi là... đậu!

Bài 2: Kiếm bằng lái xe - tưởng khó hóa dễ! ảnh 1

Những tang vật là giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe giả trong một vụ án. Ảnh: Đ. HUY

Vừa trờ xe máy vào cổng Trường Trung học Giao thông công chính (THGTCC – Sở Giao thông Công chính TPHCM), tôi được người thanh niên giữ xe “nhiệt tình”: “Thi bằng lái hai bánh hả anh? Mua không, 800 ngàn, tới ngày lên thi là đậu!”. Tôi xua tay: “Tôi có thằng em đang phụ xe khách đường dài, giờ muốn lấy bằng để chạy tài?”.

Sau khi cho biết tên, Linh- người giữ xe “tư vấn”: “Lấy thẳng bằng E (lái được xe chở người trên 30 chỗ ngồi) không được đâu, phải lấy bằng C (ô tô đầu kéo có 1 rơmoóc từ 3.500 kg trở lên) trước đã, chạy 2 năm sau mới lấy bằng E được.” Linh cho biết rõ thêm, kèm theo đó là phải có chứng chỉ nghề nhưng bên Linh có người đi thi và lấy chứng chỉ luôn.

Còn để thi dấu C, trước ngày đi thi, người của Linh sẽ chỉ dẫn cách làm phần lý thuyết trên máy vi tính lẫn thực hành chạy xe trên sa bàn cảm ứng điện từ, hai “công đoạn” này chỉ cần… 1 ngày là đủ! Sau hai năm có bằng C, chỉ mất thêm khoảng 3 tháng nữa là lấy được bằng E.

Với bằng dấu C, Linh ra giá 8,5 triệu đồng (đã bao gồm chứng chỉ nghề), còn với bằng E là 6,2 triệu đồng, đưa trước phân nửa tiền. “Có cách nào có bằng E nhanh hơn không?”, tôi hỏi. Linh không hề e dè: “Bằng không có hồ sơ gốc (bằng giả) thì 5 triệu rưỡi đồng, chạy được 3 năm, đưa tui 4 tấm hình 3x4, 2 tấm 2x3, một bản photo CMND, đóng trước 3 triệu đồng, 10 ngày sau lấy bằng”! Việc có thể làm GPLX giả thì tôi tin, vì mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệt phá một đường dây làm GPLX giả, thu giữ được 9 giấy “dỏm”.

Nhưng tôi vẫn bày tỏ thái độ e sợ sẽ giao tiền nhầm “người không tóc”, Linh “bồi” thêm: “Tui có hộ khẩu quận 3, đang thầu bãi giữ xe mấy chục triệu đồng chẳng lẽ bỏ trốn vì mấy triệu đồng. Nếu cần tui dẫn anh lên quận 12 gặp thầy dạy luôn”.

Khu vực trước Trung tâm Sát hạch GPLX của Trường THGTCC ở quận 12 cũng có “chợ bằng lái” xôm tụ không kém. Khi nghe tôi thổ lộ muốn kiếm bằng C, cò Sơn, ngụ nhà đối diện, “dứt dạt”: “Làm bây giờ 5 tháng sau là có bằng. Biết chạy xe rồi thì khỏi học lý thuyết hay thực hành gì hết. Nhiệm vụ là tới ngày lên thi, lên trước một ngày “dợt” phần hình và lý thuyết trên máy vi tính. Bao trọn gói 6,5 triệu đồng, gồm hồ sơ, khám sức khỏe, chỉ đưa 10 tấm hình, CMND và ký một chữ ký trên tờ giấy trắng để bên này “đưa” vô hồ sơ, mai mốt đi thi nhớ ký đúng chữ ký đó là được. Tiền thì đưa trước 3,5 triệu đồng, tới ngày thi xong trả hết luôn, có biên nhận ghi tên và số CMND đầy đủ”. Được biết, xung quanh trung tâm này còn có một số cò bằng lái nữa, với một loại bằng giá cả chênh nhau khoảng 500 ngàn đồng.

Nhiều kẽ hở

Kẽ hở đầu tiên là việc kiểm tra sức khỏe của các tài xế tương lai rất qua loa, dù quy định của Bộ Y tế về việc này rất chặt. Chỉ cần 1 tấm ảnh và 20.000 đồng là ai cũng có thể có 1 tấm giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện để lái xe.

Ngày 31-7-2007, chúng tôi đến một điểm khám sức khỏe lái xe của một đơn vị đào tạo lái xe trực thuộc Sở GTCC TPHCM (252 Lý Chính Thắng, quận 3) do khoa khám bệnh 2, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM thực hiện. Người cần khám sức khỏe chỉ thực hiện duy nhất một thao tác bóp tay để đo lực tay là 5 phút sau sẽ có trong tay giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe cơ giới đường bộ với đầy đủ chiều cao, cân nặng (do người khám tự ghi), lực kéo thân, mắt, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp… Với kiểu khám như thế này thì nỗi lo về khả năng người nghiện, thậm chí người dị tật cũng được xác nhận đủ sức khỏe lái xe là hoàn toàn có cơ sở.

Tài xế không đủ sức khỏe, thiếu thước tấc… vẫn được cầm lái cũng không phải là chuyện không thể xảy ra. Một cán bộ sát hạch lái xe khẳng định khi sát hạch đã phát hiện một số học viên không đủ điều kiện về sức khỏe nhưng vì chỉ “bằng mắt thường” nên chỉ có thể phát hiện những dị tật bên ngoài.

Bên cạnh đó, một giáo viên hướng dẫn lái xe “bật mí”, cách thức thi hiện nay khá chặt chẽ nhưng vẫn “lách” được. Như ở phần thi lý thuyết, câu hỏi nào có liên quan đến xe chữa cháy thì chọn phương án trả lời số 2; có xích lô thì chọn số 1; có cảnh sát giao thông thì chọn số 3…

Còn phần thi thực hành, thí sinh rớt chủ yếu là do tâm lý run sợ nên cò bằng lái chỉ cần bỏ chút thời gian làm “công tác tư tưởng” và chỉ dẫn cặn kẽ các “động tác” cần thiết lẫn điểm số của từng phần thi rồi bày cả cách tính toán, sẵn sàng phạm một hai lỗi, cân nhắc điểm số miễn sao tổng điểm cuối cùng đạt yêu cầu (từ 80 điểm trở lên) là được. Ví dụ như ở phần vượt cầu, thí sinh nên đạp thắng thật mạnh, miệng đếm 1,2,3 theo đồng hồ rồi cứ nhấn ga mạnh vọt qua cầu là suôn sẻ….

Theo ghi nhận của chúng tôi, quy trình đào tạo lái xe hiện nay hầu như chỉ chú trọng đào tạo những nội dung thi bắt buộc. Phần lý thuyết học viên có thể học hoặc không (không điểm danh). Hơn nữa, tính theo thời gian đào tạo 4,5-5 tháng cho bằng lái hạng B1 và B2 nhưng thực chất thời gian học không nhiều, bình quân mỗi tuần 2-3 buổi, mỗi buổi chỉ vài giờ. Có người còn so sánh thời gian đào tạo một bằng sơ cấp lái xe lu là 1 năm, trong khi lái xe chuyên nghiệp chỉ cần 5 tháng là quá ngắn.

Đạo đức lái xe, vấn đề đang được rất nhiều người đặt ra thì giáo trình trước đây có nhưng hiện nay ít có cơ sở nào đưa phần này vào giảng dạy vì không phải thi. Dường như các cơ sở dạy lái xe chỉ chú trọng việc làm thế nào để học viên lấy được bằng chứ không phải để học viên biết lái xe và lái xe an toàn. 

Một bất cập nữa là hiện nay độ tuổi lái xe chuyên nghiệp quá trẻ. Hiện nay ở tuổi 21 là có thể có bằng lái xe chuyên nghiệp dấu D (xe chở khách từ 30 người trở xuống), 25 tuổi có thể lấy được bằng hạng E, trong khi một số nhà sản xuất xe khuyến cáo lái xe loại này tuổi đời phải từ 30 trở lên. Đó là chưa kể biện pháp thu hồi GPLX khi tài xế gây ra TNGT nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự còn nhiều lỏng lẻo.

Hiện nay, ngành GTCC có thể thu hồi GPLX từ 3 tháng đến vĩnh viễn, công an có quyền thu hồi GPLX thông qua hình thức bấm 3 lỗ. Thế nhưng, do các tỉnh chưa “nối mạng” được với nhau nên có tình trạng người ở địa phương này bị thu hồi bằng lái thì đến địa phương khác để học và thi lại.

Nhóm PV TS-XH

- Bài 1: Lên xe, phó thác sinh mạng cho... bác tài

Tin cùng chuyên mục