Tỷ phú nuôi heo

Tỷ phú nuôi heo

Từ chối cơ hội sang nước ngoài định cư để ở nhà… nuôi heo; liều lĩnh bỏ ra gần 26 tỷ đồng, nhập giống heo ngoại về nuôi thử nghiệm trên chuồng trại Việt Nam để rồi ruột như xát muối khi nhìn chúng chết; kết quả của việc phản bác cái câu “ngu như heo” là một trang trại trị giá hơn 50 tỷ đồng… Đấy là chuyện gây sốc về ông tỷ phú nuôi heo - Tư Kim ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

“Tư khùng” mê heo

Dù sở hữu một trang trại nuôi gần 13.000 con heo cả thịt và giống, một nhà máy chế biến thức ăn gia súc, đã trở thành đại gia, lên hàng tỷ phú nhưng ông Tư Kim vẫn củ mỉ cù mì như một nông dân thứ thiệt. Khoác bộ đồ bảo hộ lao động, phun hóa chất khử trùng cho từng người, rồi ông quần xắn cao tới gối, vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, vừa khề khà kể chuyện đời mình…

Tỷ phú nuôi heo ảnh 1

Ông Tư Kim bên một chuồng heo giống ngoại siêu nạc.

- Nhà tôi có tới 9 anh chị em nên đời sống cơ cực lắm. Ba mẹ gắng lắm mới mở được cơ sở khô dầu làm thức ăn cho heo. Sản phẩm làm ra cũng chỉ bán được túc tắc nên khó nhọc lắm mới đắp đổi được cuộc sống thường nhật. Tôi thích heo ngay từ hồi tóc còn để chỏm, khi đó nhà tôi có nuôi một con heo mọi, hàng ngày, ăn ngủ nghỉ ngay trong nhà nhưng nó sống rất sạch sẽ và rất linh lợi. Từ đó tôi không còn tin câu… “ngu như heo” nữa. Năm 1986, cả gia đình tôi đi định cư ở nước ngoài, ngẫm mình không có trình độ qua đó cũng chỉ đi làm thuê cho người ta, trong khi đó, bên này mình vẫn đam mê với nghề nuôi heo thì dại gì… Thời đó, nhiều người muốn đi nước ngoài không được, còn mình thì lại quày quả đòi ở nhà. Thấy thế ai cũng dè bỉu, gọi tôi là… “Tư khùng”.

Khởi nghiệp, vợ chồng ông vay mượn bạn bè thêm vốn để nuôi vài chục con heo lấy lãi vì tận dụng nguồn thức ăn cho heo do mình tự chế biến được. Gặp lúc nghề nuôi heo đang thịnh, năm 1999, có số vốn kha khá, ông nghĩ ngay đến việc thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc Kim Long. Cùng lúc, ông đã có một hành động mà đến giờ này, nhớ lại, ông Kim vẫn công nhận là mình liều mạng, đó là mở rộng diện tích khu vực nuôi heo lên tới 33ha (15ha nuôi heo giống và 18ha nuôi heo thịt). Nuôi vài chục con heo đã lời nhưng không có nghĩa nuôi hàng trăm con heo thì lập tức có lãi mẹ đẻ lãi con. Đấy là bài học đầu tiên của ông Tư Kim. Nâng quy mô trang trại được một thời gian, chưa kịp hoàn vốn đầu tư thì ông gặp ngay “sóng cả”: thịt heo rớt giá thê thảm, heo giống, heo bột thì đua nhau ngả bệnh, nợ nần cứ tăng ào ạt như sóng xô bờ. Nhưng “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, sau lưng là vực thẳm rồi đấy, muốn sống thì chỉ còn cách vùng lên thôi, nhủ lòng như vậy, Tư Kim bặm môi dấn bước...

Rước heo ngoại

Bao năm say mê với nghề, nghiền ngẫm cả đống sách vở, tài liệu để biết cơ địa, nhịp sinh học của heo mà chăm chút cho chúng từng chế độ ăn uống, thậm chí là cả chuyện nghỉ ngơi, thư giãn, nên ông Tư Kim đã trở thành chuyên gia về heo. Nhận thấy con heo nái nền ở Việt Nam có nhiều nhược điểm do gien cũ khiến con giống chậm lớn, năng suất không cao, tỷ lệ mỡ nhiều, số con mỗi lứa thấp. Là người chăn nuôi có uy tín nên ông có điều kiện tiếp cận với nền chăn nuôi các nước phát triển. Thế là ngay từ năm 1999, trong thời điểm Việt Nam cấm nhập các giống heo thì ông là người đầu tiên dám bỏ gần 300.000 USD, viết đơn xin Bộ NN-PTNT cho nhập 200 con heo siêu nạc nổi tiếng của các nước về làm giống. Khó ai có thể ngờ rằng giá heo giống mà ông nhập từ Đan Mạch, Bỉ, Canada, Mỹ, Pháp v.v... lên tới 1.300 USD/con cái và 1.500 USD/con đực, chưa kể chi phí vận chuyển bằng máy bay, mỗi con cũng tốn hàng trăm USD…

Đã thế, khi heo nhập về Việt Nam, do khí hậu không phù hợp nên 4 con trị giá cả núi tiền ấy đã chết. Không nản chí, ông Tư Kim mày mò nghiên cứu để rút ra bài học xương máu là phải trang bị hệ thống làm mát thì mới kiểm soát được nhiệt độ chuồng trại. Nghĩ là làm, ông đầu tư trang bị hệ thống la-phông kín chuồng, che rèm và dùng quạt hơi nước thổi ở đầu chuồng, cuối chuồng thì lắp máy hút. Nhờ vậy, nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định ở mức 28độC, giúp heo phát triển tốt. Không chỉ nhập heo, để việc lai tạo giống tốt, hàng năm ông còn nhập khoảng 60 liều tinh với giá gần 10.000 USD.

Giống tốt, kỹ thuật nuôi tiên tiến, khoa học nên năng suất đàn heo của ông Tư Kim đã có bước đại nhảy vọt. Nếu như giống nái nền của Việt Nam mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 8 con, mỡ nhiều thì heo nái nhập khẩu, mỗi năm cho 2-3 lứa, mỗi lứa lên đến 11 con mà tỷ lệ nạc lại rất cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của con giống và không muốn mãi lệ thuộc vào nguồn giống ngoại nhập nên ông Tư Kim, một mặt nuôi, một mặt thuần hóa và hoàn thiện công việc chọn giống heo siêu nạc. Công việc gian khổ ấy, mãi đến năm 2006 mới hoàn thiện. “Tới nay, giống heo của tôi không thua bất cứ giống của nước nào” - ông vui mừng nói.

Ngay từ khi bước vào trang trại của ông Tư Kim, chúng tôi đã bị choáng ngợp. Bởi khu vực trang trại bề thế nằm trong rừng cao su, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại công nghệ của Mỹ, nào hệ thống phân phối thức ăn, hệ thống làm lạnh, khu trại cách ly dành cho heo nhập ngoại, khu dành cho heo đã thuần hóa v.v... đâu đâu cũng ngăn nắp. Nhưng, điều lạ lùng hơn cả, với cả chục ngàn con heo như vậy nhưng chúng tôi không hề ngửi thấy mùi hôi như ở những chuồng trại khác.

Đọc được sự cắc cớ trong ánh nhìn của khách, ông Tư Kim cười tươi tắn, hể hả kể: “Phân heo có mùi thối là do chất dinh dưỡng trong thức ăn không được heo hấp thụ hết khi thải, phân bị phân hủy sẽ gây mùi. Mày mò nát nước, tôi mới phát hiện và sử dụng chất Sanjiban của Ấn Độ rải xuống khu vực chứa chất thải, chất này có tác dụng tạo oxy trong phân làm sống vi khuẩn có lợi để tiêu diệt những vi khuẩn gây thối nên chuồng trại lúc nào cũng thơm tho. Cái câu “bẩn như heo” mà người ta nói ở đâu thì được chứ đến trang trại của tôi thì phải sửa”. Chuồng trại sạch sẽ, lại làm tốt công tác chọn giống, tiêm phòng, khử trùng nên chưa bao giờ đàn heo của ông Tư Kim chịu ảnh hưởng bởi các đợt dịch bệnh.

Trăn trở

Tỷ phú nuôi heo ảnh 2

Một góc trang trại heo, được trả giá gần 50 tỷ đồng mà ông Tư Kim không bán.

Có choáng ngợp trong trang trại khang trang với hơn chục ngàn chú heo phổng phao, mượt mà ấy, chúng tôi mới hiểu vì sao mới đây, một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, sau khi tham quan cơ ngơi này, đã nằng nặc đòi mua lại với giá trên 3 triệu USD (khoảng 50 tỷ đồng) - một con số trong mơ - ấy thế mà “Tư khùng” không gật đầu mới lạ chứ. Tôi đùa:

- Sao ông không sang tên lũ heo nheo nhóc này, giã biệt kiếp quần lá tọa để đóng bộ mà lên sàn chơi chứng khoán cho hoành tráng?

- Tôi làm giàu đâu chỉ để vinh thân, phì gia, còn cả trăm công nhân ở đây nữa chứ…

Rồi ông háo hức nói về tham vọng nhân rộng những mô hình trang trại như thế này để biến nước ta trở thành một trong những trung tâm nuôi heo của thế giới. Ước mơ thành lập những hợp tác xã (HTX) kiểu mới như ở Pháp, Đức. Những HTX đó sẽ cung cấp giống heo tốt, các loại dịch vụ cho heo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi, nguồn thuốc v.v... cho người nuôi và khi heo lớn thì HTX sẽ tìm cách giải quyết đầu ra cho các hộ chăn nuôi…

Chúng tôi biết, nếu điều ước ấy thành hiện thực thì cơ hội để thịt heo Việt Nam trở thành thương hiệu trên trường quốc tế là chuyện không khó, bởi nhu cầu sử dụng thịt heo trên thế giới luôn rất cao. Có điều, nếu chỉ có tâm huyết của những người như ông Tư Kim thì không đủ. Bởi chỉ một chuyện đơn giản nhất là vừa qua các nhà khoa học chỉ công bố việc chăn nuôi sử dụng thức ăn tăng trọng, tồn dư độc tố trong thịt heo gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng nhưng không hề đưa ra những nguyên nhân, giải pháp nào để giải quyết vấn đề này giúp người chăn nuôi. Xa hơn, là chuyện nhà nước vẫn chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi thì việc xuất khẩu thịt và phòng chống dịch bệnh trên đàn heo còn rất khó khăn… 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục