Những sinh viên mặc áo cà sa

Những sinh viên mặc áo cà sa

Lần đầu thấy màu áo cà sa vàng trên giảng đường Trường Dự bị đại học thành phố Hồ Chí Minh, tôi khá ngạc nhiên. Đến khi được tiếp xúc với những sinh viên là nhà sư tôi không giấu nổi sự cảm kích, thích thú trước sự hiểu biết về mọi mặt của các vị ấy.

Nhà sư Danh Phà Ni cho hay:
- Bây giờ, nhà sư không thể chỉ giảng giải về kinh kệ, giáo lý đơn thuần mà phải có vốn kiến thức sâu rộng về mọi mặt và thông thạo một nghề nào đó để giúp phật tử làm ăn, sinh sống.

Những sinh viên mặc áo cà sa ảnh 1

Nhà sư cũng là sinh viên.

Như để cho tôi hiểu thêm, nhà sư Danh Phà Ni cho biết, đất nước thời hòa bình, hội nhập với thế giới, người dân ở tận vùng sâu, vùng xa, nơi núi cao, đều quan tâm đến làm kinh tế, làm giàu, muốn vậy việc học hành trở nên cấp bách. Người tu hành thời này không thể ở trong chùa ngày mấy lần tụng kinh và giảng lý thuyết chay mà phải hòa nhập với cuộc sống của phật tử, cùng với họ xây dựng cuộc sống mới. Muốn giúp đỡ được mọi người có hiệu quả, nhà sư phải có trình độ học vấn cao. Nhà sư có trình độ học vấn cao cũng là tấm gương cho phật tử noi theo.

Khóa nào cũng vậy, Trường Dự bị đại học TPHCM cũng có sinh viên thuộc giới tu hành. Năm học này, trường có ba nhà sư. Đó là nhà sư Phà Ni, Huỳnh Minh (chùa Khmer Sóc Soài, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), nhà sư Thạch Vuông ở chùa Hòa Lục, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. “Khi thấy màu áo cà sa vàng ở giảng đường chúng tôi cũng như thấy lòng mình yên tĩnh hơn”, một sinh viên người Chăm nói với tôi như vậy.

Anh cho biết thêm, các nhà sư đều học rất chăm, luôn bám giảng đường, ghi chép cẩn thận và khi chưa hiểu là hỏi thầy giáo liền, trong khi đó, không ít sinh viên khác coi chuyện bỏ lên lớp là chuyện thường. Ở ký túc xá, các nhà sư nổi tiếng chăm học, không bao giờ đi lãng phí thời gian cho những việc vô bổ, có nhiều đêm ánh đèn ở phòng các nhà sư sáng suốt đêm, đi qua ngó vào thấy các vị đang cúi đầu vào sách, học bài mà cứ như tụng kinh, không giỏi sao được.

Theo thầy Nguyễn Cương, hiệu trưởng nhà trường, sinh viên là nhà sư thời gian đầu học có thể thua sinh viên khác nhưng nhờ sự nỗ lực, chăm học nên chỉ thời gian ngắn họ vượt lên. Các nhà sư sống chan hòa với mọi người, đoàn kết với sinh viên các dân tộc khác.

*

Trường Dự bị đại học TPHCM là nơi dành cho phần lớn sinh viên các dân tộc ít người nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt, không phải nộp bất cứ khoản kinh phí nào mà còn được nhà nước cấp tiền ăn. “Khi tới đây mình chỉ mang theo bộ đồ mặc trong người, tới nơi là có đủ mọi thứ”, một sinh viên người Pa Cô cho biết. Nhà anh rất nghèo, bố mẹ làm rẫy, quanh năm thiếu trước hụt sau, nếu không có chế độ ưu tiên của nhà nước thì không thể nào đến được giảng đường đại học, cho dù anh học rất giỏi. Sinh viên ở trường này còn được ở ký túc xá khá khang trang, mỗi phòng 4 người có công trình phụ riêng. Có lẽ ít trường đại học nào có khu ký túc xá đàng hoàng, sạch đẹp như ở trường dự bị đại học này.

Năm học này, nhà trường tuyển 750 tân sinh viên thuộc 30 dân tộc. Đông nhất là sinh viên người Khmer 311 người, ít nhất là các dân tộc Châu Mạ, Ve, Rắc Lây, Khùa, Kơ Ho chỉ có 1 người. Về tín ngưỡng, có đủ các tôn giáo như Bà La Môn, Phật giáo, Tin Lành, Hồi giáo. Ngoài ra còn có sinh viên Lào, Campuchia. Điều hết sức thú vị là sinh viên các dân tộc, các tôn giáo cũng như sinh viên nước ngoài đều rất đoàn kết, cùng chung sức xây dựng nhà trường.

Đã có người gọi, Trường Dự bị đại học là trường đoàn kết. Nhà trường là một không gian văn hóa, với những phòng học rộng rãi, thoáng mát, thư viện có hàng ngàn đầu sách, tài liệu nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên của trường có kiến thức sâu rộng, trong số 47 người có 3 tiến sĩ, 17 thạc sĩ, 12 người đang làm luận án thạc sĩ. Đặc biệt, các giáo viên rất hiểu tâm lý học sinh các dân tộc ít người. Năm đầu vào học, các thầy giáo phải nắm rõ học lực của từng sinh viên, nếu người nào yếu là phải bồi dưỡng thêm. Nhờ phương pháp này mà có những sinh viên thiếu hụt kiến thức cơ bản chương trình phổ thông, số này thường gặp ở học sinh dân tộc ở vùng sâu vùng xa, đã được bù đắp.

Nhà sư Danh Phà Ni nói:
- Hồi nhỏ tôi vừa làm chú tiểu ở chùa vừa theo học phổ thông. Đại đức trụ trì chùa Hòa Lục luôn dành thời gian cho chúng tôi học, hàng ngày chúng tôi chỉ tụng kinh hai giờ, còn lại là đến trường và ôn bài, tuy vậy, kiến thức của học sinh ở vùng xa như chúng tôi thua xa học sinh ở thị xã, thành phố. Cho nên, khi đến học ở đây, chúng tôi được nhà trường bổ túc thêm nhiều kiến thức phổ thông. Qua gần một học kỳ, chúng tôi đã tiến bộ rất nhiều.

Theo nhà sư Danh Phà Ni: “Cho dù mấy năm gần đây nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đối với học sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó không gian văn hóa học hành ở những nơi ấy không thể bằng ở đô thị nên trình độ học sinh vẫn kém hơn. Hơn thế, ngày nay học sinh không chỉ học kiến thức ở trong sách mà còn ở trong xã hội, các phương tiện truyền thông hàng ngày cập nhật rất nhiều kiến thức bổ ích. Vì vậy, xét theo đa số, cùng tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng trình độ học sinh thành phố hơn hẳn ở nông thôn. Sinh viên chúng tôi ở đây đều nhận thấy điều đó nên phải cố gắng học rất nhiều. Và riêng tôi, tôi sẽ học ngành sư phạm, người thầy giáo mặc áo cà sa đứng ở bục giảng cũng thú vị, phải không?”.

Tiếp xúc với các nhà sư trẻ, tôi nhận thấy họ rất tự tin khi nói về những dự định tương lai. Nhà sư trẻ Huỳnh Minh tâm sự rằng, hiện nay ở Kiên Giang như ở Hòn Đất và đảo Phú Quốc, tốc độ phát triển rất nhanh, đã có những nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, nên vấn đề đất đai và môi trường trở nên nóng bỏng, cấp bách, vì vậy nhà sư sẽ học ngành về quản lý đất đai và môi trường. Nhà sư Thạch Vuông cho hay, sẽ học ngành luật. Đất nước ta đã phát triển, mọi người đều phải sống theo hiến pháp và pháp luật, đấy cũng là thể hiện tự do, làm chủ của mỗi người đối với xã hội.

Để tạo điều kiện cho các nhà sư học được tốt, nhà trường đã dành cho họ căn phòng ở cuối dãy ký túc xá. Đây là phòng đẹp nhất, yên tĩnh nhất, có bếp riêng vì các nhà sư phải ăn chay và thọ trai, tức là bữa ăn, vào giờ riêng biệt. “Được thế này chúng tôi không thể ao ước gì hơn” - nhà sư Thạch Vuông nói vậy.

Ba sinh viên mặc áo cà sa của Trường Dự bị đại học đều cho rằng, trở thành trí thức là điều kiện thuận lợi để họ góp phần giúp phật tử xây dựng cuộc sống ấm no, làm cho xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn. Chia tay tôi, nhà sư Huỳnh Minh nói:

- Hạnh phúc của mỗi người chính là được học hành. Nhà sư chúng tôi được vào trường đại học thực sự là niềm vui, không chỉ cho riêng nhà chùa chúng tôi mà cũng là của cả giới. Chúng tôi sẽ học thật tốt để trở thành người trí thức mặc áo cà sa.

12-2007  

NGUYỄN QUỐC TRUNG

Tin cùng chuyên mục