Ngôi chùa với những kỷ lục mới

Ngôi chùa với những kỷ lục mới

Bất chấp tiết lạnh buốt xương buốt thịt những ngày rét đậm, hơn 400 bác thợ khéo tay đến từ khắp các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, thậm chí ở tận Thừa Thiên-Huế… đang tham gia xây dựng ngôi chùa Bái Đính - ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Họ vẫn tiếp tục trằn mình, đánh vật với hàng ngàn mét khối gỗ quý để lắp dựng ngôi chùa lớn. Và từ đỉnh núi Bái Đính, một ngôi chùa đã mọc lên, đồ sộ, hoành tráng hơn bất cứ ngôi chùa nào hiện nay ở Việt Nam, với những kỷ lục được ghi cho cả khu vực Đông Nam Á.

Pho tượng nặng 100 tấn 

Ngôi chùa với những kỷ lục mới ảnh 1

Tam thế điện được gấp rút hoàn thành.

Ngay khi vừa đến núi Bái Đính, chúng tôi đã giật mình bởi một con đường vừa được mở, vắt ngược từ chân núi lên tận đỉnh núi, uốn lượn quanh co giữa sương mờ. Dọc đường, hàng trăm chiếc máy xúc, máy ủi réo ù ù. Xe ben chạy ra chạy vào ầm ĩ.

Từ lưng chừng núi, một ngôi chùa như cả một mỏm núi xanh đã dựng xong. Những mái đao cong vút như lưỡi liềm, chồng từng lớp, in vào nền trời. Hàng chục thợ trẻ đang treo mình trên những giàn giáo cao tít, sửa lại mái ngói đã lợp, sơn thêm hàng cột, gia cố hàng rui. Bên trong và bên ngoài chùa, hệ thống giá đỡ, giàn giáo chằng chịt như mạng nhện. Một thợ trẻ dừng tay cho biết, đây gọi là tòa Pháp chủ điện, nơi thờ Phật Tổ Như Lai.

Bên trong hiện đang đặt một pho tượng bằng đồng nguyên chất, nguyên khối, được nhập từ Nga về Việt Nam đúc rồi sử dụng hơn 10 chiếc xe kéo và cần cẩu mới vận chuyển được lên núi. Điều đặc biệt, pho tượng này nặng đúng 100 tấn, được coi là lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Để xây dựng ngôi chùa này, người ta phải đặt tượng Phật Tổ Như Lai an tọa trước rồi mới đào móng, dựng cột, làm nhà, lợp mái lên.

Bước vào, một cảm giác thật choáng ngợp. Tượng cao chạm tận xà ngang. Riêng phần bệ xây xi măng đã cao 1,6m - tức ngang mặt một người lớn. Chỉ riêng bàn tay Phật đã dài 1m. Tuy nhiên, công trình vẫn còn rất ngổn ngang, bừa bộn bởi mới chỉ hoàn thiện xong phần cơ bản. “Còn hàng nghìn chi tiết cho ngôi chùa như hệ thống cửa, hoành phi, bình phong, họa tiết trang trí… thì phải sau 2 năm nữa mới có thể hoàn chỉnh hết. Tất cả đều làm bằng loại gỗ quý”- bác thợ cả Lê Văn Hoạt, phụ trách một cánh thợ ở Kim Sơn (Ninh Bình) tâm sự.

Bên ngoài, trên khoảng sân của Pháp chủ điện là một quả chuông nặng 27 tấn, đặt cạnh hàng bồ đề đang chớm lộc do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trồng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Công - tổng chỉ huy đại công trường ở chùa Bái Đính, thì quả chuông này do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính ở phường Đúc (TP Huế) đúc. Sau đó, dùng container chở từ Huế về núi Bái Đính vào tháng 7-2007 vừa qua. Tuy nhiên, quả chuông này chưa phải to nhất ở đây, mà “đại hồng chung” đứng kỷ lục cả khu vực Đông Nam Á là quả chuông nặng 36 tấn, hiện được đặt trên mỏm đồi gần chân núi, nơi đang xây dựng một gác chuông gồm 3 tầng, 24 mái. Ông Công bảo: “Nếu quả chuông này được treo lên, thì phải có ít nhất 4-5 người cùng đẩy cần thúc chuông mới đặng. Và chuông sẽ rung vọng ra cả một vùng, với bán kính xa 3- 4km”.

Ngôi chùa với những kỷ lục mới ảnh 2

500 pho tượng La Hán được đặt trên mỏm đồi.

Cao hơn một chút, ở phía sau, cách Pháp chủ điện khoảng một con dốc là tòa Thượng điện (còn gọi là Tam thế điện). So với Pháp chủ điện thì Tam thế điện lớn hơn 1,5 lần. Chùa gồm 3 tầng 12 mái, ngói được vận chuyển từ Huế ra và do chính người Huế lợp. Tam thế điện có hàng chục cây cột lớn, mỗi cột cao 22-30m, đường kính 80cm. Trong, ngoài, trên, dưới Tam thế điện, hơn 200 công nhân cũng đang vắt mình trên những giàn giáo cao tít để lắp chỉnh lại những chi tiết cuối.

Tam thế điện là nơi đặt 3 pho tượng Tam thế, bằng đồng nguyên chất, mỗi pho tượng nặng 50 tấn. Khi bước vào, đứng trước ba pho tượng Tam thế đặt thẳng hàng, con người cảm thấy mình quá nhỏ bé so với uy pháp to lớn của Phật. Điều khiến ngôi chùa Bái Đính đặc biệt ở chỗ, trong khi phần lớn chùa ở Việt Nam cho đến nay mới chỉ có diện tích sàn rộng khoảng 150m² (bị hạn chế do chiều dài của cây cột gỗ làm xà nhà) thì chùa Bái Đính lại mang đến một diện mạo, tầm vóc hoàn toàn khác hẳn. Đó là có diện tích mặt sàn rộng tới 2.400m² (còn phần mái thì rộng tới 4.000m²). Bởi vậy, nhiều người đã bày tỏ sự kinh ngạc khi được nhìn thấy ngôi chùa này và gọi nó là “Nam thiên đệ nhất tự”, vì ở nước Nam xưa nay chưa có ngôi chùa nào to như vậy.

Và chúng tôi còn sửng sốt hơn khi bắt gặp 500 pho tượng La Hán xếp trên ngọn đồi phía bên phải Tam thế điện. Người làng Ninh Vân (Hoa Lư-Ninh Bình) đã cặm cụi tạc tượng trong 3 năm liền. Tất cả đều được làm bằng đá trắng.

Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội 

Ngôi chùa với những kỷ lục mới ảnh 3

Thợ mộc phải xẻ gỗ bằng tay để dựng chùa Bái Đính, trong tiết trời lạnh căm căm.

Trong dịp về thăm và làm việc tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình vào ngày 27-1 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại đến dâng hương tại chùa Bái Đính.

Hiện nay, chùa Bái Đính đang được coi là có nhiều kỷ lục nhất trong các chùa ở Việt Nam như: ngôi chùa có diện tích rộng nhất với 490ha, có pho tượng Phật bằng đồng 100 tấn, nặng nhất cả khu vực Đông Nam Á, có 2 quả chuông bằng đồng thuộc loại nặng nhất thế giới (một quả nặng 36 tấn, một quả nặng 27 tấn và là ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất trong các nước ASEAN, với 500 tượng. Ngoài ra, còn phải kể thêm một kỷ lục nữa, là chùa do một tư nhân bỏ tiền ra xây chứ không phải do nhà nước đầu tư hoặc bằng nguồn đóng góp công đức của thập phương.

Theo ông Công thì chủ nhân của ngôi chùa là ông Nguyễn Xuân Trường - chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường của tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa chỉ là một “hạng mục” nằm trong chuỗi dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Tràng An (kề sát cố đô Hoa Lư) rộng gần 2.000ha do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết, chùa Bái Đính sẽ xong phần ngoại thất vào năm 2008 và sẽ hoàn thành vào năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Sau đó, các hạng mục khác thuộc dự án khu du lịch sẽ tiếp tục được triển khai như cải tạo hồ Đầm Thị, xây suối nhân tạo như ở chùa Hương (Hà Tây), hệ thống cảnh quan, khu biệt thự, sân golf, khách sạn… 

PHÚC KIẾN LONG

Tin cùng chuyên mục